Cánh diều 2011: Phim giải trí lên ngôi

18/03/2012 03:58 GMT+7

Lễ trao giải thưởng Cánh diều 2011 đã diễn ra vào tối qua (17.3) tại Hà Nội. Những cái tên được xướng lên cùng Cánh diều vàng, Cánh diều bạc đã gây ngạc nhiên lớn.

Lễ trao giải thưởng Cánh diều 2011 đã diễn ra vào tối qua (17.3) tại Hà Nội. Những cái tên được xướng lên cùng Cánh diều vàng, Cánh diều bạc đã gây ngạc nhiên lớn.

Nhiều giải cho phim giải trí

Ở thể loại phim truyện nhựa, Mùi cỏ cháy của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười đã nhận Cánh diều vàng. Điều này không nằm ngoài dự đoán của giới báo chí, bởi giải thưởng cánh diều thường dành sự ưu ái đặc biệt cho những bộ phim mang đề tài chiến tranh, chính luận. Mùi cỏ cháy kể lại câu chuyện cảm động của 4 chàng sinh viên rời ghế giảng đường đại học ra chiến trường Quảng Trị theo tiếng gọi Tổ quốc năm 1971. Với bộ phim này, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tiếp tục nhận giải biên kịch xuất sắc - giải thưởng mà ông đã được trao tại LHP VN lần thứ 17 vừa qua. Tuy là bộ phim chiến tranh, nhưng Mùi cỏ cháy không lên gân, khô cứng, giáo điều, mà có thể mang đến những tiếng cười và cả giọt nước mắt xúc động. Nhưng điểm trừ của phim là cách kể chuyện quá cũ kỹ, thiếu sáng tạo, nhiều cảnh quay còn dàn dựng cẩu thả.

 
Đoàn làm phim Mùi cỏ cháy nhận giải Cánh diều vàng - Ảnh: Lê Quân

Bất ngờ lớn là bộ phim mang đậm chất giải trí Long Ruồi nhận Cánh diều bạc, Charlie Nguyễn đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Long Ruồi là bộ phim chỉ nhằm gây cười, kịch bản và phần dựng phim vẫn còn rất nhiều sạn, như một vở kịch vui hơn là tác phẩm điện ảnh đích thực, trong đó khó tìm thấy sự sáng tạo của các nhà làm phim, dù đây vẫn được xem là phim được thực hiện dành để “đo ni đóng giày” cho diễn viên Thái Hòa. Nam diễn viên này vẫn thể hiện được tài năng diễn xuất, nhưng nhiều khán giả chưa nhận thấy sự bứt phá thực sự của anh, thậm chí có phần còn “nhạt” hơn chị Hội trong bộ phim giải trí Để Mai tính trước đó cũng do Charlie Nguyễn đạo diễn. Tuy nhiên, Thái Hòa vẫn nhận được sự đánh giá cao của ban giám khảo với giải diễn viên nam chính xuất sắc. Một bộ phim giải trí khác là Sài Gòn Yo! của đạo diễn gốc Việt Stephane Gauger đồng nhận Cánh diều bạc.

Mặc dù đã từng đứng ngang hàng với Mùi cỏ cháy khi nhận Bông sen bạc tại LHP VN lần thứ 17, nhưng Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) cũng chỉ nhận được bằng khen cùng với bộ phim giải trí nhẹ nhàng Lệ phí tình yêu (đạo diễn Nguyễn Minh Chung). Trong khi đó, Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt lại chiếm thiện cảm của các nhà báo nên dễ dàng giành giải báo chí. Dường như đã có sự chênh lệch trong cách đánh giá của ban giám khảo và báo giới.

