Để vườn ươm công nghệ kết trái

13/03/2012 03:52 GMT+7

Chương trình thử nghiệm vườn ươm doanh nghiệp công nghệ của Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM đã biến nhiều ý tưởng, công trình nghiên cứu thành sản phẩm thực tiễn.

Chương trình thử nghiệm vườn ươm doanh nghiệp  công nghệ của Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM đã biến nhiều ý tưởng, công trình nghiên cứu thành sản phẩm thực tiễn.

Tuy nhiên, các vườn ươm còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động.

Thiếu vốn

Cho đến thời điểm này, tại TP.HCM có khoảng 5 vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, trong đó, 2 vườn ươm trực thuộc trường ĐH. Đó là vườn ươm doanh nghiệp khoa học công nghệ thuộc Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thuộc Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM.

Được thành lập từ năm 2007, Trung tâm ươm tạo Trường ĐH Nông Lâm đã hỗ trợ thành lập 6 doanh nghiệp trên các lĩnh vực như nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm nấm bào ngư, trà thuốc, rau mầm, phân bón vi sinh, máy sấy... Vườn ươm của Trường ĐH Bách khoa cũng tuyển chọn được 7 nhóm để lập doanh nghiệp trong các lĩnh vực về hóa học, phần mềm quản lý cho ngân hàng, ứng dụng thẻ từ...

Tiến sĩ Mai Thanh Phong - Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp khoa học Công nghệ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, trăn trở: “Hằng năm, Sở Khoa học công nghệ hỗ trợ kinh phí khoảng 500 triệu đồng để vườn ươm có thể vận hành. Trường đầu tư cơ sở vật chất ban đầu gồm tòa nhà, phòng ốc. Những doanh nghiệp được chọn sẽ được sử dụng văn phòng miễn phí với các trang thiết bị tối thiểu như bàn, ghế, máy tính và tập huấn các kỹ năng kinh doanh. Riêng về vốn thì doanh nghiệp phải tự lo”. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết vườn ươm nhận được sự quan tâm sát sao của Sở Khoa học- Công nghệ TP.HCM, còn phía trường không có tiền mà chỉ có thể hỗ trợ cơ sở vật chất như văn phòng, phòng thí nghiệm, đề tài…

Tiến sĩ Mai Thanh Phong khẳng định: “Các vườn ươm ở Việt Nam, đặc biệt trong trường ĐH đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, nhân lực, cơ chế hoạt động”.

Vực dậy tiềm năng

Các vườn ươm cũng cố gắng để kêu gọi vốn từ những tổ chức phi lợi nhuận hay doanh nghiệp. Về pháp lý, vườn ươm là một đơn vị của trường ĐH nên không thể cổ phần hóa đầu tư, trừ khi trở thành đơn vị bán công hoặc tư nhân. Chẳng hạn Vườn ươm công nghệ CRC thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ ngày tách ra thành doanh nghiệp riêng hoạt động rất hiệu quả, hoặc vườn ươm của Công ty phát triển phần mềm Quang Trung cũng là của tư nhân nên có thể thu hút được vốn của nhiều doanh nghiệp.

Trên thực tế, hằng năm mỗi trường ĐH đều có đề tài nghiên cứu khoa học có thể ứng dụng vào thực tế. Với các trường đào tạo khoa học kỹ thuật công nghệ thậm chí có hàng chục, hàng trăm ý tưởng từ sinh viên, giảng viên. Thế nhưng, theo PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, giữa khoa học và thực tế còn một khoảng cách quá xa và  chính vườn ươm doanh nghiệp trong trường ĐH sẽ có khả năng rút ngắn được khoảng cách ấy. “Những đề tài nghiên cứu khoa học khả thi của giảng viên, sinh viên, thay vì bán cho các doanh nghiệp sẽ được cung cấp vườn ươm để hỗ trợ cho các tác giả trong giai đoạn từ ý tưởng đến sản phẩm, thành lập doanh nghiệp, thương mại hóa sản phẩm phục vụ cuộc sống… Điều này không chỉ giúp cho tác giả, xã hội mà còn nâng uy tín cho trường ĐH rất nhiều. Chưa kể những doanh nghiệp đó lớn mạnh sẽ đầu tư lại cho trường, trở thành nơi thực tập cho sinh viên…” - ông Hùng khẳng định.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.