“Cánh diều” giống với “Bông sen”?

02/03/2012 03:50 GMT+7

Danh sách các tác phẩm tham dự giải thưởng Cánh diều 2011 (giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam) đã được chốt lại. Hơn nửa tháng nữa, những cánh diều vàng, cánh diều bạc sẽ được công bố.

Danh sách các tác phẩm tham dự giải thưởng Cánh diều 2011 (giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam) đã được chốt lại. Hơn nửa tháng nữa, những cánh diều vàng, cánh diều bạc sẽ được công bố. 

Tại buổi họp báo sáng qua 1.3, ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - cho biết giải thưởng năm nay có đổi mới về tiêu chí xét tác phẩm. Trong những mùa giải trước, tác phẩm chỉ được xét khi trong thành phần sáng tác (đạo diễn, biên kịch...) có ít nhất một người là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam. “Năm nay, giải thưởng loại bỏ tiêu chí này. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ càng ngày càng mở rộng tiêu chí như khuyến khích các hãng phim Việt kiều làm phim về con người Việt Nam gửi phim tham gia” - ông Hải cho hay.

 
Cảnh trong phim Long ruồi - Ảnh: T.L 

Tham dự Cánh diều 2011 có 12 phim nhựa, 19 phim truyền hình (tổng cộng 597 tập), 11 phim hoạt hình, 41 phim tài liệu (4 phim điện ảnh, 37 phim truyền hình), 10 phim khoa học (1 phim điện ảnh, 9 phim truyền hình), 4 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh. Ban tổ chức mới chỉ công bố các trưởng ban giám khảo: phim truyện điện ảnh là NSND Bùi Đình Hạc, phim truyện truyền hình - NSƯT Nguyễn Hữu Phần, phim ngắn - NSƯT Nguyễn Vinh Sơn, phim tài liệu - khoa học - Nguyễn Thị Hồng Ngát, phim hoạt hình - NSND Ngô Mạnh Lân, công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh - TS Trần Thanh Hiệp.

Phim giải trí lấn át

 

Ở thể loại phim truyện nhựa (phim điện ảnh), có 12 tác phẩm tham gia: Mùi cỏ cháy (đạo diễn: NSƯT Nguyễn Hữu Mười), Tâm hồn mẹ (Phạm Nhuệ Giang), Hotboy nổi loạncâu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt (Vũ Ngọc Đãng), Lệ phí tình yêu (Nguyễn Minh Chung), Lời nguyền huyết ngải (Bùi Thạc Chuyên), Hello cô Ba (Nguyễn Quang Minh), Lệnh xóa sổ (Trần Kim Hoàng), Vũ điệu đường cong (Nguyễn Trọng Khoa), Long ruồi (Charlie Nguyễn), Ngôi nhà trong hẻm (Lê Văn Kiệt), Sài Gòn YO (Stephan Gauger), Đó hay... đây? (Síu Phạm).

 
Cảnh trong phim Đó hay... đây? - Ảnh: T.L

Số lượng phim do các hãng phim tư nhân sản xuất chiếm gần tuyệt đối, tới 10/12 bộ phim (chỉ có Mùi cỏ cháy và Tâm hồn mẹ do Công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất). Trong số 12 bộ phim truyện nhựa, chỉ có một phim mới là Đó hay... đây?; các tác phẩm còn lại đều là phim tết, và gần như tất cả các bộ phim tham dự đều thuộc dòng phim giải trí.

Không có sự lựa chọn

Ngày điện ảnh Việt Nam

Giải thưởng Cánh diều 2011 là sự kiện nổi bật nằm trong ngày Điện ảnh Việt Nam 2012 nên sẽ có nhiều hoạt động khác diễn ra: trình chiếu các bộ phim Việt Nam kinh điển và các tác phẩm dự liên hoan (tại Hà Nội, phim được trình chiếu miễn phí tại rạp Tháng Tám, Trung tâm chiếu phim quốc gia, CLB Hội Điện ảnh từ ngày 9-15.3); hội thảo Một thập kỷ điện ảnh Việt Nam - Nhìn nhận và đánh giá (ngày 8.3 tại Hà Nội). Ngày Điện ảnh Việt Nam sẽ tôn vinh hai đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc và NSND Đặng Nhật Minh.

Lễ trao giải thưởng Cánh diều 2011 diễn ra vào tối 17.3, tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2.

Dễ nhận thấy, các bộ phim trong nước sản xuất hết tham dự cánh diều lại đến liên hoan phim và ngược lại. Việc các tác phẩm luôn lặp lại trong danh sách của hai giải thưởng khiến nhiều người không thể phân biệt được hai giải thưởng này khác nhau điều gì, khi tiêu chí cũng đều na ná “sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn, đạt hiệu quả xã hội tích cực”.

Nhà biên kịch - đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng: “Cánh diều là giải thưởng của hội nghề nghiệp nên cần hướng đến tính chất nghề nghiệp, không thể cứ có phim nào cũng chọn. Phim thương mại thuần túy rất cần thiết, có những liên hoan phim dành riêng cho dòng phim này. Nhưng đã là giải thưởng của hội điện ảnh thì phải khác, cần đặt tiêu chí nghề nghiệp lên cao”. Nhưng theo anh, quan trọng là hiện tại số lượng phim sản xuất hằng năm rất ít, và chủ yếu vẫn là dòng phim thương mại. “Không phải người ta đặt ra tiêu chí đúng thì thay đổi được. Nếu như đặt tiêu chí hướng đến sự tìm tòi trong ngôn ngữ điện ảnh, thì lại càng hiếm có phim nào đủ điều kiện tham gia” - đạo diễn Phan Đăng Di bày tỏ.

Số lượng phim sản xuất ít dẫn đến tâm lý cứ có phim tham gia là tốt, ban tổ chức gần như không có sự lựa chọn. Theo đạo diễn Phan Đăng Di, giải thưởng của hội nghề nghiệp chỉ thực sự thú vị khi khuyến khích được những dòng phim đặt nặng về tìm tòi, sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh, cách làm phim. “Gốc của vấn đề là làm sao lượng phim sản xuất ra nhiều hơn, đa dạng hơn. Nếu đặt ra vấn đề như vậy thì câu chuyện không còn nằm ở hội điện ảnh nữa, mà ở cả nền điện ảnh Việt Nam”.

Ngọc An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.