Nhiều thắc mắc về quy chế

24/02/2012 03:26 GMT+7

* Đài phát thanh - truyền hình Gia Lai phát sóng trực tiếp lúc 14 giờ ngày 24.2 * Số điện thoại nóng của chương trình (0905)295.631 - (0905)295.632 Ngày 23.2, tại chương trình Tư vấn mùa thi năm 2012 do Bộ GD-ĐT và Báo Thanh Niên tổ chức đã diễn ra tại Đắk Lắk. Học sinh (HS) tập trung các câu hỏi liên quan đến quy chế tuyển sinh.

* Đài phát thanh - truyền hình Gia Lai phát sóng trực tiếp lúc 14 giờ ngày 24.2
* Số điện thoại nóng của chương trình (0905)295.631 - (0905)295.632

Ngày 23.2, tại chương trình Tư vấn mùa thi năm 2012 do Bộ GD-ĐT và Báo Thanh Niên tổ chức đã diễn ra tại Đắk Lắk. Học sinh (HS) tập trung các câu hỏi liên quan đến quy chế tuyển sinh.

Hưởng ưu tiên thế nào?

Phiếu đăng ký dự thi mới: Mã ngành có 7 ô

Theo nguồn tin từ Sở GD-ĐT Đắk Lắk, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT vừa gửi mẫu hồ sơ đăng ký dự thi năm nay cho các sở GD-ĐT. Theo đó, tại mục số 2, phần đăng ký mã ngành có 7 ô (thay vì 3 ô như trước đây) vì mã ngành đăng ký dự thi năm nay gồm 1 chữ và 6 số.

Có mặt tại buổi tư vấn, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên Ban Chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh quốc gia năm 2012, thông tin về 3 đợt thi tuyển ĐH, CĐ. Năm nay, dự kiến kỳ thi diễn ra vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Cụ thể, đợt 1 (dành cho khối A, V và A1) diễn ra vào ngày 7 - 8.7; đợt 2 dành cho các khối thi còn lại (bao gồm cả các khối năng khiếu) thi vào ngày 14 - 15.7, đợt 3 dành cho các trường CĐ có tổ chức thi, diễn ra vào ngày 21 - 22.7.

Phạm Quốc Việt, lớp 12A2, Trường THPT Buôn Ma Thuột, nêu câu hỏi: “Khi nhận giấy báo dự thi, nếu phát hiện có sai sót thì phải giải quyết thế nào?”. Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Nguyễn Thanh Long - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, thông tin: “Trên giấy báo dự thi mà các trường gửi cho các em có thông tin về thời gian và địa điểm để chỉnh sửa giấy báo dự thi. Vì vậy, các em phải đến nơi được thông báo để chỉnh sửa trước ngày thi. Những chỉnh sửa sau ngày thi sẽ không có giá trị”.

HS Quách Thị Tuyết Mai thắc mắc: “Em vừa là con thương binh 70%, vừa là dân tộc Tày và thuộc khu vực 1, vậy em có được cộng ưu tiên cả 3 điều kiện vừa nêu không?”. Theo thạc sĩ Lê Thị Kim Oanh - Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đắk Lắk, HS này được hưởng ưu tiên đối tượng 1 (dân tộc thiểu số) và cũng được hưởng ưu tiên theo khu vực 1.

Tâm lý, ăn uống trước ngày thi

Một HS đến từ Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Buôn Ma Thuột) đặt câu hỏi nhận được rất nhiều ủng hộ của các bạn tại buổi tư vấn: “Tâm lý trước mùa thi luôn là mối quan tâm của em và các bạn, vì có ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi. Các thầy cô có thể cho em biết phương pháp nào để học tốt, giảm bớt căng thẳng và chuẩn bị tâm lý khi bước vào kỳ thi không?”. Thầy Châu Minh Quý - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính Marketing, giải đáp: “Trước hết, mỗi cá nhân có cách để tạo sự thoải mái trong học tập khác nhau (nghe nhạc, chơi thể thao…). Vì vậy, nên chọn cách mà trước nay mình học tập, thư giãn tốt nhất. Có một số em có tư tưởng thoải mái nhưng lại bị áp lực của bố mẹ. Các em nên bàn bạc với cha mẹ, làm cách nào đó để cha mẹ hiểu được sở thích và mong muốn của mình. Gần ngày thi, các em chỉ nên xem bài nhẹ, không nên học ngày học đêm, sẽ không đủ sức thi”.

PGS-TS Đặng Văn Tịnh - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, thông tin thêm: “Có rất nhiều chuyện vui về việc ăn uống thế nào để thi đậu như ăn xôi đậu, không nên ăn hột vịt lộn... Nhưng đây chỉ là chuyện vui. Đứng về chế độ dinh dưỡng, thì cần phải ăn và nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe. Theo tôi, quá trình sinh hoạt, ăn uống của mỗi gia đình như thế nào thì hãy cứ bình thường như vậy, đừng thay đổi đột ngột, sẽ khiến cho việc hấp thụ của mỗi người trở nên khó khăn”.


Phụ huynh cũng đến nghe chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại Đắk Lắk ngày hôm qua - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học để làm giám đốc!

Một HS đặt câu hỏi rất thú vị qua đường dây nóng: “Nhà em nghèo, vì thế em muốn học ngành kinh tế, để ra trường làm giám đốc, có tiền phụ giúp gia đình. Các thầy cô tư vấn cho em học ngành kinh tế trường nào phù hợp nhất?”. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Nam - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, HS chỉ cần xem xét sức học của mình để chọn trường cho phù hợp. Bên cạnh đó, nhà nghèo nên khi thi vào các trường, cần lưu ý mức học phí để không phải quá khó khăn khi vào học. Tiến sĩ Lê Công Toàn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, cũng cho biết thêm: “Không phải mọi giám đốc đều giàu cả và cũng không phải mọi người giàu làm giám đốc đều xuất thân từ ĐH. Vì vậy, con đường trở thành giám đốc của mỗi người không giống nhau. HS cần xác định sức học để theo học, chứ không nhất thiết vào ĐH ngay lập tức. Có thể học TCCN, CĐ rồi liên thông lên ĐH”.

Liên quan đến việc lựa chọn nơi học, HS Trần Văn Long, Trường THPT Buôn Ma Thuột, thắc mắc về việc học trường ĐH công lập và ngoài công lập khác nhau điểm nào, ra trường sinh viên ngoài công lập có khó xin việc làm hơn không? Theo thầy Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Tây Nguyên, cả hai loại hình đều là hệ thống giáo dục quốc dân. Và hiện nay, công lập và ngoài công lập đều đào tạo ngành nghề theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT. Tùy mỗi vùng đều có chương trình đào tạo phù hợp đặc điểm ngành nghề vùng đó. Sinh viên khi ra trường đều được cấp bằng chính quy có giá trị như nhau.

Báo Thanh Niên cảm ơn các cá nhân và đơn vị đã hỗ trợ cho chương trình Tư vấn mùa thi năm 2012: Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Đắk Lắk, Nhà thiếu nhi tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp tổ chức. Công ty cổ phần vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang đã hỗ trợ đưa đón đoàn tư vấn đi các tỉnh.

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.