Voi có nguy cơ tuyệt chủng

28/02/2012 08:46 GMT+7

Việt Nam được biết đến như một quốc gia có khá nhiều voi, phân bố khắp mọi miền đất nước. Vậy mà giờ đây, các tổ chức bảo tồn trên thế giới liên tục cảnh báo voi Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Việt Nam được biết đến như một quốc gia có khá nhiều voi, phân bố khắp mọi miền đất nước. Vậy mà giờ đây, các tổ chức bảo tồn trên thế giới liên tục cảnh báo voi Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Theo các chuyên gia bảo tồn động vật, một trong những mối đe dọa đến sự tồn tại của voi là sự xung đột giữa voi và người dân bản địa. Khi dân số tăng nhanh, con người ngày càng lấn sâu vào những vùng sinh cảnh trước đây vốn là nơi trú ngụ của voi cũng như các loài động vật hoang dã khác.

Xung đột người - voi

Vấn đề này dễ dàng nhìn thấy qua đàn voi tại tỉnh Đồng Nai. Trước năm 2003, voi thường xuất hiện tại Tà Lài (huyện Tân Phú), phá hoại hoa màu tại đây. Năm 2008, một con voi ngà lệch thường xuyên đến phá nát các vùng trồng hoa màu của người dân địa phương. Năm 2009, 2 xã Phú Lý và Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) có 4 ấp với 57 hộ bị ảnh hưởng do voi đến ăn hoa màu gây thiệt hại nặng.

 voi bị tuyệt chủng; tổ chức bảo tồn trên thế giới; voi bị tấn công
Một con voi rừng bị giết chết trong năm 2011 ở tỉnh Đắk Lắk

Dù chưa gây thiệt hại về người nhưng nguy cơ xảy ra điều này là khá lớn vì người dân đã sử dụng nhiều biện pháp xua đuổi mạnh tay như: ném bình gas nhỏ vào voi cho nổ, ném lửa vào voi, soi đèn pha, dùng còi hụ có cường độ lớn… Cách “ứng xử” đó đã khiến cho xung đột giữa người và voi ngày càng căng thẳng.
Ngoài ra, nạn săn bắn, giết hại voi đã khiến số voi tại tỉnh này giảm đáng kể. Từ năm 2009 đến nay, tại tỉnh Đồng Nai đã có 9 con voi bị chết vì nhiều lý do khác nhau.

Báo động voi nhà Đắk Lắk

Trong khi đó, tỉnh Đắk Lắk được xem là quê hương của voi nhà nhưng đàn voi ở tỉnh này đã suy giảm nhanh chóng. Một trong các “thủ phạm” dẫn đến tệ trạng này chính là con người.

Nghị định 32/2006/NĐ-CP xếp voi vào nhóm IB: Nghiêm cấm khai thác và sử dụng với mục đích thương mại. Tuy nhiên, hiện nay mua một vài sợi lông đuôi voi hay một món đồ làm từ ngà voi… không khó khăn gì. Phần lớn du khách khi tới Khu Du lịch Bản Đôn hoặc Lắk (Đắk Lắk) đều tìm mua vài sợi lông đuôi voi vì cho rằng nó sẽ đem lại cho họ nhiều may mắn.

Kẻ gian thường xuyên rình rập chờ các chủ voi sơ hở để hãm hại voi lấy ngà, đế chân, lông… đem bán. Nhiều vụ bắn giết voi diễn ra gần đây đã thể hiện sự nhẫn tâm của con người đối với loài vật rất thân thiện này. Trong 10 con voi nhà đã chết từ năm 2009 đến nay, phần lớn là bị kẻ gian hãm hại.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác, đó là hiện nay tất cả voi nhà ở Đắk Lắk đều có “việc làm” ổn định trong các khu du lịch, vì vậy trong vòng 20 năm qua, voi không sinh sản được, kể cả những con voi trong độ tuổi sung mãn nhất. Ông Đặng Văn Long, sở hữu 4 con voi đực và 5 con voi cái ở huyện Lắk, cho biết: “Từ năm 1992 đến nay, tôi đã dùng mọi cách để cho voi sinh sản nhưng đều thất bại”. PGS-TS Bảo Huy, Phó trưởng Khoa Nông Lâm – Trường ĐH Tây Nguyên, đánh giá: “Việc nuôi voi riêng lẻ, phục vụ du lịch đã hạn chế khả năng sinh sản của voi. Nếu chúng ta không hành động khẩn trương thì chỉ khoảng 20 năm nữa, voi nhà ở Đắk Lắk sẽ tuyệt chủng”.

Voi rừng bị dồn ép

Theo số liệu của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, hiện còn khoảng 80-110 cá thể voi rừng, trong đó khoảng 4-5 cá thể sống trong lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Chư Pảh (huyện Ea H’Leo); khoảng 20 cá thể sống trên lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Ya H’Mơ và Ya Lốp (huyện Ea Súp); số còn lại tập trung trong lâm phần của Vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn).

Những năm gần đây, môi trường sống của voi hoang dã đã bị thu hẹp một cách đáng báo động. Đối với voi rừng, khu vực di chuyển và tìm kiếm thức ăn rất lớn nhưng diện tích rừng an toàn cho voi nay chỉ còn gần 160.000 ha (diện tích tối thiểu cho voi sinh sống) và đang tiếp tục giảm.

Môi trường sống bị xâm hại, chia cắt làm mất hành lang di chuyển theo mùa của voi để tìm kiếm thức ăn, gặp gỡ và giao phối. Những nguyên nhân này làm cho voi bị cô lập, thiếu nước, muối khoáng, thức ăn… nên chúng thường xuyên về nương rẫy phá hoại cây trồng, thậm chí vào tận nhà đe dọa con người. Khi bị xua đuổi, đàn voi ngày càng hung dữ, có lúc chống trả kịch liệt.

“Cường độ xuất hiện và không ngại giáp mặt con người của voi rừng đã thể hiện mâu thuẫn giữa voi - người ngày càng gay gắt. Điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân lẫn voi hoang dã” - TS Cao Thị Lý, thành viên nhóm nghiên cứu dự án bảo tồn voi Đắk Lắk, nhận xét.

Chỉ tính riêng trong năm 2011, trên địa bàn Đắk Lắk đã có gần 10 con voi rừng bị chết, trong đó không ít con chết dưới bàn tay con người.

20 năm, có 1.400 con voi chết

Những năm 1980, ước tính cả nước có khoảng 1.500 con voi; đến năm 1990, ước còn 300 con; đến năm 2002, chỉ còn khoảng 59-81 con, phân bố ở 11 khu vực, trong đó có 82% khu vực đã xảy ra xung đột giữa voi và người. Như vậy, chỉ trong vòng 2 thập kỷ, cả nước có hơn 1.400 con voi chết.

Ông Trịnh Việt Cường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam, cho biết nhiều địa phương như Sơn La, Lai Châu… trước kia có khá nhiều voi nhưng nay không còn; một số địa phương như Hà Tĩnh, Bình Phước… từng ghi nhận có đàn voi nhỏ nhưng hiện nay thiếu thông tin do kẹt kinh phí khảo sát. Cả nước hiện có 2 nhóm voi lớn tại Đắk Lắk (ước trên 50 con) và Đồng Nai (từ 15-20 con) và một quần thể voi tại Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Tuy nhiên, số liệu khảo sát về 2 đàn voi lớn của Việt Nam cũng đã thực hiện từ năm 2007, đến nay đã có nhiều biến động.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.