Cơ hội và thách thức cho điện mặt trời

09/03/2012 08:52 GMT+7

Nước ta có tiềm năng lớn để phát triển điện mặt trời, nhiều người cho rằng, 10- 15 năm tới sẽ là “thời của điện mặt trời” ở Việt Nam.

Nước ta có tiềm năng lớn để phát triển điện mặt trời, nhiều người cho rằng, 10- 15 năm tới sẽ là “thời của điện mặt trời” ở Việt Nam.

Tiến sĩ Từ Trung Chấn (Công ty CP công nghệ thông tin viễn thông và tự động hóa dầu khí) cho biết, VN ở gần xích đạo, mỗi năm có hơn 300 ngày nắng, rất thuận lợi cho việc phát triển năng lượng (LN) mặt trời. Hơn nữa, NL mặt trời sạch, vật liệu chính của pin mặt trời là silic, nguồn nguyên liệu này nhiều và rẻ. Ông Chấn nhận định, pin mặt trời sẽ thay thế dần NL hóa thạch trong tương lai không xa.

Tại Việt Nam, ước tính từ năm 1995 cho đến nay, đã lắp đặt được khoảng 4MWp (Wp-Watt đỉnh, đơn vị đo lượng năng lượng sinh ra thường sử dụng cho các thiết bị năng lượng mặt trời).

TS Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng, Trưởng đại diện phía nam của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, dự báo đến 2050, NL mặt trời sẽ chiếm 20-30% nguồn NL trên thế giới (hiện nay là 1%). Theo TS Quyền, Việt Nam đã có khung pháp lý cho phát triển NL tái tạo. Là quốc gia có nhiều tiềm năng, nhưng chỉ tiêu 3,5% điện năng sản xuất từ NL tái tạo năm 2010 không đạt được và là thách thức cho mục tiêu đạt 4,5% tổng điện năng theo quy hoạch đến năm 2020.

Thạc sĩ Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM cho rằng, chúng ta chưa có những công nghệ phù hợp, tiên tiến để sản xuất hiệu quả NL tái tạo. Đồng thời, Việt Nam chưa có một hệ thống văn bản quy định chi tiết cơ chế đặc thù hỗ trợ khuyến khích phát triển nguồn NL này. Dù tiềm năng khai thác lớn, nhưng do suất đầu tư điện mặt trời còn cao, nên công suất khai thác còn rất hạn chế.

Cơ hội “bùng nổ”

Tuy nhiên, ông Huỳnh Kim Tước tỏ ra lạc quan khi dự báo trong 3-5 năm tới, giá phát điện mặt trời sẽ bằng giá điện gió và trong khoảng 10 năm tới sẽ bằng với thủy điện nhỏ. Trong khi đó, ông Diệp Bảo Cánh, Tổng giám đốc Công ty CP năng lượng Mặt Trời Đỏ đưa ra con số cụ thể: Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội sử dụng điện mặt trời, bởi giá pin mặt trời ngày càng giảm. Năm 2010 giá đã giảm xuống còn khoảng 2 USD/Wp, năm 2011 tiếp tục giảm còn hơn 1 USD/Wp và xu hướng sẽ giảm xuống còn dưới 1 USD/Wp vào 2012, 2013.

Trong cơ cấu NL tái tạo, có bao nhiêu phần trăm là NL mặt trời?  Ông Diệp Bảo Cánh cho rằng, nếu đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1%  điện mặt trời trong tổng số đện tiêu thụ quốc gia, tức tổng công suất phát điện mặt trời là 3,3 tỉ kWh, tương đương lắp đặt 2,2 GWp điện mặt trời. Để đạt mục tiêu 2,2 GWp này, cần phát triển các nhà máy điện mặt trời nối với lưới điện quốc gia, được lắp đặt theo dạng "cánh đồng mặt trời" (solar farm) ở những nơi có điều kiện, như tại tỉnh Ninh Thuận đã kêu gọi đầu tư 400 MWp solar farm đầu tiên. Bên cạnh đó, cần phát triển "mái nhà điện mặt trời" tại các khu công nghiệp và nhà dân tại các thành phố lớn, để huy động tối đa nguồn lực trong dân, đầu tư điện mặt trời nối lưới công suất nhỏ (3 - 6 kWp).

Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cần sớm ban hành các văn bản pháp quy cho phép điện mặt trời nối lưới, ban hành tiêu chuẩn thiết bị điện NL mặt trời và sớm ban hành giá mua điện lên lưới riêng cho điện mặt trời. Khi có được ưu đãi về chính sách thì các gia đình, doanh nghiệp sẽ tích cực tham gia vào đầu tư, phát triển điện mặt trời cả ở quy mô nhỏ lẫn các nhà máy điện mặt trời cỡ lớn.

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.