Du học sinh Việt tại Nhật trải lòng về ký ức 11.3

11/03/2012 10:05 GMT+7

(TNO) Sau một năm nhìn lại, nhiều du học sinh, thanh niên Việt Nam từng học tập và làm việc tại nước Nhật, đã trải lòng với Thanh Niên Online ký ức không thể nào quên về thảm họa kép 11.3 kinh hoàng năm ngoái.

(TNO) Sau một năm nhìn lại, nhiều du học sinh, thanh niên Việt Nam từng học tập và làm việc tại nước Nhật, đã trải lòng với Thanh Niên Online ký ức không thể nào quên về thảm họa kép 11.3 kinh hoàng năm ngoái.

>> Nhật Bản một năm sau thảm họa
>> Những "vết thương" dần hồi phục sau thảm họa ngày 11.3
>> Thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản: Một năm nhìn lại
>> Nhật Bản rùng mình trước thảm họa

Người Nhật điềm tĩnh trong thảm họa

"Sau một năm xảy ra siêu động đất ngày 11.3, cảm giác của mình là khâm phục người Nhật rất nhiều. Còn nhớ, hồi xảy ra thảm họa này, người Nhật không hề tỏ ra hoảng loạn, trái lại, họ rất bình tĩnh để ứng phó giải quyết", Lê Phạm Tuấn Linh, hiện là du học sinh tại Tokyo (Nhật Bản) bày tỏ.

Linh cho biết trong thảm họa, ở Nhật không hề xảy ra tình trạng cướp bóc, hôi của. Đó là điều khiến Linh và nhiều người khác khâm phục tính cách Nhật.


Tuấn Linh (đeo kiếng, bìa phải hàng thứ 3 từ dưới lên) - Ảnh: Tuấn Linh cung cấp

"Trong khó khăn hoạn nạn mới càng tỏ rõ vẻ đẹp trong tính cách người Nhật", Linh nói.

Do thường xuyên nắm bắt thông tin báo đài ở xứ sở hoa anh đào, Tuấn Linh rất tường tận về tình hình tái thiết ở Nhật sau trận động đất kinh hoàng. Linh cho biết, mới chỉ một năm sau động đất, người Nhật đã dường như tái thiết gần 100% những con đường dẫn về nhà ga, sân bay bị phá hủy.

"Tốc độ tái thiết ấy thật đáng kinh ngạc. Còn nhớ sau trận động đất sóng thần lần đó, mình đã nghĩ hay là trở về Việt Nam luôn cho an toàn. Nhưng cách hành xử điềm tĩnh của người Nhật đã truyền vào mình một cảm giác an tâm để ở lại và tiếp tục học tập, công tác", Linh chia sẻ.

Xin một phút tưởng niệm ngày 11.3

"Trong lúc dầu sôi lửa bỏng cách đây một năm, tôi và vợ sắp cưới cùng những người bạn phải từ Tokyo quay về Việt Nam do yêu cầu của gia đình. Trong khoảng thời gian một tuần đợi về Việt Nam chúng tôi thấy ngày đêm sao dài quá bởi những trận dư chấn cứ xảy ra liên tục, trên sân bay thì hàng ngàn người nước ngoài chờ đợi đến chuyến bay của mình để về nước, một tuần dài hơn tôi tưởng", anh Lê Quang Tuấn, từng làm việc tại Tokyo nhiều năm hồi tưởng lại những thời khắc khó quên trong sự kiện 11.3 năm ngoái.

Anh Tuấn nói, một tuần với chúng tôi dài là thế nhưng đối với người Nhật cho đến nay đã tròn một năm sau thảm họa 11.3, chắc chắn dài gấp cả trăm cả ngàn lần so với chúng tôi, nhưng điều đó không làm họ chùn bước. Họ vẫn bình tĩnh để vượt qua, họ là tấm gương cho người dân trên thế giới ngưỡng phục.


Người Nhật vẫn điềm tĩnh, tự tin trong và sau thảm họa - Ảnh: Lê Quang Tuấn

Anh Tuấn đã gửi cho Thanh Niên Online những bức ảnh về cuộc sống ở nước Nhật sau thảm họa. Họ, người dân Nhật, vẫn vui tươi và tự tin trong các ngày hội hoa anh đào. Đó là những lễ hội mùa hè với những màn pháo hoa rực rỡ, những lễ hội các vị thần của mỗi vùng vẫn đông vui và niềm hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt từng người.

