Bao giờ Cánh diều bay lên?

03/03/2012 10:14 GMT+7

Cánh diều phải thoát khỏi tư duy giải thưởng trong khuôn khổ hoạt động hằng năm của hội, mở ra hướng đi của một giải thưởng có tầm ảnh hưởng đến đời sống xã hội

Cánh diều phải thoát khỏi tư duy giải thưởng trong khuôn khổ hoạt động hằng năm của hội, mở ra hướng đi của một giải thưởng có tầm ảnh hưởng đến đời sống xã hội

Gần như năm nào giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam cũng để lại dư âm không hay trong lòng khán giả. Cách tổ chức và hình thức chấm giải “na ná” như giải Bông sen của liên hoan phim (LHP) quốc gia đã khiến Cánh diều chưa trở thành giải thưởng uy tín đối với nghệ sĩ điện ảnh, được khán giả yêu điện ảnh kỳ vọng. Và lần này không ngoại lệ.

Rập khuôn, cũ kỹ

Trong buổi họp báo giới thiệu giải Cánh diều 2011 (lễ trao giải diễn ra vào đêm 17-3, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội), ngày 1-3, nhiều nhà báo đã đặt câu hỏi, liệu với một ban giám khảo đã “quen mặt” tại LHP Việt Nam 17, kết quả giải Cánh diều lần này có là bản sao của Bông sen? Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh, thừa nhận tiêu chí chung của hai giải không khác nhau, cùng vì sự sáng tạo, mang tính nhân văn, có ảnh hưởng lớn đến xã hội và vì một nền điện ảnh dân tộc. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng cách chấm sẽ khác và một ban giám khảo như thế nào thì sẽ cho ra kết quả như thế ấy. Các thành viên ban giám khảo năm nay đều là những người có uy tín nghề nghiệp, có trình độ thẩm định, công tâm (riêng tiêu chí này, ông Hải cho là ước lệ).

Ông Hải cũng nhấn mạnh, cá nhân ông cho rằng giải quốc gia mang trách nhiệm định hướng cho nền điện ảnh quốc gia, nhưng ở giải của hội, tiêu chí là đề cao tác phẩm có dấu ấn sáng tạo trong thể hiện.

Tuy nhiên, thực tế liệu có như ông Hải nói. Bởi những năm trước những gì diễn ra trên thực tế và trong buổi họp báo diễn ra đầu mùa giải thường có khác biệt. Còn nhớ lễ trao giải Cánh diều 2010, phim Long thành cầm giả ca đã được trao giải vàng, dù vẫn còn nhiều điểm chưa thuyết phục người xem lẫn giới chuyên môn. Một năm trước đó, phim Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh, sau khi giành giải Bông sen vàng ở LHP 16 đã giành tới 5 giải: Cánh diều vàng phim hay nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Họa sĩ xuất sắc, m thanh xuất sắc. Kết quả này cho thấy giải của Hội Điện ảnh như một bản sao của LHP quốc gia và không ít đạo diễn cùng có chung quan điểm, dù khâu tổ chức làm tốt đến mấy mà khâu chấm giải không tốt, giải cũng thất bại. Một đạo diễn có tiếng là ngang tàng khi ấy đã thẳng thắn nhận xét, có sự thiếu bản lĩnh trong việc xét trao giải. Và chính sự thiếu bản lĩnh ấy đã khiến cho Cánh diều chưa được những đánh giá mang tính độc lập của những người chú trọng nghề nghiệp.

Loay hoay với cách làm nghiệp dư

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho rằng không đổi mới cách chấm giải sẽ còn có tình trạng giải nọ giống giải kia. Theo đạo diễn này, cách chấm phim theo “thành phần” hiện nay: đạo diễn một người, âm nhạc một người, quay phim một người, biên kịch một người… sau đó chọn ra phim hay nhất đã khiến cho giải bị nghiệp dư hóa, trong khi đáng ra nó phải rất chuyên nghiệp. Vì đạo diễn cũng chỉ có tiếng nói như người làm âm thanh đã khiến việc chấm phim bị sai, còn theo cảm tính. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho rằng đáng ra giải quay phim phải do các nhà quay phim chấm, giải đạo diễn do các đạo diễn chấm, chấm các giải cá nhân xong ban giám khảo (gồm các đạo diễn, nhà lý luận phê bình) mới chấm phim để chọn ra một phim hay nhất.

Ông Đặng Xuân Hải phân trần, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tìm cách thay đổi cách thức chấm giải hiện nay bằng phương án thành lập một đại hội đồng giám khảo gồm 50 hoặc 100 nhà chuyên môn, đủ các lĩnh vực: Lý luận phê bình, đạo diễn, quay phim, mỹ thuật, âm thanh, biên kịch, nhà báo... Tuy mất nhiều thời gian tranh luận nhưng các thành viên hội đồng nghệ thuật và cả ban chấp hành hội đều không đưa ra được kết quả cuối cùng. Ông Hải cho biết thông thường ngoài rằm tháng giêng các nhà sản xuất mới đăng ký phim, phim được gửi rất gấp, rất muộn và để hội đồng giám khảo xem được không phải là chuyện đơn giản. Chưa nói đến số lượng phim còn hạn chế nên khó có thể áp dụng mô hình của nước ngoài, kinh phí của hội dành cho việc tổ chức trao giải chỉ có 600 triệu đồng cũng khiến “lực bất tòng tâm”. Ông Hải hy vọng đến một lúc nào đó mới có thể thực hiện được phương án này.

Thực ra, việc xã hội hóa công tác tổ chức giải để có kinh phí nâng quy mô tổ chức và nâng tầm chuyên nghiệp cho Cánh diều là hoàn toàn  trong tầm tay. Theo các nhà tổ chức chuyên môn, muốn làm được điều đó, Cánh diều phải thoát khỏi tư duy giải thưởng trong khuôn khổ hoạt động hằng năm của hội, mở ra  hướng đi của một giải thưởng có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

Khó cũng phải thử

Không riêng ông chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nhiều đạo diễn khi được hỏi đều khẳng định quan điểm, cần thay đổi nhưng phải tính đến điều kiện Việt Nam. Quay phim Lý Thái Dũng cho rằng một hội đồng giám khảo là một xu hướng đúng, nhưng cần có lộ trình chứ không thể nóng vội. Theo tay máy này, cần phải tính đến quy mô của nền điện ảnh để có những mô hình phù hợp. “Nếu 100 giám khảo cùng xem phim sẽ dẫn đến nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau. Không có cơ chế tốt sẽ khiến việc chấm giải tản mát, lung tung” - ông Dũng nói.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng thừa nhận, chấm theo kiểu Oscar rất khó ở Việt Nam và nhiều khi không đúng. Ở một thị trường nhỏ, các quan hệ cá nhân sẽ quyết định phim A hay phim B giành giải. “Chúng ta chỉ loanh quanh mấy người nên yếu tố yêu, ghét ảnh hưởng rất rõ ràng. Đạo diễn nào kiêu ngạo sẽ rất dễ bị loại, người “hiền lành tốt bụng” sẽ được vào nên không chính xác” - đạo diễn Lưu Trọng Ninh lo ngại.

Tuy nhiên, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, người có phim Lời nguyền huyết ngải trong danh sách tranh giải, khẳng định dù rằng rất khó nhưng cần phải chấp nhận để thử. Trước mắt, khi chưa thể áp dụng mô hình chấm giải như Oscar, quay phim Lý Thái Dũng cho rằng hãy tăng thêm thành phần đạo diễn vào ban giám khảo để có một kết quả khả dĩ thuyết phục.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.