Chuyên tình thời A còng - Truyện ngắn của Châu Diên

18/03/2012 03:29 GMT+7

Cứ như thể tôi và hai người đó có hẹn nhau vậy, giờ nghỉ làm việc ban trưa, khi tôi ghé quán cà phê ăn nhanh đó thì hai anh chị cũng đến. Gần như là đã giữ chỗ trước, tới quán là chúng tôi ngồi vào “ghế của mình”. Có lần tình cờ lọt vào tai tôi cái tên dễ thương mà hai anh chị gọi chốn này: “Quán Chúng Mình”.

Cứ như thể tôi và hai người đó có hẹn nhau vậy, giờ nghỉ làm việc ban trưa, khi tôi ghé quán cà phê ăn nhanh đó thì hai anh chị cũng đến. Gần như là đã giữ chỗ trước, tới quán là chúng tôi ngồi vào “ghế của mình”. Có lần tình cờ lọt vào tai tôi cái tên dễ thương mà hai anh chị gọi chốn này: “Quán Chúng Mình”.

 
Minh họa: Văn Nguyễn

Cô nàng thường đến sau, anh chàng bao giờ cũng ngồi đó rồi, tách cà phê đen để mé bên phải, mé tay trái là chiếc điện thoại di động, trước mắt là tập tài liệu chụp đóng gáy xoắn, tay không cầm tách cà phê thì lại cầm cây bút dạ gạch gạch đánh dấu. Cô đến, ngồi vào ghế trước mặt anh, rồi cũng bày lên bàn chiếc điện thoại di động màu hồng, đặt trước mặt một tập tài liệu cũng đóng gáy xoắn, rồi giơ tay ra hiệu, và người nhà hàng biết lệ liền mang đến một tách cà phê đặt ở mé đối xứng với chiếc di động màu hồng.

Cái đầu óc thích nghĩ ngợi viển vông của tôi gọi thầm họ là đôi câu đối. Thế rồi một bữa kia khi tôi vào quán thì đã thấy xuất hiện cùng với họ một bé gái chừng ba bốn tuổi. Tôi nghe lỏm bé gọi người đàn ông là “ba Gấu” và người đàn ông gọi bé là Tép, còn người đàn bà gọi người đàn ông là gì tôi nghe không rõ. Một tuần lễ liền sau đó, tôi không thấy người đàn bà đến quán cà phê ăn nhanh, mà chỉ thấy “ba Gấu” cùng với con bé có tên là Tép.

Máu nhà văn khiến tôi ngẫu hứng viết nên câu chuyện dưới đây, tên nhân vật do tôi đặt cho, định bụng viết xong sẽ tặng họ.

Thấy anh ra ga tiễn vợ đi công tác, một người đàn ông cùng cơ quan với vợ Lượng nói trêu:

- Thế đấy, tương kính như tân! Cưới nhau đã một tuần rồi mà vẫn cứ như mới cưới ngày hôm qua...

Câu đùa không được ai hưởng ứng cả. Vì cả cơ quan đều biết Lượng và Nhung lấy nhau là cảnh rổ rá cạp lại. Nếu là cưới lần đầu, mấy khi người ta điều một người đi công tác sau khi chỉ cho hai người có nhõn một tuần hú hí.

Mà nào một tuần lễ đâu chỉ có cho riêng hai người!

Còn bé Tép chen ngang nữa chứ!

Tép là tên gọi ngắn của con gái Nhung. Đúng ra định gọi Top Ten cho đúng mô đen thời đại mua sắm.

Bà ngoại bĩu môi, Tóp với chả Tép, chê cháu bà xấu xí. Chắc chắn bà ngoại bĩu môi cho phải nhẽ, muốn tỏ ra không quá chầm vập con gái và cháu ngoại. Mà cũng có cả cái mê tín không được khen con trẻ mà phải chê cho nó hay ăn chóng lớn. Bà nội tồ tề ngỡ bà ngoại nói thật, cũng ngoại giao bĩu môi theo, Tóp với chả Tép.

