Doanh nghiệp chế biến gỗ lao đao

07/03/2012 03:18 GMT+7

Đơn hàng ít ỏi, giá lại rất thấp, khiến nhiều doanh nghiệp gỗ đang khốn khó.

Ông Đặng Quốc Hùng - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cho biết: “Hiện đơn hàng giảm từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2011 trong khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng đến 20%; giá nhân công, chi phí vận chuyển tăng, các lệ phí cũng tăng… khiến sức cạnh tranh của mặt hàng đồ gỗ giảm mạnh”.

Ông Phạm Thế Đông - Trưởng phòng nghiên cứu phát triển Công ty CP Việt Nam (Navifico), nói rằng DN gỗ đang gặp khó khăn thật sự. Trước đây, chiến lược của Navifico là 70% xuất khẩu, thị trường trong nước chiếm 30% nên khi thị trường thế giới suy thoái, công ty đã lâm vào cảnh khó khăn. Hiện nay, đơn hàng từ thị trường thế giới ít, khách hàng ép giá nên các DN rất mệt mỏi, chán nản với xuất khẩu.

“Cuối năm 2011, các đơn hàng từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam khá nhiều nhưng lại là những đơn hàng xương xẩu. Không ít khách hàng hướng vào các loại gỗ nước ta có sẵn mà trước đây ít dùng đến để có giá tốt. Nhiều DN gỗ  đã quá mệt mỏi, cố gắng duy trì để chờ qua thời buổi khó khăn này”, ông Đông nói.

Đại diện nhiều DN đồ gỗ cho biết các thị trường truyền thống vẫn tiếp tục “đóng băng”, thị trường mới được các chuyên gia dự báo có triển vọng cũng không khởi sắc.

 
Thị trường xuất khẩu trầm lắng, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp gỗ nên chú trọng nhiều hơn tới thị trường trong nước - Ảnh: Hoàng Việt

Giành lại thị trường nội địa

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch HAWA, cho biết xuất khẩu gỗ và sản phẩm đồ gỗ sang thị trường Nhật Bản tăng trưởng mạnh vào nửa cuối năm ngoái do nước này đang tái thiết lại đất nước sau thảm họa động đất và sóng thần. Đây là điểm sáng cho các doanh nghiệp đồ gỗ nội địa. Một điểm sáng nữa mà theo đánh giá của HAWA là có sức mua rất lớn, có thể tương đương với doanh số xuất khẩu, đang bị các sản phẩm đồ gỗ nước ngoài chiếm lĩnh. Đó là thị trường nội địa.

Đã nhiều năm qua, các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam mải lo sản xuất theo đơn hàng xuất khẩu mà quên thị trường nội địa. HAWA đang cố sức giành lại thị phần trong nước và đồ gỗ Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh. Ưu thế trước hết là đồ gỗ trong nước được sản xuất từ gỗ tự nhiên, rất phù hợp với thị hiếu của phần đông người Việt chuộng "ăn chắc mặc bền". Bên cạnh đó, giá nhân công tại các nước trong khu vực, như Trung Quốc, đều tăng cao hơn Việt Nam, làm cho sản phẩm đồ gỗ nước ngoài giảm sức cạnh tranh. Mặt khác, các doanh nghiệp đồ gỗ của Trung Quốc đang có xu hướng quay về thị trường nội địa của họ. Ngay cả doanh nghiệp đồ gỗ VN cũng đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và hiện nay VN đang xuất siêu chứ không phải nhập siêu đồ gỗ. Tổng hợp những yếu tố đó, HAWA nhận định đây là cơ hội cho các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam giành lại thị phần nội địa và quyết tâm thực hiện được việc này.

Tuy nhiên, để tiếp sức cho HAWA, cần có sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Về phần mình, bên cạnh hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp đồ gỗ cần chuyển sang sản xuất thêm hàng phục vụ nội địa, dù sẽ khó khăn hơn do đơn hàng nhỏ lẻ. Điều quan trọng hơn cả là DN đồ gỗ Việt Nam cần có chiến lược cho thị trường nội địa thông qua việc kết nối với các nhà phân phối trong nước, vì sẽ rất khó tiêu thụ nếu không có những nhà phân phối chuyên nghiệp. Hằng năm, HAWA tổ chức hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam (VIFA HOME), quy tụ nhiều nhà sản xuất đồ gỗ và trang trí nội ngoại thất danh tiếng trong nước. HAWA xem đây là cơ hội để đồ gỗ Việt phô diễn tầm vóc, năng lực và đẳng cấp của mình với người tiêu dùng trong nước.

H.Việt - M.Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.