Đường cát trắng có độ tinh khiết cao

23/02/2012 08:37 GMT+7

Xin ông cho biết hành vi dùng hóa chất không rõ nguồn gốc để “biến” đường cát trắng thành đường vàng  để bán ra thị trường của ông Lê Văn Thích có vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) không?

Tất nhiên là sai rồi. Vì đây là hành vi sử dụng hóa chất, chất phụ gia không rõ nguồn gốc. Theo Nghị định 45/CP và Nghị định số 06/2008/NĐ-CP, hành vi trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, nếu kiểm tra loại hóa chất trong diện cấm, thì cơ sở sẽ bị phạt bổ sung với hành vi tương ứng. Theo biên bản của đoàn kiểm tra, cơ sở của ông Thích còn vi phạm các nội dung khác như khu vực chế biến, pha trộn, đóng gói sản phẩm rất kém vệ sinh, cơ sở không có hồ sơ đăng ký đủ điều kiện VSATTP, không có công bố chất phụ gia trong quá trình chế biến…Như vậy, cơ sở này có thể bị  xử phạt bổ sung.

Được biết trong quá trình sản xuất, chế biến,  để làm trắng đường cát, nhà sản xuất có dùng một số hóa chất,  như: chất vôi Ca(OH)2, Sodium hyposulfite (Na2S2O4), Sulfur dioxide (SO2), CO2. Các chất này có gây ảnh hưởng sức khỏe và thuộc diện cấm sử dụng không?

Trong công nghệ sản xuất đường, các chất trên được phép sử dụng trong trong công đoạn làm trắng đường từ dịch đường (có màu nâu). Quy trình chế biến này gọi là “phương pháp sulphite hóa”, hoặc “carbonate hóa” để loại bỏ tạp chất và tạo cho sản phẩm có độ tinh khiết cao.  Phương pháp này được chấp nhận theo quy chế hiện hành tại Việt Nam. Với liều lượng hóa chất sử dụng và qua khâu trung hòa, theo quy trình công bố được ngành chức năng cho phép và hóa chất sử dụng là dạng chuyên dùng trong công nghệ thực phẩm (food grade), thì sản phẩm đường thành phẩm không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ông thì vì sao cơ sở của ông Thích lại dùng phẩm màu để nhuộm cho đường cát trắng có màu vàng mà không chọn mua đường vàng để bán?

Đường cát vàng phổ biến trên thị trường bấy lâu nay thực chất là loại đường ly trích cùng nguyên liệu là mía, chưa qua khâu tinh luyện và làm  trắng (độ ẩm, hàm lượng saccharose, vitamine có thể cao hơn một ít và ngọt hơn đường cát trắng trên cùng trọng lượng). Đường vàng thường dùng với mục đích nấu chè, làm bánh. Nếu sản phẩm đường cát vàng được chế biến đúng quy trình, đúng phương pháp thì việc mua bán với mục đích sử dụng trong thực phẩm là bình thường. Trường hợp của ông Thích theo tôi là sự cố ý làm giả; sử dụng phẩm màu không rõ nguồn gốc và có khả năng cho thêm hóa chất (như acid citric…) nên mới bị xem là hành vi sai phạm trong lĩnh vực VSATTP. Có lẽ cơ sở muốn chạy theo thị hiếu tiêu dùng, đó là chưa kể dụng ý làm tăng trọng lượng đường pha chế lại (vì có khả năng phun thêm nước làm tăng độ ẩm, sẽ tăng trọng lượng sản phẩm bán ra).

BS Võ Văn Khiêm, Trưởng phòng Y tế Q.Cái Răng (TP.Cần Thơ)  vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với ông Lê Văn Thích bằng hình thức phạt tiền với số tiền 25 triệu đồng, do các hành vi: kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP do cơ quan có thẩm quyền cấp; kinh doanh thực phẩm có pha màu (không rõ tên, nguồn gốc)… 

Mai Trâm
thực hiện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.