Người Việt tài trí: Người không sợ thất bại

11/03/2012 03:08 GMT+7

Bằng những nỗ lực không ngừng, Giáo sư (GS) Trương Nguyện Thành gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại Mỹ.

Bằng những nỗ lực không ngừng, Giáo sư (GS) Trương Nguyện Thành gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại Mỹ.


GS Trương Nguyện Thành - Ảnh: T.L 

Báo chí trong và ngoài nước từng đăng tải không ít bài viết về GS Trương Nguyện Thành, người từ một cậu bé bán thuốc lá dạo ở Gò Vấp (TP.HCM) trở thành nhà khoa học nổi tiếng tại Mỹ. Ông thành công cả trong lĩnh vực nghiên cứu hóa học lẫn kinh doanh phần mềm. Tuy nhiên, để có được thành tích như hiện nay, GS Thành từng trải qua không ít thất bại. Đó là lý do ông muốn chia sẻ những suy nghĩ về thất bại, chứ không phải thành công, khi trả lời phỏng vấn của Báo Thanh Niên.

Ngay lần đầu liên lạc, GS có nói rằng muốn nói về thất bại hơn là thành công vì “thất bại là mẹ thành công”. Vì thế, GS có thể chia sẻ một thất bại khó quên của mình và ông rút ra điều gì từ lần đó?

Thật sự, cuộc đời không có thất bại hay thành công mà chỉ có kết quả không như ý hoặc như ý. Hầu như ai trước khi đạt như ý muốn đều từng nhận các kết quả không mong đợi. Sự khác biệt giữa hai kết quả này là có cố gắng nữa hay không.

Kinh nghiệm khó quên nhất với tôi là lần thi tiếng Anh để xin vào đại học sau 5 tháng đến Mỹ. Kết quả thi quá tệ khiến chẳng trường nào đồng ý nhận tôi. Để an ủi, thầy hiệu trưởng hứa giúp tôi tìm việc làm ở cơ sở chế biến thịt gà. Khi đó, tôi rất buồn và chia sẻ với các thầy cô rằng: “Chẳng lẽ tôi phải chấp nhận nhổ lông gà, làm thịt gà sau muôn vàn khó khăn trên hành trình đến Mỹ?”.

Vài tuần sau, tôi bất ngờ nhận được thư thông báo từ ĐH công North Dakota với nội dung như sau: “Đơn xin của bạn không được chấp nhận vì thiếu học bạ trung học và trình độ tiếng Anh quá kém. Tuy nhiên, rất nhiều thầy cô giáo từng dạy bạn đã gửi thư ca ngợi nỗ lực học tập của bạn và đề nghị chúng tôi xem xét lại. Vì thế, chúng tôi quyết định cho bạn một cơ hội với điều kiện bạn phải đạt được điểm trung bình 2,5/4 trong năm học đầu tiên. Nếu không đạt được, bạn bị buộc thôi học ngay lập tức”. Tôi mừng đến phát khóc và rút ra bài học rằng cần liên tục nỗ lực mỗi ngày, điều đó tạo nên những thay đổi quan trọng.

Khi vừa trưởng thành, một số bạn trẻ bị cuốn vào những công việc dễ kiếm tiền mà bỏ quên hoài bão nên đi sai đường rồi thất bại. Theo GS, các bạn trẻ cần trang bị những gì để không rơi vào trường hợp này?

 

Suy nghĩ thật thấu đáo về cái giá phải trả trước khi quyết định làm một việc gì. Nhờ đó, các bạn trẻ có thể nhận ra đâu là điều mình nên làm

Môi trường sống xung quanh dễ làm các bạn trẻ quên đi những hoài bão lâu dài mà chỉ thấy những cái lợi nhỏ trước mắt. Khi quyết định một việc gì, chẳng mấy ai nghĩ mình sai cả, chỉ khi nhận lấy kết quả không như ý thì người ta mới nhận ra cái giá phải trả. Vì thế, tôi chỉ khuyên các bạn trẻ một điều đơn giản mà họ hay bỏ qua. Đó là suy nghĩ thật thấu đáo về cái giá phải trả trước khi quyết định làm một việc gì. Nhờ đó, các bạn trẻ có thể nhận ra đâu là điều mình nên làm.

Từ năm 2007 đến nay, GS hỗ trợ Viện Khoa học công nghệ và tính toán TP.HCM nên chắc chắn tiếp xúc không ít các bạn trẻ Việt Nam đam mê khoa học. Qua đó, GS nhận xét thế nào về họ và ông nghĩ rằng họ có sẵn sàng “thất bại để đi đến thành công” hay chưa?

Các bạn trẻ tôi có dịp tiếp xúc đều có hoài bão được học hỏi cao hơn. Tất cả các em đều biết rằng học càng cao thì càng khó nên đòi hỏi nỗ lực cùng sự kiên trì. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc các bạn ấy sẵn sàng thất bại để đi đến thành công, vì rất nhiều thử thách đang chờ phía trước. Tôi chỉ hy vọng các bạn ấy, khi vấp ngã, luôn nhớ danh ngôn “Chiến thắng lớn nhất của đời người chẳng phải là không bao giờ thất bại mà là đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã”.

Bản thân tôi cũng không nhớ hết mình đã vấp ngã bao nhiêu lần. Điều duy nhất tôi nhớ đến là mỗi lần vấp ngã thì trong đầu luôn vang lên rằng: “Thành, mày phải đứng dậy, dù chỉ còn hơi thở cuối cùng thì mày cũng phải đứng dậy rồi mới chết”.

GS-TS Trương Nguyện Thành sinh năm 1961 tại Quy Nhơn, Bình Định, sang Mỹ định cư năm 1980.

Năm 1985, ông nhận bằng cử nhân hóa học hạng ưu của ĐH công North Dakota cùng một số bằng phụ về toán, máy tính, vật lý và thống kê.

Năm 1990, ông nhận học vị tiến sĩ của ĐH Minessota. Sau đó, ông được Quỹ khoa học quốc gia Mỹ trao học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ. Ông trải qua 2 năm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Houston dưới sự dẫn dắt của GS Audrew McCammon nổi tiếng toàn cầu trong ngành vật lý y sinh.

Năm 1993, tiến sĩ Thành lại được Quỹ khoa học quốc gia Mỹ bình chọn là một trong những nhà khoa học trẻ nhiều triển vọng nhất nước và trao học bổng 500.000 USD trong 5 năm để tiếp tục các chương trình nghiên cứu.

Năm 2002, ông được phong giáo sư tại đại học Utah.

Năm 2007, ông là một trong các sáng lập viên của Viện Khoa học công nghệ và tính toán TP.HCM tại Việt Nam. Ngoài ra, từ năm 2001 đến nay, ông còn bảo trợ cho khoảng 20 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học tập và nghiên cứu.

Ngô Minh Trí (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.