Thế là đổi luôn thành Tóp Tép. Rồi cứ ngắn dần, nay chỉ còn Tép. Cũng hay, đậm đà bản sắc. Nay cái Tép đã bốn tuổi rưỡi, sắp tuổi đi học. Hôm mới về ở với nhau, Nhung hỏi Lượng có nên gửi tạm bé Tép về bà ngoại ít bữa không. Lượng ngăn lại. Sao lại thế? Chả cần. Tép phải ở gần chúng mình chứ?

Hôm nay ở cửa nhà ga, Tép đứng nép cạnh Lượng. Cao bằng cả đùi anh. Nhung nghe tiếng người nói trêu, mắt cô liếc một cái vào phía chồng, xem anh có phản ứng gì không. Thấy Lượng chẳng tỏ thái độ gì, Nhung lại liếc xuống thấp chỗ con gái đứng. Hình như Nhung muốn nhìn cái việc Lượng không bế nó lên một cái.

Nhưng chỉ với hai cái liếc liếc như thế là đủ để đôi bên đánh giá hết tình hình. Một là, thiên hạ vẫn thích chõ vào công việc riêng nhà ta, anh có thấy hối vì đã cưới em không? Hai là, em biết đúng là con bé vẫn chưa chịu gọi anh bằng bố, nhưng sao anh cũng không chịu bế nó nhỉ? Lượng cũng biết vợ mình nghĩ thế. Chỉ mấy cái liếc liếc không lời là đủ để anh đánh giá gần đúng Nhung của anh đang nghĩ gì.

Hai bố con lên xe buýt. Hai người ngồi hai ghế như hai người lớn. Lượng mua hai vé, cố ý mất năm nghìn để hai cha con thành hai người lớn.

- Ba Gấu ơi...

- Gì hả Tép?

- Sao ba Gấu không đưa Tép đi xe máy?

- Đi xe buýt thì hai chúng mình nói chuyện với nhau được nhiều hơn.

Tép nhìn ra ngoài đường phố, không bình luận gì.

Cách gọi “ba Gấu” và “bé Tép” chính là sáng kiến của Lượng. Sáng kiến đó cũng lại là của Nhung nữa. Mỗi người có một biệt danh. Gọi thế rất khôn. Mới đầu là Nhung gọi Lượng. Biết Lượng nhiều tuổi hơn mình, muốn xưng “em” lắm, Nhung bật ra cách gọi Lượng là “ông thầy” hoặc “ông giáo”, mặc dù Lượng chẳng là nhà giáo, lại càng không là thầy giáo của Nhung. “Ông giáo ơi, em nhờ thầy cho ý kiến này...”, nghe dễ chịu và giải quyết được biết bao nhiêu chuyện. Lượng không bắt lỗi Nhung chuyện đó. Nhưng cũng thầm cám ơn cô nàng khôn ngoan. Và khi về ở với nhau, Lượng dùng cách đó cho cả nhà.

Bé Tép ngồi một lát lại ngọ ngoạy.

- Ba Gấu ơi...

- Gì hả Tép?

- Vì sao mẹ đi mà ba Gấu không đi?

- Vì mỗi người một việc. Mẹ đi chống bệnh dịch ở miền biển.

- Ba Gấu không biết chống bệnh dịch à?

- Ba Gấu chỉ biết làm việc khác thôi...

Lượng nghĩ bụng, nó không hỏi mình biết làm việc gì để mình nói nữa... Nó không thèm chú ý đến mình, hay là nó chưa đủ sức hỏi thêm?

Lượng lơ mơ nhớ thằng con trai của mình hiện đang ở với mẹ nó. Thằng bé ấy lầm lì, tựa hồ như sinh ra nó đã biết thân có lúc phải chuẩn bị sống cảnh bố mẹ xa nhau. Lượng nghĩ bụng, chả biết lúc này có ai nói chuyện với nó không?

