Những người tạo ra phép màu - Kỳ 6: Sức mạnh của chiếc camera

25/02/2012 15:43 GMT+7

Gary Tarpinian và cộng sự lâu năm Paninee Theeranuntawat gặp nhau lần đầu tại khoa làm phim của Trường ĐH Loyola Marymount ở Los Angeles, California (Mỹ) nhiều năm trước. Cùng đam mê sản xuất phim tài liệu và chương trình thực tế vừa có tính giải trí vừa có tính giáo dục cao, hai người cùng nhau thành lập Hãng phim Morningstar Entertainment vào năm 1995.

Gary Tarpinian và cộng sự lâu năm Paninee Theeranuntawat gặp nhau lần đầu tại khoa làm phim của Trường ĐH Loyola Marymount ở Los Angeles, California (Mỹ) nhiều năm trước. Cùng đam mê sản xuất phim tài liệu và chương trình thực tế vừa có tính giải trí vừa có tính giáo dục cao, hai người cùng nhau thành lập Hãng phim Morningstar Entertainment vào năm 1995.

 
Đoàn làm phim Morningstar Entertainment quay cảnh phẫu thuật anh Duy Hải tại Bệnh viện FV TP.HCM ngày 5-1-2012 - Ảnh: Minh Đức

Tự hào nắm trong tay một trong những đội ngũ làm phim chuyên nghiệp và tài năng nhất trong giới sản xuất phim tài liệu Mỹ, Gary nói sau 17 năm tồn tại hãng đã cho ra lò rất nhiều loại phim tài liệu, từ lịch sử, quân sự, khoa học đến pháp luật cho những hệ thống truyền hình nổi tiếng như Discovery Channel hay History Channel.

Câu chuyện ở Mỹ

Ngoài loạt phim tài liệu Hồ sơ McKinnon, Morningstar còn sản xuất hàng loạt phim tài liệu y tế khác như Chicago’s Lifeline (1999) nói về một bệnh viện lớn ở Chicago, các ca phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhân của Trung tâm Y tế UCLA và một hồ sơ về sự tiến bộ của điều trị ung thư vú được đánh giá rất cao.

Liên tiếp trong hai năm 2000 và 2001, chương trình “Chicago’s Lifeline” phát trên kênh Discovery Health Channel đã đoạt giải Freddie Award cho series truyền hình thực tế về y khoa xuất sắc nhất của Hiệp hội y tế Hoa Kỳ (AMA).

Từ tháng 11-2011, cái tên Morningstar bắt đầu trở nên quen thuộc với bạn đọc VN khi một nhóm làm phim của họ, đứng đầu là nhà sản xuất Andrew Nock, đến Việt Nam và đồng hành cùng Nguyễn Duy Hải và gia đình trong chuyến hành trình đầy khó khăn của họ.

Thật ra hơn 10 năm nay, Morningstar đã theo chân bác sĩ phẫu thuật McKay McKinnon ghi lại các ca phẫu thuật cho những bệnh nhân mang căn bệnh quái ác như Duy Hải ở khắp nơi trên thế giới. Những tập phim này tập hợp thành một loạt phim tài liệu có tên gọi McKinnon files (Hồ sơ McKinnon) đã lay động trái tim người xem khắp thế giới và kết nối những người bệnh không còn hi vọng được cứu sống với vị bác sĩ hàng đầu này.

Cũng chính từ chương trình này mà mối nhân duyên của Morningstar và bác sĩ McKinnon, người mà Gary gọi là một trong những bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất thế giới, bắt đầu.

“Một trong những tập phim đầu tiên chúng tôi làm là về ca phẫu thuật cho một phụ nữ Mỹ có khối u nặng 90,7kg năm 2000. Lúc đó không ai nghĩ là ca mổ sẽ thành công và tính mạng bệnh nhân được an toàn. Nhưng bác sĩ McKinnon vẫn tự tin tiến hành và đã làm được.

Khi bộ phim được phát sóng, rất nhiều bệnh nhân có chứng bệnh tương tự đã liên lạc với chúng tôi đề nghị giúp đỡ, hoặc nhận ra rằng có một lối ra cho tình trạng của họ. Với niềm tin vào công việc của mình, chúng tôi đã quyết định sản xuất thêm hàng loạt bộ phim tài liệu như vậy để tiếp tục kết nối với những bệnh nhân mới cần giúp đỡ, như Hải và gia đình anh” - Giang nói.

Câu chuyện ở Romania

Câu chuyện đến nay vẫn để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho Gary là về chị Lucica Bunghez có khối u 80kg ở Romania. Trước khi được bác sĩ McKinnon cứu năm 2004, chị đã bị bệnh viện lớn nhất thủ đô Bucharest từ chối phẫu thuật vì sợ sẽ quá nguy hiểm. Trên đường từ thủ đô về nhà, cách đó 4 giờ đi xe, chị và gia đình đã ghé lại một nhà thờ nổi tiếng để cầu nguyện.

