Gương mặt trẻ VN tiêu biểu năm 2011: Hết lòng vì công việc

16/03/2012 03:41 GMT+7

Báo Thanh Niên tiếp tục giới thiệu thêm 2 trong 20 gương mặt đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ VN tiêu biểu năm 2011 do T.Ư Đoàn tổ chức, là những đại diện cho thanh niên Việt Nam xuất sắc nhất trong các lĩnh vực.

Báo Thanh Niên tiếp tục giới thiệu thêm 2 trong 20 gương mặt đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ VN tiêu biểu năm 2011 do T.Ư Đoàn tổ chức, là những đại diện cho thanh niên Việt Nam xuất sắc nhất trong các lĩnh vực.

“Miệng nói thì tay phải làm”

Trong 10 năm gắn bó với công tác Đoàn, Trần Công Viên (sinh năm 1980), Bí thư Xã đoàn Bình Xuân, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã góp công lớn khi đưa một xã có công tác Đoàn và phong trao thanh thiếu nhi Đoàn từ yếu kém trở thành vững mạnh.

Nắm bắt nhu cầu và nguyện vọng vui chơi của thanh niên trong xã, Viên mạnh dạn đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ để Đoàn xã hợp đồng với trường tiểu học thuê sân bóng đá, bóng chuyền phục vụ thanh niên rèn luyện thể dục thể thao vào những buổi chiều. Anh còn vận động thanh niên xây dựng 9 sân bóng chuyền tại 9 ấp, thu hút hàng trăm thanh niên thường xuyên tham gia luyện tập.

Ngoài ra, bằng tài văn nghệ của mình, chỉ với cây đàn ghi ta nhưng Viên đã tụ tập các bạn trẻ cùng ca hát, trò chuyện. Khi đã tập hợp được, Viên tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động chuyên đề khác như trao đổi học tập kinh nghiệm nghề nghiệp, tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, tổ chức sinh hoạt hè… Từ những cố gắng đó, nhiều phong trào đã gây được tiếng vang tốt đối với các địa phương. Ngoài ra, Đoàn xã còn phối hợp ngân hàng chính sách giới thiệu cấp vốn lập nghiệp cho 86 đoàn viên với số vốn 450 triệu đồng giúp phát triển kinh tế. Xây dựng các chi hội ở các ấp giúp đỡ nhau để sản xuất, thu hút 50 đoàn viên tham gia, qua đó động viên, hỗ trợ và xây dựng các mô hình chăn nuôi heo, trồng hoa màu, nuôi vịt đẻ, nuôi các lóc (cá quả)…

Ngoài các phong trào đoàn thể, Viên còn là “hạt nhân” trong phong trào vận động học sinh bỏ học tiếp tục đến lớp. Toàn xã chỉ có 1 trường THCS nhưng cứ vào mỗi đầu năm học lại có hơn 100 HS bỏ học với nhiều nguyên nhân. Cần mẫn nghiên cứu từng trường hợp, Viên cùng các thầy cô giáo và đại diện chính quyền đến từng gia đình thuyết phục.

Vừa là Bí thư Đoàn xã, vừa tranh thủ làm ruộng, chăn nuôi dê, vừa phấn đấu học tập để nâng cao trình độ. Viên đã nhận được nhiều giấy khen của các cấp bộ Đoàn và được giới thiệu đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011. Chia sẻ bí quyết tập hợp thanh niên, Trần Công Viên cho biết: “Miệng nói thì tay phải làm. Có như vậy mới tạo được lòng tin và vận động được nhiều đoàn viên, thanh niên địa phương cùng tham gia”.


