Làng cân đo xứ nhãn lồng

14/03/2012 10:21 GMT+7

Người ta gọi thôn Yên Vĩnh, thuộc xã Dạ Trạch, H.Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là làng… cân vì đa số trong số 1.000 hộ dân nơi đây đang sống và phất lên bằng nghề đi cân đo sức khỏe.

Người ta gọi thôn Yên Vĩnh, thuộc xã Dạ Trạch, H.Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là làng… cân vì đa số trong số 1.000 hộ dân nơi đây đang sống và phất lên bằng nghề đi cân đo sức khỏe.

Tới Yên Vĩnh, chúng tôi ngỡ ngàng trước những ngôi nhà cao tầng mới xây nhưng cửa đóng then cài. Người làng chỉ tay, “anh A, chị B… này xây được nhà xong phải tiếp tục vào Nam đi cân lấy vốn làm ăn”.

Trong trí nhớ của ông Lê Chí Vui, năm nay 50 tuổi, nghề cân manh nha ở làng từ đầu những năm 1990 với chiếc cân vác vai của hai anh em ông Hà Tài Minh, năm nay 62 tuổi, Hà Tài Thược 52 tuổi.

Đến những năm 1997, 1998, chiếc cân có thể đọc chiều cao, cân nặng xuất hiện, ông Thược, ông Minh cũng là những người đầu tiên trong làng sắm được.

Hai anh em ông Thược vào tận TP.HCM lập nghiệp. Làm ăn khấm khá, cất nhà cao cửa rộng, ông Thược mở “đại lý độc quyền” cung cấp cân cho người làng.

Ngày đó mua một cái cân khó hơn mua vàng, với giá 25 triệu một chiếc, trong khi vàng có 500.000 đồng một chỉ. Ông Thược có mối hàng bên Trung Quốc, chở hàng về rồi nhưng phải mất 100 USD nữa cho tay chủ hàng mới lấy được cân ngay.

 
Ông Lê Chí Vui trước căn nhà gần 500 triệu mới xây của cháu ruột là anh Nghị, gia đình này đang đi cân ở TP.HCM - Ảnh: Thúy Hằng

Năm 2000 là năm thịnh vượng của nghề cân đo sức khỏe, khi đến 60% hộ gia đình trong làng có người đi cân.

Người Yên Vĩnh có mặt khắp Sài Gòn, thu nhập trung bình mỗi ngày vài trăm ngàn.

Có nhà, cả vợ lẫn chồng khóa cửa vào Nam đi cân, con cái gửi ông bà. Tết nhất, hội hè là dịp làm ăn thịnh, người làng cân đi 5, 6 năm mới tranh thủ vài ngày thường về thăm nhà.

Về sau, nghề cân “phổ cập” các thành thị, người làng cân lan tỏa tới Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, nhưng Đà Nẵng, TP.HCM vẫn là nơi làm ăn khấm khá nhất.

Ông Lê Chí Vui kể: “Tôi đi cân năm 1999, chỉ quanh quận 6, công viên Phú Lâm, làm có 3 tháng mà hoàn vốn cân, lãi được thêm 6 triệu. Dân Sài Gòn ăn chơi, bỏ 4 ngàn một lượt với họ không là gì, có cô một ngày cân 3 lần. Đi từ 6 giờ sáng, nghỉ trưa 1 tiếng, ròng rã đến 10 giờ đêm, ăn cơm bụi, ngủ một giấc đến sáng hôm sau lại tiếp tục. Tính ra, có khi phải đi bộ đến hai ba chục cây một ngày. Sau nửa năm, bị mắc bệnh viêm khớp, tôi bán lại cân cho cô em, về làng”.

Nghề cân có duyên với phụ nữ trên dưới 30. Còn với đàn ông, phải đứng tuổi, vì theo lý giải của người trong nghề, chị em khách hàng ngại đứng cân của cánh thanh niên trẻ. Phụ nữ tằn tiện, treo chai nước tòng teng bên cân, ăn uống hà tiện, rồi chào mời đon đả, cũng dễ kiếm tiền hơn.

Đi cân có hội có thuyền, anh em chia nhau địa bàn làm, lúc ốm đau đi cân giúp nhau, số lượt cân lưu trong bộ nhớ của cân, vì vậy chia nhau tiền rất sòng phẳng.

Phó trưởng thôn Yên Vĩnh, ông Lê Xuân Tư, năm nay 59 tuổi cũng là một người am tường nghề cân khi trong nhà, vợ ông, hai vợ chồng con trai lớn cũng vừa mới thôi nghề cân.

Các con ông Tư nay đang học nghề chụp ảnh Hàn Quốc mới lan đến đây, nhiều đàn ông khác thì về Hà Nội xoay sở với nghề ép dẻo giấy tờ, bán bắp rang bơ để dễ dàng về nhà dạy bảo con cái.

Ông Tư tâm sự: “Nghề cân làm được tiền nhưng phải có quan hệ tốt mới được đứng trước trung tâm thương mại, siêu thị, công viên. Nhưng mà kiếm được đồng tiền cũng khổ, nhiều người chân bị viêm khớp vì phải đi suốt ngày. Tai nạn dọc đường chưa có, nhưng 8 năm trước làng này có ông đi cân, đột tử giữa đêm trong Nam, mấy ngày sau xác mới về đến làng”.

Thúy Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.