“Và bạn biết không, tối đó họ về nhà ăn tối và mở tivi xem kênh truyền hình yêu thích nhất của mình: Discovery Romania. Đúng lúc đó, bộ phim (Khối u 200 pound) đang được chiếu!”.

“Hiện giờ chị đang sống một cuộc sống bình thường và trong tình trạng sức khỏe rất tốt. Đến giờ tôi vẫn xúc động khi nghĩ sau khi cầu nguyện, chị đã vô tình xem được bộ phim tài liệu đầu tiên mà chúng tôi thực hiện với bác sĩ McKinnon”.

Từ đó, hễ có bệnh nhân nào cần giúp đỡ thì Morningstar lại liên lạc với vị bác sĩ này hoặc ngược lại, rồi đến các tổ chức từ thiện và các mạnh thường quân. Cứ như thế mạng lưới từ thiện được nhân rộng, kết nối những trái tim nhân ái với những con người đặc biệt này, càng có ý nghĩa hơn khi những bộ phim của họ được phát trên những kênh lớn như Discovery, giờ đã phủ sóng khắp 210 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.

Cứ thế, những bộ phim tài liệu chân thật và đầy tính nhân văn của hãng đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của rất nhiều bệnh nhân khắp nước Mỹ và vượt ra khỏi cả biên giới nước này.

 
Đoàn làm phim Morningstar tại Bệnh viện FV TP.HCM

Câu chuyện ở Việt Nam

Không đơn thuần là những người “đứng ngoài” kể chuyện, Morningstar dường như đã trở thành một phần của bức tranh lớn và câu chuyện họ muốn truyền tải khi chủ động giúp đỡ nhân vật, hỗ trợ tài chính cho đội ngũ bác sĩ và kết nối các mạnh thường quân với bệnh nhân.

Morningstar đã hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại và ăn ở cho êkip phẫu thuật của bác sĩ McKinnon, như trường hợp năm 2004 khi ông mang gần mười phụ tá giỏi nhất đến Romania và giúp đỡ cả phí tàu xe, thuê nhà cho trường hợp anh Duy Hải ở VN. “Chúng tôi cũng làm những chuyện khác để giúp đỡ Sa Ly và Mỹ Dung nhưng chẳng đáng nói ra. Chúng tôi không làm những chuyện này để được nói tới, hay muốn ai phải cảm ơn mình, chỉ đơn giản là làm những gì có thể để giúp đỡ bởi vì chúng tôi ở vào một vị trí có thể làm được” - Gary chia sẻ.

Sau khi ca mổ của Hải bị ngưng bất ngờ vào tháng 11-2011, Morningstar đã quyết chí phải cứu anh bằng được bằng cách thuê cho anh một căn hộ tầng trệt ở quận 2 để anh đỡ phải quay lại Đà Lạt trong tình trạng sức khỏe như vậy. Ngay lập tức, họ cùng với mạng lưới những người thiện nguyện đang lo cho trường hợp này chạy đôn đáo tìm bệnh viện chịu cứu sống anh Duy Hải.

“Thú thật lúc đó không ai biết có bệnh viện nào chịu nhận anh không và rồi anh sẽ phải chờ bao lâu để được phẫu thuật - Gary nhớ lại - Tôi và Paninee dù chưa bao giờ gặp Hải, nhưng qua những thước phim tôi nhận được và những gì mà đồng nghiệp tôi kể lại, chúng tôi đã quyết tâm sẽ không bỏ cuộc cho tới khi tìm được sự giúp đỡ mà Hải xứng đáng được nhận. Anh ấy có một tinh thần lạc quan đáng nể và thái độ sống khiến nhiều người khâm phục”.

Một ngày nào đó, Gary nói ông mong được gặp Duy Hải, Sa Ly và Mỹ Dung, không phải để được nghe “cảm ơn”, mà để tri ân họ đã tin tưởng và cho phép ông và cộng sự kể lại câu chuyện của họ với cả thế giới. “Chúng tôi có trách nhiệm phải kể một câu chuyện chân thật và đầy nhân văn, để một ai ở đâu đó trên thế giới này đang cần giúp đỡ, có thể lắng nghe và tìm một lối thoát cho mình”.

“Chúng tôi cũng hi vọng người xem sẽ nhận ra họ may mắn đến mức nào khi sinh ra với một cơ thể khỏe mạnh bình thường và những khó khăn nhỏ nhặt hằng ngày của họ sẽ chẳng thấm vào đâu so với những con người này”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.