Tạo hình thực quản bằng “chất liệu” dạ dày

02/03/2012 03:03 GMT+7

Thực quản ở trẻ em bị teo, hoặc thực quản ở người lớn buộc phải cắt bỏ do bệnh lý, có thể được tái tạo bằng “chất liệu” lấy từ dạ dày của chính người bệnh.

Tái tạo cho người bị ung thư

PGS-TS Triệu Triều Dương, Chủ nhiệm khoa Ngoại B15 (Bệnh viện T.Ư quân đội 108) đã tiến hành tạo hình thực quản thành công cho bệnh nhân bị ung thư thực quản. Đó là một bệnh nhân nam, 48 tuổi, sống tại Hà Nội, mắc ung thư giai đoạn cuối, tổn thương toàn bộ thực quản và có hạch di căn xa. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt thực quản bị tổn thương, nạo vét các hạch di căn. Sau đó, bác sĩ tạo hình thay thế thực quản mới cho bệnh nhân bằng “chất liệu” lấy từ dạ dày của chính người bệnh. Theo bác sĩ, thực quản thay thế bằng “chất liệu” này có ưu điểm phục hồi chức năng tốt, có thể ăn được sau 7 ngày. Phương pháp trên tốt hơn hẳn so với tạo hình thực quản bằng ruột non (vì nguy cơ hoại tử cao), hoặc thay thế bằng đoạn đại tràng lại có nhược điểm ống đại tràng to và tuyến đại tràng hôi, không đảm bảo tốt chức năng.

 
Một ca tái tạo thực quản tại khoa Ngoại B15, Bệnh viện 108 - Ảnh: Ngọc Thắng 

Tái tạo cho bệnh nhi bị teo thực quản

Teo thực quản bẩm sinh là dạng dị tật đường tiêu hóa hiếm gặp. Biểu hiện thường gặp ở trẻ sơ sinh là hay sùi bọt cua (trào nước bọt nhiều ở mũi), khó thở sau sinh, bú ít, dễ bị sặc khi bú. Về sau, trẻ dễ bị viêm phổi nếu không được chữa trị. Những trường hợp này, việc giải quyết triệt để là bằng phẫu thuật. Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thỉnh thoảng cũng tiếp nhận trẻ bị teo thực quản bẩm sinh. Cả hai bệnh viện nhi trên đều thực hiện được phương pháp lấy “chất liệu” từ dạ dày để tái tạo thực quản cho trẻ bị teo thực quản. Thông thường, với những bệnh nhi dạng này, bác sĩ sẽ mổ cắt lấy một đoạn từ bờ cong lớn của dạ dày (của chính bệnh nhi) để cuốn lại, tạo hình thành ống thực quản rồi thay vào đoạn thực quản bị teo được cắt bỏ đi. Khó nhất ở kỹ thuật này là làm sao để đoạn thực quản làm từ “chất liệu” dạ dày đó sống được sau khi nối vào, các mạch máu nối vào phải hoạt động, để tránh bị hoại tử. 

Ngoài ra, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ ngoại khoa cũng từng tái tạo thực quản bị teo bằng “chất liệu” lấy từ ruột già của bệnh nhi. 

T.Tùng - L.Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.