Giáo dục gìn giữ di sản

11/03/2012 03:24 GMT+7

Hội thảo giáo dục trẻ em về di sản tuần qua tại Hà Nội đưa ra một thông tin liên quan đến... mấy cây chổi! Đại ý, thầy cô và ngành giáo dục đã rất thông việc phải giáo dục di sản cho các em.

Họ quyết định các em cần đến di sản để gần gũi hơn với nó. Địa phương thì xa hay gần cũng đều có ít hay nhiều di tích. Vấn đề là đổ quân đến đó, rồi những chiến sĩ bừng bừng khí thế ấy gần gũi di sản sẽ làm gì?

Câu trả lời dễ thôi: quét dọn, lau chùi di sản. Với những địa phương có nhiều trường hơn di tích, người ta sẽ chia cho mỗi trường một khoảnh di tích để lau chùi.

Chổi vốn là vật dụng dễ kiếm. Việc quét dọn cũng không xa lạ, lại vừa sức với trẻ em. Nhưng tìm hiểu di sản chủ yếu… bằng chổi chắc chắn không đem lại hiệu quả như những người nghiên cứu di sản và nhà giáo dục hằng mong đợi. Hiệu quả đó nên là, phải là sự thấu hiểu rằng vì sao di tích lại được xây như thế này, hai ông thiện ông ác khác nhau ra sao… và muôn vàn câu hỏi khác. Những câu hỏi đó, hàng trăm nhát chổi chuyên cần cũng không làm sao trả lời nổi.

Tất nhiên, cũng có những nơi nhà trường và thầy cô có phương pháp tìm hiểu di sản khác. Bằng vui chơi chứ không bằng quét dọn. Đó là cách đưa học sinh đến tham quan rồi trả lời các phiếu điều tra. Phiếu thiết kế nhỏ thôi, lại có những câu hỏi dễ vô cùng để bất cứ bé nào bỏ công ra quan sát di tích đều trả lời được. Đã thế, các cô giáo với tư duy rất mới còn cho rằng, việc quan sát quan trọng hơn việc trả lời đúng trăm phần trăm. Thế nên, những bước “nghiên cứu” đầu đời của các bé rất suôn sẻ. Cảm tình với di tích thì thôi rồi… vì bọn trẻ được chơi vui ở đó cả ngày.

Cho tới giờ tại Việt Nam, học trò được giáo dục di sản một cách thú vị chỉ là chuyện có trong… dự án. Dự án hết là chuyện cũng hết vui luôn. Học trò sau những ngày vui lại thơ thẩn quay về với phong trào tham quan… bằng chổi. 

Cũng bởi thế, mới có chuyện rất nhiều phương pháp tiếp cận di sản tốt, bao dự án hay mà sau nhiều kiểu thí điểm rốt cuộc toàn ngành giáo dục vẫn chưa có chương trình nào cho giáo dục di sản. Điều này, một quan chức giáo dục đã hứa trong tuần lễ văn hóa UNESCO vừa qua sẽ đưa vào lộ trình.

Lời hứa này, đến tuy muộn nhưng có còn hơn không. Bởi nói cho cùng trẻ cần đến di sản không khác gì cần một giọng hát ru. Và lời hứa đó, không chỉ là quan điểm trong một hội thảo, mà còn là cam kết với quá khứ.

Vì thế, lời hứa ấy rất nên được ngành giáo dục sớm thực hiện. Bởi chính những “tinh chất quá khứ” này sẽ gột rửa bụi bặm tinh thần cộng đồng bằng sự ấm áp của nguồn cội.  

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.