Theo dấu tích vương triều Tây Sơn: Ẩn trong chùa chiền

29/02/2012 03:42 GMT+7

Bên cạnh núi Bân đã được đầu tư, tôn tạo, dấu tích vương triều Tây Sơn được sử sách chép lại ở Huế hiện nay là các ngôi chùa ở vùng tây nam kinh thành.

Bên cạnh núi Bân đã được đầu tư, tôn tạo, dấu tích vương triều Tây Sơn được sử sách chép lại ở Huế hiện nay là các ngôi chùa ở vùng tây nam kinh thành.

 
Cổng tam quan chùa Báo Quốc, nơi nhà Tây Sơn từng trưng dụng - Ảnh: B.N.L

Từ chùa Báo Quốc

Theo Đại Nam thực lục, chùa Báo Quốc trên đồi Hàm Long dưới thời Tây Sơn được trưng dụng làm kho muối. Dư địa chí Thừa Thiên-Huế cho biết chùa Báo Quốc tọa lạc trên đồi Hàm Long trên đất xưa gọi là làng Thụy Lôi, gần với xóm Lịch Đợi. Từ đây nhìn xuống hướng đông là đường Điện Biên Phủ hiện nay (con đường dẫn lên đàn Nam Giao) và nhìn về hướng bắc là ga xe lửa. Chùa do Hòa thượng Giác Phong, người Quảng Đông (Trung Quốc), khai sơn vào cuối thế kỷ 17 dưới đời vua Lê Dụ Tông và đặt tên là Hàm Long tự. Sau đó Võ vương Nguyễn Phúc Khoát ban sắc tứ Báo Quốc tự vào năm 1747. Hiện vẫn còn tấm biển thếp vàng và những bức liễn từ thời ấy. Thời Tây Sơn, chùa bị sử dụng làm công xưởng.

Sử sách triều Nguyễn và cả tư liệu của chùa hiện nay không có ghi chép gì nhiều về thời gian nhà Tây Sơn trưng dụng chùa trong hoàn cảnh như thế nào và vì sao, ngoài vài dòng vắn tắt trong Đại Nam thực lục.

Đến năm 1808, để báo hiếu mẹ là Hiếu Khương Hoàng Thái hậu, vua Gia Long trùng tu chùa, xây tam quan và đúc một đại hồng chung nặng 826 cân, cao 1,4m, đường kính 1,2m. Vua đặt tên là Thiên Thọ tự, nhưng về sau vì lăng Gia Long cũng gọi là Thiên Thọ lăng nên vua Minh Mạng đổi lại tên như cũ. Vua Minh Mạng trùng tu chùa vào năm 1824 và vua Tự Đức góp phần tôn tạo vào năm 1858. Khu mộ tháp có tháp tổ Giác Phong và các vị kế thế như Phổ Tịnh, Viên Giác, Diệu Giác.

Hiện nay, chùa Báo Quốc là một ngôi chùa cổ có cảnh quan rất đẹp, với sân vườn rộng. Dưới chân núi có giếng Hàm Long, nước rất trong, tương truyền trước đây nước giếng chỉ để cho vua dùng.

Đến chùa Thiền Lâm

Dọc theo tuyến đường Điện Biên Phủ ngược lên dốc Nam Giao, trên dãy Long Sơn (núi rồng) còn có chùa Thiền Lâm.

Theo Lịch sử Phật giáo xứ Huế, đất Thiền Lâm ngày xưa, vào đời các chúa, từ Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) kéo dài cho đến đời Tây Sơn (1777-1801), còn rất rộng; theo địa hình hiện tại là từ trước chùa Từ Đàm, kéo theo đường Nam Giao cựu lộ và qua cả mấy vùng từ chùa Vạn Phước kéo lên cho tận đàn Nam Giao. Trong sách Hải ngoại kỷ sự (viết năm 1695), hòa thượng Thạch Liêm tả cảnh chùa Thiền Lâm như sau: “Đi quanh hai ba lớp núi, nghe trong rừng tre có tiếng trống chuông”... hay: “Chùa dựng đầu cầu cao chất ngất” với “Lối tiều quanh núi khi mờ tỏ, lều cỏ ven đồi khoảng hở liền”.

