Đại đế Cyrus chết vì nữ tướng

15/03/2012 03:17 GMT+7

Đại đế Cyrus khai sinh ra Đế quốc Ba Tư, trị vì được 30 năm nhưng lại bị chém bởi một nữ tướng.

Đại đế Cyrus khai sinh ra Đế quốc Ba Tư, trị vì được 30 năm nhưng lại bị chém bởi một nữ tướng. 

Bách chiến bách thắng

Cyrus chính là vị vua thuộc triều đại Achaemenid (690-328 TCN) trị vì đế quốc Ba Tư cổ đại rộng lớn. Ông lên ngôi năm 559 TCN, đánh bại vua xứ Media là Astyages tại Ecbatana, thống nhất dân tộc Ba Tư và Media thành một vào năm 550 TCN. Người Ba Tư là nỗi khiếp sợ của nhiều dân tộc châu Á. Đại đế Cyrus thân chinh cầm quân tiêu diệt đế quốc Lydia năm 547 TCN. Sau cuộc chinh phạt đế quốc Babylonia (539 TCN), ông tự xưng là Vua của các vị vua.

 
Lăng mộ Đại đế Cyrus tại cố đô Pasargadae (thuộc Iran) được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2006 - Ảnh: Wiki

Dưới triều đại Achaemenid, Ba Tư là quốc gia rộng lớn nhất thế giới với diện tích vào lúc cao điểm đạt 7,5 triệu km2. Ba Tư cũng là nước có vị trí địa lý trải dài qua ba châu lục: Phi, Á và u. Trong lịch sử thế giới cổ đại, danh tiếng Đại đế Cyrus và vương triều Achaemenid vang xa tận thành Athena (Hy Lạp) đến nỗi nhiều người Hy Lạp thời đó xem văn hóa Ba Tư triều đại Achaemenid là văn hóa của chính họ.

Nhà sử học Hy Lạp Herodotos sống ở thế kỷ thứ 5 TCN đã viết về huyền thoại Đại đế Cyrus từ khi ông chào đời. Theo đó, vua Astyages xứ Media - cũng chính là ông ngoại của Đại đế Cyrus - được báo mộng rằng đứa cháu trai sau này sẽ chiếm đoạt ngai vàng. Tỉnh giấc, vua Astyages hạ lệnh lập tức giết ngay đứa bé. Thương cảm đứa trẻ vô tội, viên tướng triều đình Media mang Cyrus cho một người chăn cừu nuôi nấng. Năm Cyrus lên 10, vua Astyages phát giác vụ việc. Nhà vua cho mang Cyrus về ở với mẹ trong cung nhưng lại đày ải và gần như biệt giam. Tuy nhiên, đến nay các nhà nghiên cứu sử học đều xác nhận câu chuyện trên chỉ là huyền thoại bởi không còn một tài liệu đủ tin cậy nào về thời thơ ấu của Đại đế Cyrus. Nhưng sử sách thì ghi rõ các trận đánh oanh liệt và cả những lần chinh phạt hiển hách của Cyrus khi lên làm vua.

Năm 559 TCN, vua Cambyses I qua đời. Cyrus lên ngôi nhưng chỉ làm chư hầu cho xứ Media. Ông đóng đô ở tỉnh Pars. Từ năm 554 TCN, Cyrus phát động nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình Media. Năm 550 TCN, Cyrus tiến vào kinh đô Ecbatana (nay là Hamadan thuộc Iran), chính thức xóa sổ vương triều Media hùng mạnh. Sau chiến thắng, Cyrus giữ cựu vương – ông ngoại Astyages trong cung mà không có bất cứ hành động trả thù nào. 

Đại đế Cyrus lập ra Đế quốc Hakhamanishian (Ba Tư), đẩy tham vọng làm chủ cả vùng đất đai quanh Địa Trung Hải, Tiểu Á khiến các cường quốc lân cận như Ai Cập, Lydia và Babylonia e ngại nhưng rồi đành phải chấp nhận quy hàng Cyrus sau đó. 

Tử trận vì một bóng hồng

Cái chết của Cyrus đến nay vẫn là bí ẩn của lịch sử. Tài liệu cổ xứ Babylonia ghi rằng Cyrus qua đời ngày 4.12 năm 530 TCN. Nhà sử học Hy Lạp Xenophon (430-354 TCN) ghi chép Đại đế Cyrus mất vì tuổi già. Sách Annals of the world (Lịch sử thế giới) của tác giả James Ussher (Ireland) thế kỷ 17 viết Cyrus qua đời năm 529 TCN.  