Anh Trần Công Viên giao lưu trực tuyến với bạn đọc Báo Thanh Niên - Ảnh: Khả Hòa 

 
Thượng úy Ngô Văn Minh (thứ hai từ phải sang) trong Hội diễn tuyên truyền phòng chống ma túy - Ảnh: P.L

Người “tàng hình”

Gần 8 năm vào ngành công an, thượng úy Ngô Văn Minh, Phó đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tàng trữ, vận chuyển mua bán chất ma túy, thuộc Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Cà Mau, đã tham gia khám phá hàng trăm vụ án. Nhận công tác trên mặt trận nóng nhất của ngành công an, thường xuyên đối mặt nguy hiểm đến tính mạng nhưng chưa bao giờ Ngô Văn Minh chùn bước trước nhiệm vụ. Để phá án thành công, Minh phải cải trang thành nhiều vai khác nhau, thâm nhập vào các tụ điểm nghi vấn có đối tượng buôn bán, sử dụng các chất ma túy. Một khu vực ở TP.Cà Mau thường bán sỉ, lẻ ma túy. Đối tượng buôn bán nhiều thủ đoạn tinh vi, bị bắt giữ chúng tìm mọi cách tẩu tán tang vật rồi quay ra cãi lý với công an. Muốn bắt tận tay, day tận mặt, ngoài trinh sát nắm tình hình, Minh phải cải trang thành người nghiện vạ vật, lăn lóc ăn nằm cùng con nghiện, theo chân chúng tìm cơ hội thâm nhập vào các tụ điểm chờ mua ma túy để bí mật ghi âm, ghi hình; nắm địa hình lên kế hoạch phá án.

Từ những chứng cứ này, Minh khiến nhiều đối tượng tâm phục, khẩu phục khi tra tay vào còng. Nhưng quá trình truy bắt đối tượng buôn bán, sử dụng ma túy luôn tiềm ẩn rủi ro, không ít đối tượng đã nhiễm HIV/AIDS. Điển hình nhất là năm 2008, khi tham gia triệt phá chợ ma túy xóm Kiếp, khóm 2, phường 8, TP.Cà Mau. Truy bắt đối tượng giữa bờ kênh đầy cỏ dại và lá khô, Minh vô tình đạp phải kim tiêm do con nghiện vứt lại. Máu ra nhiều nhưng lúc ấy do quá say đánh án, Minh quyết tâm truy đuổi đến cùng, không để đối tượng thoát thân. Sau lần ấy, Minh phải uống thuốc phơi nhiễm HIV/AIDS. “Đã dấn thân vào công việc này là phải chấp nhận cả những khó khăn nguy hiểm. Không ít lần khi vào truy bắt, các con nghiện dàn hàng ngang, cởi trần lộ đầy hình xăm để hù dọa, hay tắt đèn ném đá vào lực lượng chức năng, chống trả bằng mọi hung khí đang có trong tay”, anh Minh kể.

Là trinh sát đánh án, ngoài phá án Ngô Văn Minh thường xuyên tìm đến các gia đình vận động, hỗ trợ thuyết phục người nghiện đi cai nghiện làm lại cuộc đời. Bằng phương pháp dân vận khéo léo này, Minh chủ động xây dựng hệ thống cơ sở bí mật cung cấp nhiều nguồn tin hiệu quả, chính xác. Trong số đó, có cả những người nghiện khi đoạn tuyệt với ma túy đã trở thành cơ sở bí mật, cung cấp thông tin cho Minh phá án. Dành toàn tâm sức cho những trận đánh án ma túy, Minh đã lập hẳn đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin từ quần chúng bất kể ngày hay đêm. Từ nguồn tin này, Minh cùng đồng đội lên kế hoạch triệt phá, bóc gỡ chợ ma túy một thời nhức nhối trong dư luận xã hội ở TP.Cà Mau. “Cũng may bà xã làm cùng nghề nên rất hiểu và thông cảm cho công việc lúc nào cũng có hiểm nguy rình rập. Những năm đầu vào nghề, nhiều vụ án phải độc lập trinh sát nên hay tạm ứng tiền từ bà xã để ăn nằm ở địa bàn. Đến khi phá án thành công thì mang tiền trả lại, cũng có khi thất bại thì bà xã cũng vui vẻ chịu thiệt thòi”, anh Minh kể.

Phi Loan - Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.