Anh bỗng giật mình.

- Ba Gấu ơi...

- Gì hả Tép?

- Ba Gấu có bao giờ buồn không?

Lượng nghĩ bụng, con bé già quá! Mà mẹ nó lại cứ thích nó già như thế, hễ nó nói một câu như bà cụ non là khen ngay trước mặt nó. Lượng đã cố chữa lại cho Nhung chuyện này. Nhưng Nhung bao giờ cũng nghĩ thầm cho rằng anh khắt khe, cái khe khắt của người nhiều tuổi. Những khi đó, Nhung không nói gì, mắt chỉ liếc liếc về phía con gái. Chỉ vài cái liếc liếc nhưng cũng đủ để Lượng đoán định. Nhung muốn anh khen đứa con gái.

- Thế Tép có bao giờ buồn không?

- Tép không buồn. Chỉ khi nào xem ti vi có chuyện khóc thì Tép thích khóc. Thế thôi, không buồn.

- Ba Gấu thì khác, không bao giờ buồn.

- Tép biết, mẹ bảo ba Gấu cả đời vui sướng.

- Mẹ bảo thế nào?

- Mẹ bảo bố là người hạnh phúc.

- Ba Gấu... (anh định nói “bố”, nhưng kịp nói như mọi bận)... ba Gấu thì không nhớ có được mẹ của chúng mình khen như thế bao giờ.

- Con nhớ mà! Bố không tin thì thôi...

- Ờ... ba Gấu tin con...

Lượng nghĩ thầm, mình vừa mới thay tiếng “con” cho tiếng “Tép”. Anh nghĩ tiếp con bé con làm gì đã biết thế nào là buồn. Buồn là điều phải học, để có cái buồn tử tế. Chẳng qua nó mới nhắc lại những thứ quá nhiều xa lạ bị nhồi vào đầu đấy thôi.

Xa lạ với cả mình! Anh nhớ lại lần đầu gặp Nhung. Bữa đó anh ra thư viện tìm tài liệu. Trời mưa rất to. Buổi trưa người ta ra về ăn trưa, rồi chắc là vì mưa to nên buổi chiều bạn đọc chỉ thưa thớt. Lượng ngồi vào bàn và thấy Nhung cũng đã ngồi đó. Ban sáng hai người ngồi đối diện nhau. Buổi chiều, quen lệ lại vào chỗ cũ. Hai người định nói gì với nhau, nhưng chỉ có cái mắt thỉnh thoảng liếc liếc. Hình như ngay từ bữa đó hai người đã có cái thói quen tinh tế nói ít hiểu nhiều.

Sau này, khi đã quen nhau và khá thân, Lượng mới dám hỏi.

- Vì sao em ly dị?

- Vì anh ấy hay ghen. Thế vì sao anh ly dị?

- Vì anh có lần trót tát cô ấy một cái. Tiểu thư bị tát thì nhất định là đòi ly dị bằng được.

- Anh có tiếc không?

- Anh vẫn nhớ và vẫn yêu cô ấy... Thế em có tiếc không?

- Không.

Hôm đó Lượng nghĩ, đàn bà bao giờ cũng dứt khoát thật! Mình thì có thể ở với cả cô vợ cũ... và với cả em này... Mình yêu cả hai. Thế là sai hay đúng? Bữa đó, Nhung nói “anh là người hạnh phúc”. Lượng phá lên cười. Anh trêu Nhung:

- Em cũng có thể hạnh phúc như thế.

- Làm cách gì cho anh ấy khỏi ghen?

- Dễ thôi. Em không nghe chuyện kể dân gian bao giờ à?

- Dân gian thì gian lắm.

- Dân gian nhưng mà ngay thẳng, vì nói đúng bệnh chỉ đúng thuốc. Em chỉ cần làm theo phương thuốc dân gian, cầm một hòn sỏi giả vờ vứt xuống hồ Hoàn Kiếm, bảo là “òm” đi rồi. Thế là hết ghen. 