Tuy nhiên, theo sách sử Herodotos để lại thì Cyrus qua đời ngày 7.8 năm 529 TCN sau trận đánh đẫm máu với người Massagetae, một bộ tộc du mục đến từ vùng sa mạc phía nam Khwarezm và Kyzyl Kum, thuộc Kazakhstan và Uzbekistan ngày nay. Để tìm hiểu và tìm cách chinh phục người Massagetae - dù họ không hề gây hấn hay đe dọa Đế quốc Ba Tư, Cyrus đã gửi thư đến Nữ vương Tomyris, lãnh đạo bộ tộc Massagetae với nội dung bày tỏ lòng kính trọng và muốn lấy bà làm vợ. Tuy nhiên, Tomyris từ chối vì biết rõ dã tâm của Cyrus muốn cai trị vùng đất của dân tộc bà. Cyrus tức giận ra lệnh vượt sông Araxes, tiến đánh Massagetae. Lịch sử sẽ không ghi lại sự kiện này nếu Cyrus cử tướng lĩnh thay ông chỉ huy cuộc chiến. Vì ngạo mạn, Cyrus lại thân chinh dù đã ở tuổi 70 cho dù ông biết rõ sự thiện chiến của người Massagetae. 

Herodotos kể một truyền thuyết rằng sau khi vượt sông Araxes, đêm đầu tiên nằm ngủ trên lãnh thổ của người Massagetae, Cyrus thấy ác mộng: con trai trưởng của một vị tướng dưới quyền âm mưu lật đổ ông. Dù vậy, sáng hôm sau Cyrus vẫn hạ lệnh tấn công. Cuộc chiến nhanh chóng kết thúc với phần thắng nghiêng về đội quân của Cyrus. Ông bắt sống được con trai của Nữ vương Tomyris là Spargapises. Bấy giờ, Cyrus nhận được thư của Tomyris yêu cầu thả con trai bà và rút quân về nước. Cyrus chẳng màng đến bức thư nhưng nhận được hung tin: Spargapises tự sát! Trận chiến giữa Nữ vương Tomyris và Cyrus được Herodotos mô tả là đẫm máu và tàn bạo nhất trong thế kỷ này. Hai bên đánh nhau cả ngày lẫn đêm. Cuối cùng người Massagetae hạ gục Đại đế Cyrus. Chính Nữ vương Tomyris chặt đầu ông và bỏ vào một thùng to đầy máu.

Nhà sử học Hy Lạp cổ đại Diodorus Siculus (thế kỷ thứ nhất TCN) cũng chung nhận định với Herodotos. Trong khi đó, tác phẩm Persica của nhà sử học kiêm triết gia Hy Lạp Ctesias (thế kỷ thứ 5 TCN) lại kể một truyền thuyết khác. Theo đó, Cyrus tiến đánh người Derbices do vua Amoraios lãnh đạo. Trận chiến rất khốc liệt diễn ra tại thượng nguồn sông Syr Darya. Đội quân Derbices được hỗ trợ bởi những cung thủ và kỵ sĩ người Scythia rồi binh tượng Ấn Độ lập nên thế trận phục kích quân Ba Tư. Đại đế Cyrus bị trúng tên và lao nên tử trận.     

Một thông tin khác từ nhà sử học Berossus (Babylonia) sống ở thế kỷ thứ 3 TCN cho rằng Cyrus tử trận khi tiến đánh người Dahae ở phía tây bắc, thượng nguồn sông Syr Darya. Có thể trên thực tế, người Dahae, Derbices hay Massagetae là một, đều là những bộ tộc hùng mạnh, thiện chiến. Con trai Đại đế Cyrus là Cambyses II lên nối ngôi, xây dựng lăng tẩm cho cha tại kinh thành Pasargadae rồi tiến hành chinh phục Ai Cập.

Đại đế Cyrus (sinh năm 600 TCN và qua đời năm 530 TCN) là vị hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử cổ đại. Ông là con của vua Cambyses I. Vua cha đặt ông cái tên Cyrus II theo tên ông nội Cyrus I. Dưới bàn tay lãnh đạo của ông, xứ Ba Tư (nay là Iran) trải rộng cả vùng Trung Đông ngày nay, lan sang tận Tây Nam Á, Trung Á, thậm chí đến cả châu u.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.