Theo dấu tích vương triều Tây Sơn

27/02/2012 03:02 GMT+7

Vương triều Tây Sơn gắn liền với tên tuổi người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, tồn tại ở kinh đô Phú Xuân 15 năm (1786-1801). Những dấu tích để lại không chỉ là mối quan tâm lớn của giới nghiên cứu mà hầu như trong tất cả mọi người.

Vương triều Tây Sơn gắn liền với tên tuổi người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, tồn tại ở kinh đô Phú Xuân 15 năm (1786-1801). Những dấu tích để lại không chỉ là mối quan tâm lớn của giới nghiên cứu mà hầu như trong tất cả mọi người.

Tìm thấy di tích núi Bân

Theo sử sách, núi Bân (Bân sơn) là nơi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ cho lập đàn (đàn Nam Giao Tây Sơn) để làm lễ tế cáo trời, lên ngôi hoàng đế và xuất quân ra Bắc Hà đánh quân Thanh xâm lược vào ngày 25.11 năm Mậu Thân (22.12.1788).

Thế nhưng, từ trước những năm 1977, di tích núi Bân cũng như nhiều di tích hầu như chưa ai biết tới. Cuối năm 1977, PGS-TS Đỗ Bang (hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế) là người đầu tiên nghiên cứu và xác minh được di tích núi Bân thuộc xứ Cồn Mồ, thuộc xóm Hành, thôn Tứ Tây, xã Thủy An - nay là P.An Tây, TP.Huế.

Theo PGS-TS Đỗ Bang, khi xưa, không rõ núi tên gì, nhưng từ khi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ cho xẻ núi Bân thành ba tầng, để lập đàn tế cáo trời thì người dân địa phương quanh khu vực này vẫn gọi ngọn núi này với các tên như: Động Tầng, Ba Tầng, Tam Tầng, Ba Vành, Hòn Thiên. Rất có thể Nguyễn Huệ chính là người đã đặt tên Bân cho núi (nơi ông chọn để đắp đàn), với nghĩa: trong và ngoài đều hoàn mỹ.

Thời điểm phát hiện ra di tích, ngọn núi Bân là vùng phế tích cây cối mọc um tùm. Trải qua chiến tranh và sau ngày hòa bình, người dân đã lấn chiếm để xây mồ mả. Nơi đây trở thành nghĩa địa hoang vắng, u uất. Sau khi xác định được di tích, ngày 18.11.1988, núi Bân được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

 
Tượng đài Quang Trung ở núi Bân sau khi hoàn thành đã trở thành địa điểm văn hóa của cố đô Huế - Ảnh: B.N.L

Công trình nghệ thuật đặc sắc

Năm 2001, tại Hội thảo khoa học Phú Xuân - Thuận Hóa thời Tây Sơn do UBND TP.Huế và Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế tổ chức, hai tác giả viết tham luận Phạm Xuân Phượng, Trần Hoài đã đề xướng ý tưởng xây dựng bảo tàng, công viên văn hóa và tượng đài Quang Trung tại di tích lịch sử núi Bân. Tác giả Phạm Xuân Phượng đặt vấn đề, với tư cách là một kinh đô đầu tiên có từ thời hoàng đế Quang Trung, Huế cần có một công trình quy mô tương xứng với triều Tây Sơn. Đó là việc xây dựng khu bảo tàng - công viên văn hóa Quang Trung ở núi Bân. Tại đây sẽ xây dựng các công trình như nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, trong đó có đền thờ vua Quang Trung, đặt tượng vua Quang Trung, khắc bài chiếu lên ngôi của vua, kèm theo là việc thiết kế công trình văn hóa, điểm vui chơi giải trí, vườn cây cảnh, cây ăn quả truyền thống của nhà vườn xứ Huế.

Sau hội thảo này, từ tháng 11.2001, dự án xây dựng Khu tưởng niệm tượng đài Quang Trung tại núi Bân khởi động. Dự án được chuẩn bị công phu bao gồm giải tỏa mặt bằng, di dời toàn bộ lăng mộ ra khỏi khu vực quy hoạch. Đến năm 2007, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phê duyệt dự án đầu tư Khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Quang Trung tại núi Bân, TP.Huế (giai đoạn 1) với tổng kinh phí 19,8 tỉ đồng.

Sau hai năm xây dựng, ngày 9.1.2010, công trình tượng đài Quang Trung ở núi Bân đã được khánh thành. Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ cao 21m, hệ thống phù điêu sau chân tượng có chiều dài 50m bằng chất liệu đá Thanh được đặt ở vị trí trang trọng. Phần phù điêu mô tả khái quát một số hình ảnh tiêu biểu của phong trào Tây Sơn từ khi mở cờ khởi nghĩa đến chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Xen kẽ những mảng phù điêu hình tượng là các đoạn văn trích bài Chiếu lên ngôi của hoàng đế Quang Trung như: Nhân, nghĩa, trung, chính là đầu mối lớn lao của đạo làm người. Nay, trẫm cùng dân đổi mới (...) sẽ dắt dìu dân lên con đường lớn, đặt vào đài xuân. Hay: “Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (trích bài Dụ tướng sĩ). Tác phẩm tượng đài của nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ và phần phù điêu do nhà điêu khắc Nguyễn Quyết Thắng sáng tác, Công ty TNHH xây dựng mỹ thuật Hà Nội thực hiện. Các giai đoạn tiếp theo sẽ xây dựng nhà thờ vua Quang Trung, hoàng hậu Lê Ngọc Hân và các quan văn võ thời Tây Sơn, nhà trưng bày tư liệu hiện vật phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, nhà bia…

Sau khi công trình hoàn thành, từ vùng nghĩa địa hoang lạnh nơi đây đã trở thành một công viên khang trang. Khu tưởng niệm tượng đài đã trở thành điểm sáng văn hóa ở vùng tây nam Huế. Bên cạnh di tích núi Bân, hiện ở Huế còn nhiều địa điểm khác được xác định có di tích của vương triều Tây Sơn, nhưng đến nay ngoài các nhà nghiên cứu nhiều người vẫn chưa được biết đến. 

Ngày 28.1.2008, công trình Khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Quang Trung tại núi Bân, TP.Huế được khởi công xây dựng với tổng diện tích quy hoạch là 25.467m2, trong đó phần diện tích xây dựng đã thực hiện là 21.340m2, gồm di tích lịch sử quốc gia núi Bân (được tôn tạo theo nguyên tắc phục hồi nguyên vẹn) và các hạng mục xây dựng mới: tượng đài Quang Trung cùng hệ thống phù điêu, sân hành lễ và nhiều công trình phụ khác.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.