- Chẳng nhẽ ghen chỉ vì cái ấy thôi à?

- Thế còn vì cái gì nữa?

Cái đêm đầu tiên sau đám cưới lại, Nhung hỏi anh:

- Cho Tép nằm đâu?

- Dĩ nhiên là không nằm giữa.

- Chẳng nhẽ em với anh chỉ có chuyện đó thôi à?

- Thế thì thôi vậy, được không?

Nhung ngả đầu vào người anh, rồi ngả cả người vào anh thay cho câu trả lời. Anh xếp giường cho bé Tép nằm riêng. Anh kéo tay Nhung ngồi bên con gái, cho nó nhìn thấy hai người rạng rỡ hạnh phúc, hai người cùng nắm tay nó và chờ cho nó thiu thiu ngủ, rồi anh bảo Nhung:

- Con ngủ và trong mắt con vẫn lưu lại hình ảnh em và anh.

- Em cám ơn anh.

Đấy là lần duy nhất trong quan hệ hai người họ nói rõ ý riêng ra mà không chỉ dừng lại ở những cái liếc liếc.

Hôm Nhung đi công tác về, Lượng bảo bé Tép:

- Tép ơi hôm nay chúng mình đi xe máy ra đón mẹ nhé?

- Sao hôm nay bố con mình không đi xe buýt?

Lượng thấy như trong ngực mình khẽ nhói. Hoặc một cảm giác căng căng bên trong lồng ngực. Hôm ra tòa ly dị người vợ trước anh cũng có cái căng căng trong ngực như thế. Rồi khi chia tay với đứa con trai anh cũng khẽ nhói trong ngực như thế.

Anh lấy cả hai tay nhấc bổng bé Tép lên, nhìn vào mắt nó và hỏi:

- Đố Tép biết vì sao?

- Hôm nay bố thích nhanh con thích nhanh.

- Hôm nay con có quà gì

đón mẹ?

- Con sẽ kể với mẹ là...

- Chuyện bí mật à?

- Mẹ dặn con không nói những gì mẹ kể.

- Thế thì không nói gì cả. Hai bố con im lặng như thế này này...

Ba Gấu bắt chước người không nói. Mắt nhắm. Người đứng thẳng. Môi mím lại. Không nói gì cả. Bí mật. Anh mong con bé sẽ bật cười vì anh đóng kịch câm giỏi. Nhưng nó lại vẫn đuổi theo ý nghĩ riêng. Nó bảo:

- Mẹ dặn không nói, nhưng con kể với bố, mẹ nói bố cả đời vui sướng.

Hai người đi trên chiếc xe máy cũ. Mái tóc của bé Tép chịn chịn vào mũi Lượng thơm thơm. Anh chợt thoáng nghĩ đến đứa con trai riêng.

Ước gì trẻ em trên khắp thế gian này đứa nào cũng sung sướng. Đó là ý nghĩ hoàn toàn chân thành của anh vào lúc này, ngay bây giờ.

Viết xong truyện ngắn này, tôi in ra rồi đọc đi đọc lại và hồi hộp chờ dịp được tặng cái gia đình tình cờ bắt gặp nơi quán cà phê ăn nhanh mỗi buổi trưa.

Và tôi đã chờ hoài mà không gặp lại họ.

Đã mấy lần tôi tới đó, gọi một tách cà phê đen đặt một bên, chiếc điện thoại di động vỏ màu xám đặt một bên, bản in truyện ngắn đặt trước mặt, đọc đi đọc lại đến phát chán.

Và tôi chờ họ đến, song chẳng thấy họ đến.

Tôi chợt nghĩ, mình bây giờ như một vế câu đối, còn thiếu một vế nữa để thành đôi như hai anh chị kia. C.D 

Truyện ngắn của Châu Diên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.