Rò rỉ thông tin chấn động Vatican

19/02/2012 03:59 GMT+7

Dư luận đang xôn xao trước vụ rò rỉ nhiều thông tin mật về Tòa thánh Vatican, bao gồm cả âm mưu ám sát giáo hoàng.

Ngày 18.2, Tòa thánh Vatican tổ chức lễ sắc phong cho 22 hồng y mới. Thông thường, với sự kiện lớn như thế này, không khí tại Vatican sẽ rất phấn khởi nhưng lần này thì không được như thế. Vào thời điểm hiện tại, giới chức Vatican đang đau đầu xử lý và điều tra vụ rò rỉ thông tin gây chấn động từ mấy ngày qua.

Phát ngôn viên của Vatican Federico Lombardi đã chính thức thừa nhận việc rò rỉ thông tin là chuyện có thật. AFP dẫn lời ông Lombardi nói: “Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama chấn động vì WikiLeaks còn chúng tôi thì gặp phải vụ này. Thật đáng buồn khi nhiều tài liệu được truyền ra bên ngoài với ý đồ xấu”. Trên tờ Corriere della Sera, người đứng đầu Hội đồng giáo hoàng cổ vũ hợp nhất Ki tô hữu là Hồng y Walter Kasper cũng chỉ trích mạnh mẽ: “Những kẻ tuồn thông tin ra muốn gây bất ổn và tổn hại hình ảnh của giáo hội”.

Đáng chú ý là Vatican không trực tiếp xác nhận hay bác bỏ về các nội dung rò rỉ mà chỉ kêu gọi dư luận tỉnh táo. Hãng tin ANSA dẫn lời Giáo hoàng Benedict XVI phát biểu: “Giáo hội đang là tâm điểm của rất nhiều cuộc bàn luận hiện nay nhưng đức tin sẽ được giữ vững”.

 
Giáo hoàng Benedict XVI (phải) trong buổi lễ sắc phong hồng y ngày 18.2 - Ảnh: AFP

Từ hối lộ, rửa tiền…

Trong tuần trước, nhiều tờ báo của Ý liên tục đăng tải tài liệu rò rỉ cáo buộc sự quản lý yếu kém khiến xảy ra nhiều vụ tham nhũng, trốn thuế và rửa tiền. Giới truyền thông công bố một bức thư được cho là do Tổng giám mục Carlo Maria Vigano gửi Giáo hoàng Benedict XVI vào năm 2011. Trong đó, ông Vigano cầu xin giáo hoàng tha thứ việc ông dính líu tới một số vụ tham nhũng liên quan tới những hợp đồng tại Vatican. Đến tháng 10.2011, vị này được chuyển làm Đại sứ Vatican tại Mỹ. AP dẫn lời một số chuyên gia cho rằng đây là “hình phạt dành cho ông Vigano”. 

Vào năm 1982 đã xảy ra vụ người đứng đầu Ngân hàng Banco Ambrosiano là Roberto Calvi, từng cố vấn đầu tư cho Vatican, chết trong tình trạng treo cổ tại thủ đô London của Anh. Trước đó, Ngân hàng Banco Ambrosiano sụp đổ vì các khoản cho vay trị giá 1,3 tỉ USD “bỗng dưng biến mất”. Theo kết quả điều tra, bên vay là những công ty “ma” ở Mỹ Latin còn Vatican lại là nơi cung cấp thư bảo lãnh tín dụng cho những khoản vay nói trên. Vì thế, tòa thánh phải trả 250 triệu USD cho các chủ nợ của Ngân hàng Banco Ambrosiano, theo AP. Về cái chết của ông Calvi, một số bằng chứng cho thấy đây là một vụ giết người và 5 phần tử mafia đã bị khởi tố. Tuy nhiên, 5 nghi can được tha bổng và đến nay, vụ án vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời.

Thành quốc Vatican là một lãnh thổ có chủ quyền được thành lập theo Hiệp ước Laterano vào năm 1929 và là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới với diện tích khoảng 0,5 km2, dân số gần 1.000 người, nằm lọt trong thủ đô Rome của Ý. Được xem là trung tâm của Giáo hội Công giáo La Mã, Vatican nằm dưới sự điều hành của một cơ quan trung ương gọi là Giáo triều La Mã với sự ủy quyền của giáo hoàng. Tất cả quan chức cao cấp của nhà nước đều là giáo chức của Giáo hội Công giáo La Mã. Giáo triều gồm Phủ Quốc vụ khanh, 9 Thánh bộ, 3 tòa án, 11 hội đồng và 3 văn phòng hoạt động tương tự cơ chế lập pháp, tư pháp, hành pháp. Vatican sử dụng đồng euro với hệ thống tài chính riêng nhưng công tác quốc phòng do Ý đảm nhiệm. 

