Sở Khanh đời mới!

03/03/2012 09:56 GMT+7

(TNTS) Chó già ưa nạc, ghét xương; Tôi nay ca… cẩm cải lương một bài. Xin nghe nghiêm chỉnh, hỡi ai: - Mời thầu kiểu ấy có ngày mạt luôn.

(TNTS) Chó già ưa nạc, ghét xương;
Tôi nay ca… cẩm cải lương một bài.
Xin nghe nghiêm chỉnh, hỡi ai:
- Mời thầu kiểu ấy có ngày mạt luôn.

Bài ca cải lương của bần đạo nói về Tổng công ty xây dựng Trung Quốc, tên chữ tiếng Anh là CSCEC - một tổng công ty siêu dỏm từng sang giúp vui nhiều lần tại Việt Nam. Đơn vị này nhiều lần chạy làng, nghĩa là bỏ công trình mà chạy, khiến các chủ đầu tư Việt Nam muốn ná thở.

Chuyện rằng, CSCEC đã từng tham gia thầu một dự án ở Philippines, có tục ý đưa hối lộ khiến Ngân hàng Thế giới nực gà. Ngân hàng Thế giới đã có thông báo cấm CSCEC tham gia các dự án do ngân hàng tài trợ trên khắp thế giới để trừng phạt thói làm ăn ma mãnh trên. Thế nhưng, Việt Nam ta có vẻ như rất kính trọng CSCEC, vẫn mời họ sang tham gia đấu thầu một số công trình xây dựng và giao thông vận tải. Và chúng ta đã thực sự trở thành nạn nhân của đơn vị làm ăn chụp giật, bê bối này. Theo sự phản ánh của Báo Thanh Niên, đơn vị này có ba thủ pháp căn bản.

 
Minh họa: DAD

Thủ pháp thứ nhất - CSCEC tham gia luôn bỏ thầu siêu rẻ để được trúng thầu. Chữ “rẻ” là một chữ hấp dẫn khiến các vị lãnh đạo ở các đơn vị, địa phương của ta say đắm và say sưa. Bởi ta còn khó khăn nên ta càng yêu chữ rẻ. CSCEC đánh trúng vào tâm lý đó, gói thầu nào cũng thâm cứu thị trường, bỏ rẻ hơn thiên hạ. Với thủ pháp này, CSCEC loại các nhà thầu giỏi, làm ăn đứng đắn của các nước khác ra khỏi cuộc chơi để mình được lãnh thầu công trình.

Có câu thơ làm chứng như vầy:
Nam phương có lắm công trình mới,
Họ sang bỏ rẻ, bợ thầu thôi.
Ngày mai, trong đám thầu quốc tế,
Lắm kẻ thua thầu, hết dám chơi!

 

>> Thôi, ta đứng lại...
>> Hoa đào năm cũ…
>> Thông báo không nhận quà
>> Buôn lậu chào xuân!
>> Từ tái bản tới đình bản
>> Tiên xuống Sóc Trăng
>> Đông Thảo giang ký sự
>> Lưới ơi, lưới!
>> m nhạc và công chúng
>> Hội chứng “kính thưa”
>> Họ còn quá trẻ
>> Thượng, đại và siêu
>> Kịch bản ly hôn
>> Kính chào 7 tỉ người!
>> Hán hóa
>> Ngộ nghĩnh chuyện ly hôn
>> Họp & chơi mùa bão lũ
>> Chồng bo cho vợ
>> Đền lại… trinh nam
>> Tôi phục hiện "Dạ cổ hoài lang
>> Bí mật một đời người
>> Thà bị đánh còn hơn bị dị!
>> Rón rén và rổn rảng
>> Trung thu hoài niệm
>> Lý sự của vợ
>> Hoa ơi!
>> Những bóng hồng trong thơ nhạc: Thu của một thời

Thủ pháp thứ hai - CSCEC thực hiện gói thầu. Họ cũng trống rong cờ mở, hùng hổ ra quân, cam kết thực hiện nghiêm chỉnh và nghiêm trang đúng theo tiến độ công trình. Thế nhưng khi bắt tay vào làm, họ… chọn hạng mục nào ngon ăn mới làm trước, bỏ hạng mục khó lại. Đại phàm, trong một gói thầu, có thịt và xương. Thịt mềm, phù hợp với răng cỏ ông già; xương cứng, e có lúc gãy răng như chơi. Vậy thì CSCEC cứ thịt mà xơi trước, nghĩa là chỉ làm những cái dễ dàng, cái khó khăn dành lại cho... người đời sau. Mà CSCEC làm theo tiến độ ì ạch, không ra cái phong cách xây dựng hiện đại chút nào. Tại sao vậy?