Chùa Thiền Lâm do ngài Khắc Huyền khai sơn để hoằng truyền phái Tào Động, lúc này đã có Quả Hoằng Quốc sư kiêm nhiệm. Bia tháp tổ Khắc Huyền đề “Khai sơn Thiền Lâm viện”. Vào năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) và Hòa thượng Thạch Liêm khai đại giới đàn Thuận Hóa ở đây, và từ năm đó về sau chùa Thiền Lâm trở thành một thiền viện lớn. Cho đến thời Cảnh Thịnh, Bùi Đắc Tuyên đã chiếm dụng chùa làm phủ.

Sau khi vua Quang Trung băng hà, Bùi Đắc Tuyên được thăng chức Thái sư đã chuyên quyền gây chia rẽ nội bộ hoàng tộc của triều Tây Sơn. Lúc này, Điện tiền tướng quân Võ Văn Dũng được thăng chức Tư đồ và được phong từ tước Quận công lên Quốc công, có thế lực rất mạnh. Ông đã đưa quân bí mật bao vây chùa Thiền Lâm bắt Bùi Đắc Tuyên. Nhưng đêm ấy Bùi Đắc Tuyên ngủ lại trong cung nên Võ Văn Dũng xông thẳng vào cung yêu cầu vua Cảnh Thịnh giao người. Trước thế không thể ngăn cản, vua Cảnh Thịnh đành phải giao nộp Bùi Đắc Tuyên. Sau đó Võ Văn Dũng còn cho người vào Qui Nhơn bắt Bùi Ðắc Trụ (con Bùi Đắc Tuyên) đang giữ việc quân ở nơi ấy, một mặt giả chiếu ra Bắc Hà bắt luôn Ngô Văn Sở. Sau khi bắt hết phe đảng Bùi Đắc Tuyên, Võ Văn Dũng đem nhốt vào cũi dìm xuống sông cho đến chết (1795). Sách Hoàng Lê nhất thống chí thuật lại chuyện này như sau: "(Võ Văn) Dũng đến nhà trạm Hoàng Giang, gặp trung thư lệnh là Trần Văn Kỷ phạm tội bị đày ở đó. Dũng cùng ngủ đêm với Kỷ, Kỷ bèn nói với Dũng rằng: "Quan thái sư (chỉ Đắc Tuyên) chức vị đã cao tột bậc, trong tay nắm quyền làm oai làm phúc, lại đẩy ông ra ngoài, nếu có sự chẳng lợi cho nhà nước, các ông phỏng còn giữ được đầu chăng? Bây giờ chẳng sớm liệu đi, sau này ăn năn sao kịp?". Dũng vốn tin và trọng Văn Kỷ, bèn cho lời Kỷ là phải. Hôm sau, Dũng đem quân bản bộ gấp đường quay về, hợp mưu với Thái bảo Hóa, bắt phe đảng Đắc Tuyên bỏ ngục; lại sai người vào Qui Nhơn bắt Đắc Trụ và sai Đô đốc Hài ra thành Thăng Long lập mẹo bắt Ngô Văn Sở đưa về, rồi thêu dệt thành tội trạng làm phản mà đem dìm xuống nước cho chết hết. Quang Toản không thể ngăn chặn nổi, đành chỉ khóc lóc mà thôi".

Sách Đại Nam nhất thống chí, chép về giai đoạn chùa Thiền Lâm bị Bùi Đắc Tuyên chiếm dụng như sau: Tương truyền chùa do Thạch Liêm hòa thượng dựng (đoạn này Đại Nam nhất thống chí chưa chính xác, vì theo sách Hải ngoại kỷ sự của hòa thượng Thạch Liêm, khi ông đến đây chùa đã có từ trước, do Hòa thượng Khắc Huyền khai sơn, như đã dẫn ở trên). Sau Bùi Đắc Tuyên thái sư triều ngụy Tây dùng làm nhà ở, Đắc Tuyên bị hại, người dân trong ấp nhân nền cũ chữa lại, đến khoảng đời Gia Long bản triều, Thừa Thiên Cao hoàng hậu bỏ tiền ra sửa lại.

Ngày nay, chùa Báo Quốc và chùa Thiền Lâm đều đã được các thế hệ tiếp nối trùng tu tôn tạo lại, trở thành hai ngôi chùa lớn của Huế. Tuy nhiên, ít hai biết rằng nơi đây đã từng ghi dấu của vương triều Tây Sơn.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.