Ca khúc ngày càng “đoản thọ”

23/02/2012 03:29 GMT+7

Xuất hiện trên thị trường vài tháng, thậm chí vài tuần rồi lặn mất tăm, đời sống của ca khúc bây giờ xem ra quá ngắn ngủi.

Xuất hiện trên thị trường vài tháng, thậm chí vài tuần rồi lặn mất tăm, đời sống của ca khúc bây giờ xem ra quá ngắn ngủi. 

Khi âm nhạc chỉ để nhìn

Tất nhiên, thời nào cũng có những sáng tác nhanh chóng bị lãng quên, song với môi trường âm nhạc hiện tại, cũng như trong sự phát triển chung của ngành giải trí, tuổi  thọ của các bài hát dường như ngày càng ngắn đi.

 
Sân chơi Bài hát Việt có đủ sức góp phần kéo dài tuổi thọ ca khúc Việt? - Ảnh: C.T.S

Nói như nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, sau giờ làm việc hoặc học tập, người ta có quá nhiều thú vui để thư giãn, thưởng thức, từ đời sống hiện thực đến thế giới mạng, thì còn thời gian đâu để dành cho việc nghe - suy ngẫm - lắng đọng cùng âm nhạc. Vậy nên, “âm nhạc bây giờ cũng phải chạy theo xu hướng nghe nhanh, chớp nhoáng”, anh nói. Lại thêm văn hóa nhìn đang được ưa chuộng, nghe nhạc (trên sân khấu) gần như chỉ là phụ, nên theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, phần lớn nhạc sĩ trẻ đâu cần đầu tư nhiều cho bài hát. “Mà nếu có đầu tư thì đa số ca sĩ bây giờ cũng không có kỹ thuật tốt, âm vực rộng để hát hay các ca khúc chất lượng” - ông Thiện nói.

Ngày nay, các phòng thu mọc lên như nấm, nên ai cũng có thể sáng tác và biểu diễn. Vì thế, đâu chỉ người viết nhạc ngày càng nhiều, mà ca sĩ tự sáng tác cũng đông để đáp ứng tức thời và hợp thời nhu cầu “xem nhạc” của khán giả. Nếu trước đây, mỗi tháng chỉ có trên dưới 10 ca khúc mới xuất hiện trên thị trường thì bây giờ hầu như tuần nào cũng có album mới của ca sĩ. “Ai sáng tác chẳng muốn ca khúc mình được nhớ lâu, được khán giả yêu thích nhiều, nhưng do tình hình chung trong môi trường âm nhạc bây giờ, chưa kịp nghe xong bài này đã có bài khác xuất hiện, nên tự khắc đời sống ca khúc ngắn lại”, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận - một trong số ít tác giả trẻ đang được yêu thích, chia sẻ.  

Và gắn liền với thảm họa

Nếu trước đây đa số nhạc sĩ sáng tác đều xuất phát từ những rung cảm chân thật, viết để sẻ chia, để lưu giữ ký ức thì bây giờ có vẻ như phần đông các bạn viết theo đặt hàng, viết vì đó là cái nghề, viết để có tên... là chính.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhìn nhận: “Nếu trước đây đa số nhạc sĩ sáng tác đều xuất phát từ những rung cảm chân thật, viết để sẻ chia, để lưu giữ ký ức thì bây giờ có vẻ như phần đông các bạn viết theo đặt hàng, viết vì đó là cái nghề, viết để có tên... là chính. Bởi vậy, ngược với ca từ ngày trước - thường như một bài thơ, nội dung ca khúc bây giờ càng thực tế, trần trụi càng... hot. Dẫu không ít bài có xúc cảm, nhưng hời hợt lắm, chỉ đáp ứng trong khoảnh khắc nào đó”.

“Trong thời buổi nhà nhà sáng tác, người người đi hát thì bài nào dở sẽ tự biến mất” là câu nói quen thuộc của giới nhạc sĩ, ca sĩ khi bàn về chất lượng ca khúc ngày nay. Nhưng vấn đề ở chỗ: khi những ca khúc nhạt, nhảm nhí... này vừa bị quên lãng thì loạt ca khúc nhố nhăng khác lại xuất hiện.

Trong buổi tọa đàm về Nâng cao chất lượng và đời sống âm nhạc Việt đầu tuần qua, ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc phía nam thẳng thắn bày tỏ: “Nếu chúng ta mạnh tay xử lý các trường hợp như kiểu ca khúc mà Phi Thanh Vân hát, thì thị trường âm nhạc sẽ bớt đi những thảm họa”. Tiếc thay, như nhiều người làm nghề bức xúc, khâu quản lý văn hóa của chúng ta còn lỏng lẻo, chưa nghiêm ngặt, nên thị trường âm nhạc sẽ còn sống chung với thảm họa dài dài. Và ai cần âm nhạc để lắng đọng đành phải “ngược thời gian tìm về quá khứ”.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.