 

Xin một phút để tưởng niệm ngày 11.3, mong nước Nhật và con người ở đây mãi xinh đẹp và thân thiện. Tôi thầm cầu chúc nước Nhật sẽ không bao giờ xảy ra bất kỳ thảm họa nào nữa!

Lê Quang Tuấn - sống và làm việc tại Nhật 5 năm

"Qua truyền thông Nhật, chúng ta có thể thấy người dân xứ hoa anh đào đã đứng lên kiên cường sau thảm họa, đường phố hoang tàn trước đây đã khôi phục dần", anh Tuấn bày tỏ.

Mô tả về tính cách điềm tĩnh của người Nhật, anh Tuấn kể, sau 11.3 năm ngoái, trong khi phần lớn du học sinh và người nước ngoài như anh lo sợ hiểm họa hạt nhân đến Tokyo, cách nhà máy điện Fukushima mấy trăm cây số, nhưng riêng người dân Tokyo vẫn bình thản.

Trên tàu điện vẫn không khí như mỗi ngày, không ồn ào bàn tán về trận động đất, sóng thần đang diễn ra. Ngoài đường vẫn không thấy vẻ lo lắng hiện diện trên khuôn mặt họ. Siêu thị không có cảnh chen chân giành mua những thực phẩm để dành. Đêm xuống, người ta tự giác tắt bớt điện, bớt tiêu thụ điện tại nhà. 

"Những người dân Nhật bảo Tokyo là trái tim của Nhật, họ sẽ làm mọi cách để bảo vệ Tokyo. Tokyo mất thì Nhật cũng mất, mọi người đừng lo. Tôi thấy rất thán phục vì điều đó. Tôi vốn thán phục người Nhật trong công việc với đức tính nhẫn nại kiên trì, giúp đỡ đồng nghiệp; trong văn hóa với nét lịch sự từ tốn, niềm nở; và rồi khi hoạn nạn đến càng phải thán phục sự điềm tĩnh của họ khi ứng phó và cùng hỗ trợ vượt qua gian khó…", anh Tuấn chia sẻ.

Rồi sau khi đã về Việt Nam, anh Tuấn vẫn thấp thỏm mỗi khi có tin báo động đất, dư chấn ở Nhật qua điện thoại. Có những trận mạnh trên dưới 5 độ Richter, anh liền liên lạc với nhóm bạn bè còn ở lại Nhật, và thấy nhẹ lòng khi họ vẫn bình an và tin tưởng rằng hoạn nạn sẽ qua đi.


Hành khách, đa phần là người nước ngoài, xếp hàng ở sân bay Narita ngày 18.3.2011 để chờ rời khỏi Nhật Bản tránh thảm họa - Ảnh: Lê Quang Tuấn

Hiện tại, Quang Tuấn đang làm việc tại TP.HCM, nhưng nỗi nhớ xứ sở mặt trời mọc không bao giờ phôi phai trong anh. Đối với Tuấn, Nhật Bản là quê hương thứ hai, nơi anh đã sống 5 năm và đã giúp thay đổi cuộc sống của anh rất nhiều.

"Ngày nào đó tôi sẽ cùng vợ và bé Kyo sắp ra đời trở lại Tokyo, nơi mà vợ chồng tôi gặp nhau lần đầu tiên. Rồi đến những nơi mà tôi đã đi qua, kể cho Kyo nghe về nước Nhật, gặp gỡ và nói chuyện với những người bạn Nhật, những người tôi vốn rất kính trọng. Xin một phút để tưởng niệm ngày 11.3, mong nước Nhật và con người ở đây mãi xinh đẹp và thân thiện. Tôi thầm cầu chúc nước Nhật sẽ không bao giờ xảy ra bất kỳ thảm họa nào nữa".

* Cách đây một năm, Tuấn Linh và Quang Tuấn là hai trong nhiều bạn trẻ đã cập nhật thường xuyên thông tin về trận động đất, về cuộc sống người Nhật trong thảm họa 11.3 cho Thanh Niên Online.

Trí Quang (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.