Sốc với nhạc chờ

26/02/2012 03:51 GMT+7

Không ít bạn trẻ có xu hướng cài những bản nhạc chờ điện thoại di động (ĐTDĐ) theo kiểu càng hài hước, càng “độc” càng tốt, cốt để mua vui. Thế nhưng thực tế cũng có những hệ lụy.

Không ít bạn trẻ có xu hướng cài những bản nhạc chờ điện thoại di động (ĐTDĐ) theo kiểu càng hài hước, càng “độc” càng tốt, cốt để mua vui. Thế nhưng thực tế cũng có những hệ lụy.

Những phen hoảng hồn

 

Chị Minh Tuyết - nhân viên một tập đoàn bảo hiểm nhân thọ tại TP.HCM - từng hú vía khi gọi điện cho một khách hàng hẹn đến thu tiền hợp đồng. Chị kể: "Tôi hoảng hồn khi nghe  giọng một phụ nữ mắng sa sả: Điện mà toàn nhá hoài, tao không gọi lại đâu, máy tao hết tiền rồi đó, nhá máy nữa tao đập máy tao à…!". Chị Tuyết nói thêm: "Mãi lúc sau, tôi mới biết đây là một loại… nhạc chờ".

Lão nông dân Phan Sang (ngụ ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) cho hay, ông từng tá hỏa khi gọi điện cho đứa con làm công nhân tại TP.HCM. Thay vào giọng nói quen thuộc của thằng con trai là một giọng nữ lạ hoắc: “Thưa các bác, đại ca của em hiện đang rất là say. Các bác cho đại ca em tỉnh rồi nghe máy luôn. Đại ca ơi có điện thoại, có điện thoại đại ca ơi…”. Khổ nỗi, vào lúc ông gọi, người con bỏ quên điện thoại ở nhà. Lo lắng không biết chuyện gì xảy ra với con mình, ông Sang vội vã bắt xe đò vào TP.HCM.

 

Một cô sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM gọi điện cho bạn trai ở trường khác, đã hoảng hồn khi nghe một tràng chát chúa vang lên: “Anh à, nấu cơm chưa đấy, anh à, giặt đồ chưa đấy, ối giời ơi quét nhà chưa vậy, ối giời ơi, làng nước ơi, bà con ơi, ngó xuống mà xem này, chồng với chả con, chả làm nên tích sự gì cả, nấu cơm chưa đấy, chưa nấu à, chết với bà nhá”...             

Coi chừng "mất điểm"

Anh Trần Phước Lộc - công tác tại Tổ chức y tế tình nguyện (CYT) tại Việt Nam - cho rằng: “Qua nhạc chờ, có thể hiểu được phần nào tính cách, tâm trạng của người cài đặt”. Theo anh Lộc, có 2 loại nhạc chờ chủ yếu. Thứ nhất, đó là loại nhảm nhí, thậm chí phản cảm khiến người gọi đến (dù có quen biết hay không) cảm nhận chủ nhân chiếc máy ĐTDĐ kia là người thiếu chín chắn, chững chạc. Thứ hai, là loại có thể truyền cảm xúc, ấn tượng tốt cho người gọi đến.

Anh Nguyễn Hải, phụ trách khâu nhân sự - tuyển dụng của một công ty cơ khí trên địa bàn Q.7, TP.HCM, kể: “Không biết nên gọi đây là chuyện bi hay hài nữa, nhưng quả thực có những loại nhạc chờ khiến tôi thấy sốc”. Trước đây, công ty anh Hải tổ chức tuyển dụng một số kỹ sư. Sau vòng phỏng vấn, anh Hải liên lạc những ứng viên “nặng ký” để thông báo thời gian họ đến làm việc. Khi gọi đến ĐTDĐ của một người tên N., anh Hải tá hỏa nghe một tràng liên thanh: “Alô, ai gọi tôi đó - À, không phải, bạn nhầm số rồi, tôi đâu quen bạn đâu - Hả? Cái gì không nghe rõ, nói lớn tí đi - Tôi nói là bạn nhầm số rồi mà - Hihi, sao bạn lại tự nhiên nói chuyện một mình zậy, kỳ quá zậy, cái đó chỉ là nhạc chờ thôi, từ từ tôi mới nghe máy chứ”. Anh Hải tỏ vẻ bức xúc: “Nghe xong đoạn “nhạc” chờ đó, tôi chẳng còn thiết tha gì với anh chàng kỹ sư “vui tính” nọ, cho dù anh ta có tài giỏi cỡ nào!”. Có lẽ, mức độ sốc của anh Hải sẽ tăng lên nữa, nếu như anh biết chủ đề của đoạn “nhạc” nói trên là “Ha ha, bạn bị lừa rồi!" vốn được nhiều nhà mạng rao bán với giá 3.000 đồng/lượt cài đặt.

Thời gian qua, nhiều nhà mạng, công ty số còn rao bán rất nhiều loại “nhạc” (thực ra, phổ biến là những loại nhạc tự chế hay trích đoạn tấu hài) và khoác lên chúng vô số mỹ từ như “sáng tạo”, “độc đáo”, “hài hước” hay “cực độc”, “cực hot”... Trong đó, có những "nhạc chờ" như: "Thuê bao đang quá thèm bia”, “Thuê bao quý khách đang bận mua đồng nát, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”, “Lại trúng đề, trúng ba hôm liền rồi, haiz, hôm nay em lại trúng đề, cảm giác ôi thật là phê…”.

Không ít người cho rằng, việc cài đặt nhạc chuông, nhạc chờ như thế nào là thuộc về sở thích, nhu cầu và quyền tự do cá nhân của mỗi người. Theo họ, những loại nhạc chờ như trên cũng là cách xả stress hữu hiệu, tạo nên sự phong phú, thú vị cùng những tràng cười sảng khoái trong thời bận rộn quay cuồng như hiện nay.

Trên thực tế, nhạc chờ không còn bó hẹp trong sự riêng tư của một người nữa mà nó thường liên quan đến những người khác trong môi trường giao tiếp rộng rãi, cụ thể ở đây là những người gọi đến. Đặc biệt, lĩnh vực liên quan đến văn hóa, tác quyền này đang được những nhà mạng, công ty số tận dụng khai thác kinh doanh triệt để. Chính vì lẽ đó, càng đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, thay vì lơi lỏng như bấy lâu. 

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.