Hẩm hiu phim nghệ thuật

Giải thưởng Cánh diều năm nay đánh dấu sự lên ngôi của dòng phim giải trí, bởi những giải thưởng quan trọng như Cánh diều bạc, đạo diễn xuất sắc, nam/nữ diễn viên chính xuất sắc, nữ diễn viên phụ xuất sắc đều thuộc về các bộ phim này. Trong khi đó, vài bộ phim mang ít nhiều chất nghệ thuật như Tâm hồn mẹ (đạo diễn Nhuệ Giang), hoặc Đó... hay đây? (đạo diễn Síu Phạm) từng vào danh sách đề cử Những xu hướng mới tại LHP Busan 2011 (Hàn Quốc), đều không nhận được bất cứ giải thưởng nào.

Nếu như giải thưởng điện ảnh của hội nghề nghiệp luôn đề cao những bộ phim có tính nghệ thuật, chuyên nghiệp cao, thì có vẻ việc nhiều bộ phim giải trí, thậm chí có phim chỉ đơn thuần để gây cười, không mang thông điệp nhân văn lại được tôn vinh trong mùa giải năm nay, là bất ngờ lớn. Phải chăng ban giám khảo đang đổi mới tư duy, ưu ái cho dòng phim thị trường nhằm thúc đẩy tư nhân sản xuất phim ngày càng nhiều hơn? Nhìn vào danh sách 12 bộ phim nhựa tranh giải, đa số đều thuộc thể loại giải trí (8 trong số 12 phim), liệu điều đó đã buộc ban giám khảo không thể không ưu ái cho dòng phim này?

Đây cũng là điều xa lạ với giải Cánh diều - một giải thưởng yêu cầu tính sáng tạo cao trong việc tìm tòi ngôn ngữ điện ảnh đậm chất nghệ thuật như trước nay đã từng. 

Các giải thưởng khác

Phim truyện nhựa:

 

m nhạc xuất sắc: Đỗ Hồng Quân (Mùi cỏ cháy)

Họa sĩ thiết kế: Mã Phi Hải (Lời nguyền huyết ngải)

Quay phim xuất sắc: Phạm Thanh Hà (Mùi cỏ cháy)

Nữ diễn viên chính xuất sắc: Quỳnh Hoa (Sài Gòn Yo!)

Nam diễn viên phụ xuất sắc: Hiếu Hiền (Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt)

Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Tina Tình (Long Ruồi)

Phim ngắn:

Cánh diều vàng: 16 giờ 30 (ĐD Trần Dũng Thanh Huy)

Cánh diều bạc: Thứ bảy này bác có đến không? (ĐD Lê Phương Mai)/Mắt cửa (ĐD Huỳnh Viết Phương)

Phim tài liệu điện ảnh:

Cánh diều bạc: Sóng nhà giàn (ĐD Phan Huyền)

Phim tài liệu truyền hình:

Cánh diều vàng: Tiếng vọng 50 năm (ĐD Trần Văn Trạng)

Cánh diều bạc: Một đời nghiên cứu Hoàng Sa (ĐD Phạm Xuân Nghị)

Phim khoa học:

Cánh diều vàng: Động đất sóng thần thảm họa khôn lường (ĐD Nguyễn Như Vũ)

Cánh diều bạc: Mùa chim làm tổ (ĐD Vũ Hoài Nam)

Phim truyện truyền hình:

Biên kịch xuất sắc: Nguyễn Mạnh Tuấn (phim Công nghệ thời trang)

Đạo diễn xuất sắc: Nguyễn Dương (Khát vọng thượng lưu)

Nam diễn viên xuất sắc: Cao Minh Đạt (Công nghệ thời trang)

Nữ diễn viên xuất sắc: Elly Trần (Khát vọng thượng lưu)

Cánh diều bạc: Công nghệ thời trang (ĐD Đỗ Phú Hải)/Những đứa con biệt động Sài Gòn (ĐD Đặng Minh Quang và Khương Đức Thuận)

Phim hoạt hình:

Cánh diều vàng: Đôi bạn (ĐD Phạm Hồng Sơn)

Cánh diều bạc: Chiếc lông công (ĐD Phạm Ngọc Tuấn)

 

 

 

Ngọc An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.