Đại lễ đường Nhân dân ngợp ánh kim tiền

14/03/2012 03:17 GMT+7

Xài hàng hiệu, sử dụng chuyên gia trang điểm hạng sang..., các đại biểu Trung Quốc khiến những kỳ họp quan trọng bị chỉ trích là nơi khoe giàu.

Ngày 13.3, kỳ họp lần 5, khóa XI Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) chính thức bế mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh sau 10 ngày hội họp. Cũng tại nơi này, đang diễn ra kỳ họp thường niên của Quốc hội (QH) Trung Quốc, vốn khai mạc từ ngày 5.3. Ngoài các quyết sách, thông báo quan trọng về chi tiêu quốc phòng, sửa đổi luật hình sự…, dư luận trong và ngoài nước này còn bị thu hút vì sự giàu có và sang trọng đến “lóa mắt” của các đại biểu.

Khi đại biểu là tỉ phú

 
Các nữ đại biểu Chiết Giang gây xôn xao với xường xám siêu sang - Ảnh: China.com 

Theo tạp chí Hồ Nhuận, chuyên về giới thượng lưu Trung Quốc, tổng tài sản của 70 người giàu nhất QH nước này vượt xa các nghị sĩ, tổng thống cùng nội các và chánh án Mỹ cộng lại. Theo đó, 70 đại biểu giàu nhất QH Trung Quốc có tổng tài sản 565,8 tỉ nhân dân tệ (90 tỉ USD) trong năm 2011, tăng 11,5 tỉ USD so với năm 2010. Về phía Mỹ, tổng tài sản của 660 người bao gồm nghị sĩ lưỡng viện QH, tổng thống, các bộ trưởng và 9 chánh án chỉ vào khoảng 7,5 tỉ USD. Hạ nghị sĩ Darrell Issa là người giàu nhất QH Mỹ với tài sản 700,9 triệu USD nhưng ông chỉ đứng thứ 40 nếu xét trong QH Trung Quốc.

Phần lớn trong danh sách tỉ phú - đại biểu đều là chủ doanh nghiệp tư nhân. Người giàu nhất là ông Tôn Khánh Hậu, Chủ tịch Tập đoàn nước giải khát Wahaha ở Hàng Châu với tổng tài sản 69 tỉ nhân dân tệ. Thứ nhì là Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Longfor Properties Ngô Á Quân, đại biểu Bắc Kinh, có tổng tài sản 42 tỉ nhân dân tệ. Trong khi đó, Bloomberg dẫn ước tính của Quỹ tiền tệ quốc tế cho hay thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc vào năm 2011 là 5.184 USD, thấp hơn nhiều so với con số 48.147 USD của Mỹ.

Việc các doanh nhân siêu giàu đứng vào hàng ngũ Chính hiệp, QH từng được xem là tín hiệu vui của công cuộc cải cách đổi mới ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người “chướng mắt” vì sự chênh lệch giàu - nghèo quá lớn giữa họ với dân thường. Ngoài ra, cũng có ý kiến hoài nghi các đại biểu giàu sang có thật sự là tiếng nói của dân chúng hay chỉ đại diện cho quyền lợi của một bộ phận nào đó. 

“Tuần lễ thời trang Bắc Kinh”

 
Bà Lý Tiểu Lâm và chiếc áo Emilio Pucci giá 1.990 USD - Ảnh: China.com

Những nghi ngờ trên cũng không phải không có cơ sở khi các đại biểu Chính hiệp và QH khoe hàng hiệu đến mức những ngày họp vừa qua được ví như “tuần lễ thời trang Bắc Kinh”. Chiếc thắt lưng da Hermes của Ủy viên Thường vụ Chính hiệp Hứa Gia Ấn có giá 1.000 USD, theo Telegraph. Người dân tiếp tục choáng khi thấy một đại biểu Chính hiệp khác là Chủ tịch Tập đoàn Trung Điện quốc tế Lý Tiểu Lâm vận chiếc áo vét Emilio Pucci màu hồng nhạt 1.990 USD.

Về phía QH, những con số gây sốc liên tục được báo chí đăng tải như gần 17.000 USD cho chiếc túi Birkin da cá sấu, 47.500 USD cho chiếc túi Celine bằng da rắn mẫu mới nhất 2012… Các thương hiệu thời trang nổi tiếng khác như Marc Jacobs, Prada, Gucci, LV, Chanel… cũng tràn ngập Đại lễ đường Nhân dân.

“Chịu chơi” hơn là 30 nữ đại biểu Chiết Giang đồng loạt xuất hiện lộng lẫy tại Đại lễ đường với xường xám đặt may riêng từ nhà thiết kế danh tiếng Ngô Hải Yến. Giá thấp nhất của mỗi bộ là 1.000 USD, theo báo Tin nhanh Trung Quốc. Các bà này còn thuê hẳn một chuyên gia trang điểm, từng làm việc với ngôi sao điện ảnh Lưu Hiểu Khánh, đi theo tân trang nhan sắc trước khi vào họp.

Dĩ nhiên, sự xa hoa quá lố như trên bị “ném đá” đồng loạt trên báo chí chính thống lẫn các diễn đàn internet, nhất là khi nhiều đại biểu đến từ vùng sâu vùng xa. Một số người cho rằng các đại biểu xài hàng nhái, theo Sina.com. Song rất nhiều ý kiến khác vẫn cho rằng các trang phục, phụ kiện trên hoàn toàn là thật và kêu gọi điều tra xem tiền ở đâu ra để chưng diện như vậy. “Kệch cỡm và lố bịch, họp QH chứ đâu phải đi trên thảm đỏ”, một bài xã luận trên Nhân Dân nhật báo viết. Một ý kiến trên trang Weibo kết luận: “Điều này cho thấy các vị đại biểu không còn đại diện cho quyền lợi của dân nữa mà giống như thành viên VIP của một câu lạc bộ nào đó”.

Chân dài phục vụ hội nghị

 
Các nữ nhân viên phục vụ duyên dáng của đợt hội nghị - Ảnh: China.com 

Hết choáng ngợp vì sự hào nhoáng của các đại biểu, dư luận còn “mát mắt” với đội ngũ phục vụ xinh đẹp cho các kỳ họp tại Đại lễ đường Nhân dân. Theo Sina.com, trung bình tổ phục vụ mỗi kỳ họp có 300 người và liên tục thay đổi 4 năm/lần. Các người đẹp được tuyển trực tiếp từ địa phương với tỷ lệ chọi là 2/300. Xinh đẹp, cao ráo, có sức khỏe tốt, luôn ân cần niềm nở, chu đáo với các đại biểu là những điều kiện hàng đầu. Ngoài ra, báo giới Trung Quốc cho rằng còn có những tiêu chí bí mật về an ninh, nhân thân... mà chỉ người trong cuộc mới biết.

Lucy Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.