Thời khủng hoảng “vàng xanh”

19/03/2012 09:07 GMT+7

Ngày 22-3 là Ngày thế giới nước với chủ đề “Nước và an ninh lương thực”. Bắt đầu từ năm 1992, ngày này đã trở thành thời điểm để Liên Hiệp Quốc nhắc nhở thế giới về tầm quan trọng của nước ngọt và sự cần thiết quản lý bền vững nguồn tài nguyên được mệnh danh là “vàng xanh” của thế giới.

Ngày 22-3 là Ngày thế giới nước với chủ đề “Nước và an ninh lương thực”. Bắt đầu từ năm 1992, ngày này đã trở thành thời điểm để Liên Hiệp Quốc nhắc nhở thế giới về tầm quan trọng của nước ngọt và sự cần thiết quản lý bền vững nguồn tài nguyên được mệnh danh là “vàng xanh” của thế giới.

Các nhà khoa học tiếp tục đưa ra những cảnh báo bi quan về nước với tương lai của loài người. Dân số hiện 7 tỉ người, sẽ tăng lên 9 tỉ người trong 40 năm tới. Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính vào năm 2025, 1,8 tỉ người sẽ sống ở những khu vực “hoàn toàn thiếu nước” và 2/3 dân số thế giới có thể chịu hoàn cảnh “bị căng thẳng về nước”.

“Nước ảo”, nhưng tiêu thụ thật

 
Một người lao động rửa mặt ở xe bồn chứa nước tại ngoại ô New Delhi ngày 16-3-2012. Phần lớn châu Á đang chịu khủng hoảng ô nhiễm nước nghiêm trọng - Ảnh: Reuters

“Nước ảo” là lượng nước ngọt dùng để làm ra sản phẩm tại địa điểm mà sản phẩm đó được sản xuất. Mỗi ngày chúng ta chỉ cần 2-4 lít nước uống, nhưng chúng ta dùng nước sạch một cách gián tiếp rất nhiều. Sản xuất 1kg thịt bò mất tới 15.000 lít nước, 1kg lúa mạch ra đời ngốn 1.500 lít nước, 1 ly cà phê cần tới 140 lít nước, 1 quả trứng cần 137 lít nước, 1 miếng bánh mì cần 37 lít nước.

Ở nhiều nước châu Phi, chưa đến 65% dân số được sử dụng nước sạch. Lượng mưa trung bình ở châu lục này khoảng 800mm/năm, nhưng không đều ở các quốc gia hoặc các khu vực trong một quốc gia. Trẻ em ở hạ Sahara vẫn bị thiếu nước, nước kém vệ sinh là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Cứ trong bảy quốc gia thì có một quốc gia phụ thuộc 50% nguồn nước vào lãnh thổ bên ngoài biên giới. Lượng nước dự trữ của thế giới đủ để đáp ứng toàn bộ nhu cầu của nhân loại, song lại phân bố rất không đồng đều trên bề mặt Trái đất. Chỉ có chín nước chia nhau nắm giữ tới 60% lượng nước ngọt dự trữ của toàn thế giới. Đó là Brazil, Nga, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Colombia và Peru. Nước chính là một nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa các dân tộc.

Thế giới đang chứng kiến hậu quả của tình trạng sử dụng nước sạch ngày càng dễ dàng hơn cũng như công nghiệp và đặc biệt là nông nghiệp phát triển quá mạnh trong thế kỷ 20. Khu vực châu Á bị giới chuyên môn cho là đã mắc sai lầm khi tìm mọi cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua vấn đề môi trường. Do vậy, phần lớn các nước châu Á đều phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước nghiêm trọng.

Nước sẽ quý hơn dầu mỏ

Theo Liên Hiệp Quốc, gần 800 triệu người trên thế giới vẫn không được tiếp cận nước sạch và mục tiêu cải thiện điều kiện vệ sinh cơ bản sẽ không hoàn thành cho tới năm 2026. Diễn đàn thế giới về nước lần thứ 6 (sự kiện được tổ chức ba năm một lần) vừa kết thúc ở Pháp hôm 17-3, với tuyên bố không mang tính ràng buộc của các nước là “cam kết đẩy nhanh việc áp dụng đầy đủ những nghĩa vụ, quyền con người liên quan tới tiếp cận nước uống sạch và an toàn bằng những biện pháp phù hợp. Đây là một phần nỗ lực của chúng tôi để vượt qua khủng hoảng nước ở mọi cấp”. Nhưng tuyên bố này bị chỉ trích là đầy lỗ hổng, đặc biệt là các nhà hoạt động đã rất thất vọng khi thấy việc tiếp cận và sử dụng nước sạch không được định nghĩa là “quyền con người”.

Có sự liên quan mật thiết giữa một quốc gia đói nghèo và thiếu nước. Liên Hiệp Quốc nhận thấy những quốc gia là điểm nóng trên thế giới chính là nơi thường có số người bị suy dinh dưỡng nhiều nhất, chủ yếu làm nông nghiệp phụ thuộc lớn vào nước. Cách khai thác, sử dụng và quản lý bền vững nước của con người đang còn rất nhiều khiếm khuyết nguy hiểm, đặc biệt khi Liên Hiệp Quốc nhận định trong tương lai nước sẽ còn quý hơn dầu mỏ.

Những hành động thiết thực giúp tiết kiệm nước ngọt

- Mỗi lần giặt máy luôn bỏ đầy quần áo cho đủ một mẻ.

- Sử dụng xô và giẻ thay vì vòi nước to để rửa xe.

- Mua sản phẩm mà nhà sản xuất ít phải sử dụng nước để sản xuất.

- Thường xuyên bảo trì bảo dưỡng thùng hoặc bể chứa nước (hai lần/năm).

- Hứng nước mưa vào thùng để tưới cây.

- Sử dụng chổi để quét dọn đường đi thay vì dùng nước máy để phun.

- Rửa chén bát bằng tay khi có thể, vì máy rửa bát dùng rất nhiều điện và nước.

- Trồng cây ven bờ để tránh xói mòn dọc hồ và sông.

- Sử dụng các loại dầu gội đầu, bột giặt, xà bông thân thiện với môi trường.

(Trích: www.gnb.ca/environment)

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.