Khi tham gia đấu thầu, họ quảng cáo tổng công ty của mình gồm toàn những chuyên gia giàu kinh nghiệm, những người thợ lành nghề bậc nhất thiên hạ. Thế nhưng, thực chất đội ngũ thi công trên công trường của họ là một toán người ô hợp, vừa kém kinh nghiệm, lại dốt tay nghề. Đội ngũ đó đa số là những người thất nghiệp thất tình, cuốc đất trồng khoai, chẳng qua nghe lời chiêu mộ mà ra đi. Các “chuyên gia giàu kinh nghiệm” bảo họ mầy đào chỗ này, mầy lấp chỗ kia, mầy tô chỗ nọ… thì họ cứ thế mà làm.

Có thơ làm chứng như vầy:
Cũng giống như xây món trường thành,
Khó thì để lại, dễ làm nhanh.
Không tay nghề cũng lên thợ cả.
Kìa chỗ làm kia lắm phỗng sành!

Thủ pháp thứ ba - CSCEC vận tuyệt đỉnh khinh công, chạy làng. Họ làm ì à ì ạch khiến bên chủ đầu tư nổi nóng. Mắng mỏ, họ nghe. Cảnh cáo, họ nghiêm túc rút kinh nghiệm. Phạt không đúng tiến độ, họ cười. Cuối cùng họ thú nhận rằng không thể hoàn thành những hạng mục thầu còn lại. Họ đưa ra cả trăm lý do: thiếu chuyên gia, thiếu vốn, trượt giá đồng tiền, khí hậu thay đổi, cường triều bất tử. Lựa đúng giờ Tý, tháng Sửu, ngày Dần, năm Mẹo; họ quất ngựa chạy làng, bỏ công trình dang dở cho... đời sau làm tiếp.

Chủ đầu tư bèn phải mời nhà thầu mới, mở đợt đấu thầu mới. Công trình cứ vậy đội kinh phí lên, kéo dài thời gian ra như ta kéo dây thun. Dân ta đi ngang qua đó, ngửi mùi nước kênh rạch thúi hoắc, thở bụi mù đường sá đỏ lòm, bèn tức cảnh mà sinh tình nghi. Hỏi ra, mới hay CSCEC đã chạy về tới cố quốc.

Có thơ làm chứng như vầy:
Bán dạ, chư quân phục cố hương,
Vị hoàn, kiều hạ thạch như tương.
Ngô dân toàn lĩnh, hướng thiên mạ:
- Sở khanh tôn tử đa lộ trường!

Tạm dịch:

Nửa đêm, các vị về quê cũ.
Cầu cống chưa xong, nát như tương.
Dân ta lãnh đủ, nhìn trời chửi:
- Con cháu Sở khanh đầy cả đường!

“Tài năng” của CSCEC là như thế, “đạo đức” trong lao động xây dựng của họ là như thế. Ấy vậy mà họ liên tiếp trúng thầu xây dựng nhiều công trình lớn mới là quái chiêu! Họ cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, làm đường dẫn hướng Nam cầu Cần Thơ, xây dựng một số cây cầu trên quốc lộ đoạn Cần Thơ - Cà Mau, xây dựng một số cao ốc... Cách làm ăn kém cỏi của họ đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng: kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đội giá; đường dẫn lên cầu Cần Thơ bong tróc, sụt lún; hệ thống cầu miền Tây dang dở, đầy tai ương; giàn giáo cao ốc sụp đổ... Một đơn vị như thế mà ta cứ tin tưởng mời thầu thì cũng là chuyện lạ.

Bần đạo không dám nghi ngờ gì về trinh tiết - xin lỗi, sự ngay thật của những chủ đầu tư Việt Nam. Nhưng bần đạo tin rằng với trái tim yêu nước và tài năng sẵn có, với kỹ năng xây dựng ngày càng cao, những đơn vị xây dựng của Việt Nam ta làm hay và làm giỏi hơn Tổng công ty xây dựng Trung Quốc nhiều. Chúng ta nên tạo điều kiện cho các đơn vị xây dựng Việt Nam làm việc chứ không nên trao cơ hội việc làm cho những anh thiếu tay nghề, mất lương tâm như vậy. Thảng hoặc, có những công trình trọng điểm yêu cầu chất lượng cao, ta cứ mạnh dạn mời thầu Nhật Bản, khối EU, Australia, Mỹ... Giá của họ có thể cao nhưng chúng ta vẫn yên tâm về lương tâm và kỹ năng xây dựng của họ. Công trình họ xây dựng luôn đạt chất lượng cao.

Mời những nhà thầu này, ta vẫn có lợi vì họ chỉ đưa chuyên gia và kỹ sư qua chỉ huy, công nhân Việt Nam vẫn là những người xây dựng công trình. Nghĩa là ta vẫn tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước và tạo điều kiện cho anh em học tập kỹ năng, tác phong lao động tiên tiến. Làm sao mà ta cứ tin vào những anh Sở khanh chuyên chạy làng, làm ăn tào lao cỡ CSCEC để họ đưa sang một đám thợ ô hợp không có tay nghề, lại tỏ ra không tôn trọng quy định pháp luật Việt Nam?

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.