Với những gì từng xảy ra trong quá khứ, các thông tin rò rỉ mới nhất về hoạt động tài chính bất minh ở Vatican càng khiến dư luận nghi ngại. Dự kiến vào tháng 6, một ủy ban của châu Âu sẽ đánh giá xem Vatican có tuân thủ các quy định quốc tế về tài chính hay không. Đáp lại, AFP dẫn lời phát ngôn viên Lombardi khẳng định: “Giáo hoàng đã hạ quyết tâm cải thiện quản lý tài chính của Vatican và đảm bảo những ngân hàng ở đây hoạt động đúng thông lệ quốc tế”.

… đến âm mưu ám sát

Hồi tuần trước, nhiều người chấn động khi tờ Telegraph loan tin rằng hồi tháng 11.2011, Hồng y Paolo Romeo, Tổng giám mục giáo phận Palermo của Ý, từng cảnh báo một “nhóm chiến binh bí mật” đã lên kế hoạch sát hại giáo hoàng trong năm 2012. Tờ này dẫn một nguồn tin giấu tên từ Vatican nói khi đó, Hồng y Romeo tuyên bố nếu không có biện pháp ngăn chặn và bảo vệ nghiêm mật, giáo hoàng sẽ gặp nguy hiểm trong vòng 12 tháng tới. Tuy nhiên, các nguồn tin không tiết lộ nghi can là ai và tại sao Hồng y Romeo lại nắm được thông tin này. Tuy nhiên, hồi tuần rồi, khi được các phóng viên đặt câu hỏi về vụ việc, Hồng y Romeo đã phủ nhận ông từng phát biểu như trên và nói đây là chuyện không có cơ sở.

Bên cạnh đó, cũng đang rộ lên tin đồn Giáo hoàng Benedict XVI có thể sẽ thoái vị nếu cảm thấy không thể tiếp tục đảm đương trọng trách. Các nguồn tin rò rỉ còn khẳng định kịch bản kế vị đã được chuẩn bị sẵn. Hồng y Angelo Scola, Tổng giám mục giáo phận Milan, sẽ kế nhiệm nếu giáo hoàng thoái vị hoặc gặp bất trắc gì.

Trả lời về những thông tin này, phát ngôn viên Lombardi nói: “Tôi không có gì để nói vì nó không phải chuyện nghiêm túc”.

Tranh giành nội bộ?

AFP dẫn lời giới quan sát nhận định vụ rò rỉ có thể xuất phát từ cuộc đấu tranh quyền lực đang diễn ra bên trong những bức tường cổ kính của Vatican. Một số chuyên gia còn chỉ đích danh đối tượng “bị đánh” là Hồng y Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone, người Ý. Giữ một trong những cương vị điều hành cao nhất của

Vatican, ông Bertone có vai trò như một thủ tướng và được cho là có ảnh hưởng ngày càng lớn. Có ý kiến cho rằng do tác động của ông Bertone mà có tới 7 vị người Ý được sắc phong hồng y trong ngày 18.2. Hiện nay, trong số 125 hồng y đủ điều kiện tham dự mật nghị bầu giáo hoàng mới sau khi Giáo hoàng Benedict XVI qua đời thì có tới 30 vị người Ý, theo AFP.

Do đó, vụ rò rỉ lần này có thể nhằm hạ uy tín Hồng y Bertone và “phe Ý” khi phơi bày những lùm xùm trong giai đoạn ông điều hành Vatican. Đã xuất hiện nhiều chỉ trích nhằm vào cách quản lý của vị này sau khi xuất hiện các thông tin mật.  

Bên cạnh đó, lùm xùm xảy ra trong bối cảnh Vatican đang đau đầu giải quyết các cáo buộc giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em bùng phát từ năm 2010 với hàng ngàn nạn nhân tại nhiều nước. AFP dẫn lời Hồng y Walter Kasper chỉ trích rằng dù với động cơ gì thì những người tuồn thông tin mật đã làm ảnh hưởng đến nỗ lực của giáo hoàng nhằm khôi phục lại kỷ cương và hình ảnh cho giáo hội. “Có thể họ muốn tấn công Hồng y Quốc vụ khanh và một số vị khác. Nhưng hành vi này đã làm tổn hại nỗ lực củng cố sự minh bạch trong tòa thánh. Bản thân giáo hoàng rất khổ tâm vì vụ rò rỉ. Ngài không bao giờ dính líu tới những cuộc đấu đá như thế này”, ông nói.

Chuyên gia Sandro Magister nhận định với AFP rằng vụ việc cho thấy giáo hoàng “đang cô đơn vì những giáo chức cấp cao không thể hiểu hết suy nghĩ và tư tưởng của ngài”. Trong khi đó, Tổng biên tập Giovanni Maria Vian của tờ Osservatore Romano, được xem là cơ quan ngôn luận của giáo hoàng, viết trong bài xã luận mới đây: “Giáo hoàng là một người chăn chiên kiên định không bao giờ lùi bước trước bọn sói. Ngài sẽ loại bỏ những hành vi sai trái”.

Hoàng Đình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.