Để có thực phẩm sạch

01/03/2012 03:35 GMT+7

Loạt bài Kinh hoàng heo siêu nạc trên Báo Thanh Niên phơi bày tình trạng mua bán tràn lan các loại “thần dược” tăng trọng làm người dân không khỏi rùng mình.

Loạt bài Kinh hoàng heo siêu nạc trên Báo Thanh Niên phơi bày tình trạng mua bán tràn lan các loại “thần dược” tăng trọng làm người dân không khỏi rùng mình.

Dư luận đã nhiều lần lên tiếng về hàng loạt bất ổn khác nhau liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Ngay từ khâu nuôi trồng, các loại hóa chất kích thích tăng trưởng nhưng độc hại được sử dụng tràn lan. Có nhà vườn không chỉ phun thuốc trừ sâu mà còn sử dụng chất kích thích bừa bãi. Không ít người nuôi gia súc, gia cầm chỉ biết thu lợi ích tối đa bằng cách sử dụng các loại thuốc tăng trọng bất chấp nguy cơ rất lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Nguồn gốc thực phẩm đã bất ổn, quá trình bảo quản, mua bán sau đó cũng ẩn chứa nhiều vấn đề khác. Điển hình như các vụ mua bán thực phẩm quá hạn sử dụng đến mức ôi thối vẫn thường xuyên diễn ra. Nhiều nơi buôn bán rau quả, trái cây không ngần ngại sử dụng chất tẩm ướp cho lâu héo.

Chưa dừng lại ở đó, một số loại nguyên liệu dùng trong chế biến thực phẩm được bày bán trên thị trường cũng chẳng đảm bảo chất lượng. Các điểm kinh doanh ăn uống liên tục bị báo động về điều kiện vệ sinh. Tất cả khiến mọi loại thực phẩm dù mua sẵn hay tự chế biến đều có thể thiếu an toàn mà người tiêu dùng khó lòng kiểm soát được.

Trong hoàn cảnh bất an như vậy, chúng ta cần một chiến lược mang tầm quốc gia về VSATTP với sự tham gia của nhiều ban ngành, chứ không chỉ là vài cuộc ra quân, vài tháng hành động với sự tham gia của một vài ngành như y tế, thú y hay cơ quan công an, quản lý thị trường. Quan trọng nhất trong chiến lược này là nhà nước cần có cơ chế khuyến khích sản xuất sạch, triệt tiêu sản xuất bẩn. Cơ chế này bao gồm hai vế: trừng phạt nghiêm minh hành vi sản xuất thực phẩm bẩn và kích thích sản xuất thực phẩm sạch. Cụ thể, đó là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với nông dân để thực hiện chu trình sản xuất khép kín, trong đó chất lượng sản phẩm được quản lý từ khâu xử lý đất, chọn cây, con giống, thức ăn, phân bón tới lúc thu hoạch và chế biến. Thông qua các khoản hỗ trợ như thức ăn, phân bón cùng cam kết giải quyết đầu ra, doanh nghiệp yêu cầu nhà vườn, trang trại phải tuân thủ những quy định về an toàn thực phẩm. Thông tin về quy trình sản xuất này được thể hiện minh bạch trên sản phẩm hàng hóa, để người tiêu dùng có thể đánh giá, cân nhắc trong lựa chọn. Hiện tại, hình thức này đã được áp dụng trong các ngành trứng gia cầm, thịt heo, gà khi những doanh nghiệp như Vissan, CP, Vfood phối hợp thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, thị phần của sản phẩm sạch vẫn chưa cao trong khi thực phẩm kém chất lượng không ngừng bành trướng.

Kèm theo đó, chính quyền cần tổ chức lực lượng liên ngành, bao gồm cả công an, quản lý thị trường để triển khai kiểm soát chặt chẽ tất cả các điểm kinh doanh từ phân bón, thức ăn gia súc đến thuốc trừ sâu và thực phẩm. Toàn bộ những biện pháp này phải được triển khai quyết liệt thì mới mong giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm bao trùm, đảm bảo sức khỏe người dân.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.