Khoa học không xa rời thực tiễn: Từ giải quyết kẹt xe đến giữ trẻ

22/02/2012 03:39 GMT+7

Dù còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều học sinh - sinh viên đã cho ra đời các sản phẩm công nghệ đầy sáng tạo với khả năng ứng dụng cao.

Dù còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều học sinh - sinh viên đã cho ra đời các sản phẩm công nghệ đầy sáng tạo với khả năng ứng dụng cao.

Máy bay quan sát giao thông

Đây là đề tài trong đồ án tốt nghiệp của Dương Ngọc Trí, sinh viên năm cuối ngành cơ điện - điện tử Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM. Sau 3 tháng rưỡi thực hiện, Trí đã chế tạo thành công chiếc máy bay quan sát địa hình. Trí cho biết việc lựa chọn vật liệu để làm các bộ phận của máy bay là công đoạn quan trọng nhất, phải vừa đảm bảo được trọng lượng nhỏ gọn, vừa đảm bảo trọng lực để máy bay cất cánh và hạ cánh an toàn. Từ những nguyên vật liệu như xốp, nhựa cao cấp và thép, Trí đã cho ra đời chiếc máy bay với dáng vóc gọn nhẹ (nặng 800 gr, rộng 108 cm và dài 84 cm).

Trí chia sẻ: “Máy bay này có thể bay ở độ cao tối đa 1.000m, liên tục trong 20 phút. Nếu cải tiến chất lượng pin, thời gian bay có thể dài hơn nữa. Thông qua bộ điều khiển từ xa, máy bay với camera được gắn vào có thể giúp ghi lại không ảnh về những nơi máy bay đi qua theo ý muốn của người điều khiển. Do vậy, máy bay này có thể ứng dụng vào nhiều việc như quan sát và nghiên cứu các loại động vật hoang dã từ xa, quan sát giao thông để tìm giải pháp tránh kẹt xe, hay quan sát các tòa nhà cao tầng trong xử lý hỏa hoạn”.

 
Dương Ngọc Trí bên cạnh chiếc máy bay của mình tại sân thử nghiệm

Niềm đam mê nghiên cứu và sáng tạo máy bay với Trí đã có từ thuở bé. Để có được sản phẩm hoàn chỉnh này, Trí đã tiến hành thử nghiệm qua hơn 40 lần bay thực tế tại quận 2 và quận Bình Tân (TP.HCM). “Trong những chuyến bay đầu, do chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống nên máy bay thường bị rơi ngoài mong muốn, có lần gãy cánh hoặc hư hỏng các bộ phận khác nên phải làm lại gần như toàn bộ. Đến nay, khi sản phẩm gần như hoàn tất, từ khi cất cánh đến hạ cánh, mỗi bước chuyển động của máy bay đều nhẹ nhàng. Mỗi lần như vậy, cảm giác của người lái thật tuyệt!”, Trí phấn khởi bộc bạch về những “clip” ghi hình các lần bay.

Robot chó đốm

 
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải và robot chó đốm - Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

 

Phòng thí nghiệm cơ điện tử ô tô Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng vừa ra mắt sản phẩm robot chó Rudo thông minh, được thực hiện bởi nhóm sinh viên gồm Phạm Thanh Tới, Hồ Huy Huân, Lê Như Thịnh, Võ Xuân Cảnh, Huỳnh Ngọc Tiến Đạt, dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Nguyễn Bá Hải (chủ nhiệm phòng thí nghiệm). Sở dĩ chú chó Rudo có tên gọi là chó đốm bởi bộ lông lốm đốm của nó. Kết quả bước đầu sau quá trình nghiên cứu miệt mài của nhóm, chú chó có chiều dài 75 cm, nặng 5 kg này có khả năng sủa, hát, đọc truyện, nói tiếng Anh, cử động đuôi, đầu, chân…

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải cho biết: “Công dụng lớn nhất của chú chó là giữ nhà, làm bạn với chủ mà đặc biệt là trẻ em, ngoài ra còn được sử dụng như một thiết bị giáo dục nhằm tăng cường sự hứng thú cho người học trong các chuyên đề như sự tương tác giữa người và robot, cơ điện tử ứng dụng, chuyên đề giải thuật và lập trình LabVIEW, đo lường và điều khiển tự động”. Tiến sĩ Hải nhấn mạnh: “Robot Rudo được lập trình bằng LabVIEW với giao diện thân thiện, dễ sử dụng và linh hoạt trong thay đổi các phần mềm giúp robot chó có thể phục vụ nhiều đối tượng trẻ em khác nhau. Sắp tới, nhóm nghiên cứu sẽ ứng dụng các công nghệ cao hơn vào robot này để giúp chó phân biệt giữa chủ nhà và người lạ. Chúng tôi hy vọng phát triển robot thành sản phẩm đồ chơi công nghệ có giá thành rẻ cho trẻ em”.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.