Giàn gừa khổng lồ

23/02/2012 08:22 GMT+7

Nhiều người nói rằng giàn gừa cành nhánh đan quyện nhau phủ kín một khu đất  rộng đến  4.000 m2 ở ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa (H. Phong Điền, TP. Cần Thơ) có thể là giàn cây tự nhiên lớn nhất  Việt Nam hiện nay.

Từ trung tâm TP.Cần Thơ đi theo hướng Lộ Vòng Cung trên địa bàn xã Mỹ Khánh (H. Phong Điền), qua phà rồi đi tiếp tới chân cầu Rạch Sung, quẹo trái đi theo con đường làng tráng nhựa ngoằn ngoèo, rợp bóng cây ăn trái một đỗi, sẽ thấy tấm bảng bảng vàng, chữ đỏ: Khu di tích văn hóa Giàn Gừa. Qua cổng, lại thấy tấm bảng khác, ghi: Cổ Miếu Bà Thượng Động Cố Hỉ- cũng chữ màu đỏ trên nền sơn vàng. Hai bên cổng là hàng rào sắt trên bờ tường cẩn đá xanh được sơn phết rực rỡ.

Đến đây, từ ngoài cổng đã cảm nhận được sự mát mẻ tỏa ra từ những tàn gừa cao chừng 6-7m, nhánh này đan quyện với nhánh khác, cành nhủi xuống đất đâm rễ thành cây phủ trùm cả khu đất rộng đến 4.000m2. Nhiều nhánh gừa còn “bò” ra  ngoài khuôn viên, khiến khách lạ có cảm giác giàn gừa sẽ còn lan rộng thêm nữa…Ông Nguyễn Hữu Phước (Bảy Phước), Phó ban văn hóa – xã hội Khu di tích văn hóa Giàn Gừa, cho biết vào giữa thế kỷ thứ 19, nơi đây đã có giàn gừa rộng trên 1 ha. Năm Đinh Tỵ (1857), có một người họ Nguyễn từ sông Tiền đến đây khai hoang, đắp đập làm ruộng rẫy-được mọi người  gọi là Cả Nguyễn do ông khẩn được nhiều đất.  Việc khai thác đất chẳng may gây ra hỏa hoạn làm cháy hết giàn gừa. Tai nạn này kéo theo tai nạn khác khá huyền bí là con cháu ông Cả bị bịnh chết rất nhiều. May mắn, có ông thầy ở núi ghé qua, bảo phải trồng lại cây gừa thì mới qua khỏi kiếp nạn; bởi giàn gừa là nơi Bà ngự, nay cây cháy, Bà không chỗ nương náu. Con cháu ông Cả vâng lời trồng lại cây gừa, lập miếu thờ Bà Cố Hỉ bằng cây lá, rồi xây xi măng vào năm 1989.


Có thể đi  trên cành gừa như thế này vì cành, nhánh, thân, rễ của chúng đan xen nhau dày đặc Ảnh: Phương Kiều 

 
Miếu Bà Cố Hỉ Thượng Động nằm giữa giàn gừa khổng lồ - Ảnh: Phương Kiều

Ông Bảy Phước cho biết mỗi năm Giàn Gừa có một lễ chính và 2 lễ phụ: Lễ chính vào ngày 28.2 âm lịch (ngày trồng lại gừa và lập Miếu Bà Cố Hỉ, cách nay 155 năm) để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt...Đêm trước khi vào lễ chính là đêm nhóm họ, phục vụ văn nghệ, đờn ca tài tử. Sáng ngày 28 cúng heo trắng, có múa bóng rỗi. Tục cúng heo trắng, chè, xôi, bông hoa, múa bóng có từ sau 1975, trước đó chỉ cúng đầu heo. Ngoài ra Giàn Gừa còn 2 lễ phụ vào ngày 27.7 (Ngày Thương binh – Liệt sĩ) và ngày 22.12 (Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam), vì nơi đây từng là nơi đóng quân, là căn cứ cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta. Trong khuôn viên Giàn Gừa, bên phải cổng vào có Đền thờ Bác Hồ và bàn thờ Mười cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc mới được xây dựng.

Năm 2009, Giàn Gừa trở thành khu di tích văn hóa, được đầu tư sửa sang khá nhiều. Ngoài xây hàng rào với 2 tấm bảng chính, còn đắp tượng 2 con kỳ lân màu vàng chói chào đón khách vào cổng; tượng cọp trắng-cọp vàng hầu 2 bên Miếu Bà Cố Hỉ... Dù ở một nơi heo hút nhưng khách từ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TP.HCM đến viếng Giàn Gừa ngày càng đông. Năm ngoái, riêng dịp lễ Quốc khánh 2.9 đã có hơn 2.000 khách đến viếng và đặc biệt là dịp lễ cúng chính,  lượng khách đến dự lên đến hơn 6.000 người, khiến Ban quản lý phải mướn lực lượng bảo vệ trông giữ xe.

Ông Bảy Phước cho biết, bình quân mỗi năm khách thập phương đến cúng khoảng 60-70 triệu đồng. Số tiến này dùng để nâng cấp khu di tích, xây dựng nhà nghỉ cho bà con đến tham quan, cấp tiền cho người nghèo, thanh niên đi nghĩa vụ quân sự... Đây là việc làm hợp đạo lý của Ban quản lý Khu di tích văn hóa Giàn Gừa – một điểm tham quan du lịch sinh thái, một giá trị di sản văn hóa-thiên nhiên độc đáo, ít nơi nào có được. 

Phương Kiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.