Giải đáp thắc mắc về khối thi mới

18/02/2012 03:57 GMT+7

Sáng 17.2, chương trình Tư vấn mùa thi (TVMT) của Báo Thanh Niên được truyền hình trực tiếp đến hàng ngàn học sinh khối 12 tại Ninh Thuận và các tỉnh lân cận.


HS Ninh Thuận trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng ban quản lý Nhà máy dự án điện hạt nhân tỉnh về nhu cầu đào tạo nhân lực địa phương - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

A1 có thay thế A?

Với nhiều đổi mới trong tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, học sinh (HS) tập trung những thắc mắc về cách nộp hồ sơ, khối thi, việc làm sau khi tốt nghiệp… Phần lớn HS đều băn khoăn về việc thêm khối thi A1 trong năm nay.

Báo Thanh Niên cảm ơn Ban quản lý dự án nhà máy điện hạt nhân trao tặng 500 cuốn Cẩm nang tuyển sinh của Báo Thanh Niên cho HS và 2 suất học bổng trị giá 5 triệu đồng, Trường ĐH Lạc Hồng tặng 2 suất học bổng (mỗi suất 2,5 triệu đồng) trong chương trình TVMT tại Ninh Thuận; Công ty cổ phần vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang đã hỗ trợ đưa đón đoàn tư vấn đi các tỉnh.

Một HS Trường THPT Tháp Chàm thắc mắc: “Khối A1 thi vào đợt nào và có thay thế khối A? Việc xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 và 3 năm nay như thế nào?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, lưu ý: “Bộ GD-ĐT bổ sung khối thi A1 gồm các môn toán, lý và Anh văn, thi cùng đợt với khối A và khối V (đợt 1) và không thay thế cho khối A”.

Về việc xét tuyển các NV, thạc sĩ Vũ nhấn mạnh: “Các năm trước xét NV2, 3 có giới hạn về thời gian và thủ tục làm hồ sơ, năm nay không giới hạn thành 2 đợt mà chỉ tạm gọi là xét tuyển sau khi trúng tuyển NV1, xét bao nhiêu đợt, thời gian như thế nào phụ thuộc vào các trường còn chỉ tiêu hay không. Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc thí sinh nộp bản sao hay bản gốc phiếu báo điểm”.

Các tiêu chí chọn ngành nghề

Trả lời những thắc mắc về việc làm sau khi tốt nghiệp, thạc sĩ Nguyễn Thanh Ký, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, cho lời khuyên: “Các em băn khoăn không biết chọn ngành nghề, bậc học nào để thi. Trước tiên, các em phải yêu thích ngành nghề mà mình đã chọn vì nó gắn với mình cả cuộc đời. Sau đó, chọn trường nào phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của gia đình, của bản thân, đồng thời chọn một bậc học vừa sức. Các em nên nhớ không phải chỉ có một con đường để đạt mục tiêu. Trúng tuyển ĐH chưa phải là tất cả, đó chỉ là sự khởi đầu. Trong quá trình học, các em phải nỗ lực nắm vững kiến thức, trang bị các kỹ năng mềm và ngoại ngữ, tin học. Khi có đầy đủ những điều này, các em sẽ tự tin được tuyển dụng. Sự thành công trong tương lai không phụ thuộc vào điểm xuất phát mà phụ thuộc vào sự phấn đấu vươn lên của mỗi người”.

Sáng nay 18.2, khoảng 700 HS khối 12 Trường THPT Nguyễn Du và THPT Trường Chinh tham gia chương trình “Chuyên gia đến lớp”. Những băn khoăn, thắc mắc cụ thể hơn về các ngành nghề, học phí, học bổng, chương trình học, cơ hội việc làm… sẽ được các chuyên gia đến từ 25 trường ĐH-CĐ giải đáp chi tiết.

Ngày 19.2, chương trình truyền hình trực tiếp TVMT sẽ diễn ra tại Trường THPT Đức Trọng (thị trấn Liên Nghĩa, H.Đức Trọng, Lâm Đồng). Tại đây, hơn 20 gian hàng với những thông tin cụ thể về ngành nghề của từng trường học sẽ được trưng bày.

Bên cạnh gần 30 đại diện đến từ các trường ĐH-CĐ khu vực TP.HCM và Đồng Nai, còn có 2 trường địa phương là ĐH Đà Lạt và ĐH Yersin.

Hằng năm, lượng hồ sơ dự thi của riêng khối ngành kinh tế chiếm tới hơn 40%, tập trung chủ yếu vào các ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán. Các chuyên gia tư vấn khuyên HS, bất cứ ngành nghề nào trong xã hội tại bất cứ thời điểm nào cũng rất cần những lao động giỏi chuyên môn, kỹ năng và có chí phấn đấu. Vì vậy, nên cân nhắc lựa chọn ngành để thi dựa trên nhiều yếu tố chứ không nên chạy theo trào lưu.

Cần nhiều nhân lực điện hạt nhân

Có mặt tại chương trình, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng ban quản lý Nhà máy dự án điện hạt nhân tỉnh Ninh Thuận, cung cấp thông tin: “Chính phủ Việt Nam đã ký kết với Liên bang Nga đào tạo kỹ sư tài năng điện hạt nhân. Dự kiến đến năm 2020, chúng ta cần 2.500 nhân lực để vận hành nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Trong đó, tỷ lệ trình độ ĐH trở lên là 34%, CĐ khoảng 30%, còn lại là trình độ trung cấp. Đồng thời, cần 43% nhân lực về điện hạt nhân, 30% về nhiệt điện, các ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông… chiếm gần 30%”.

Ông Hùng cho biết thêm, thí sinh có điểm trung bình 3 năm học THPT từ 7 trở lên, dự thi ĐH khối A từ 19 điểm là những tiêu chí xét tuyển vào học.

Cũng liên quan đến nhu cầu nhân lực tại địa phương, ông Nguyễn Đức Hoài, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT Ninh Thuận, nhấn mạnh: “Từ năm 2009 đến năm 2013, để giải quyết tình trạng thiếu y bác sĩ nghiêm trọng cho tỉnh nhà, mỗi năm tỉnh tuyển 20 chỉ tiêu đào tạo dược sĩ, bác sĩ theo địa chỉ sử dụng dành cho các em có hộ khẩu trong tỉnh dự thi khối B vào ĐH Y Dược TP.HCM, có điểm thi cận kề với điểm trúng tuyển. Các em sẽ được đài thọ toàn bộ học phí và phụ cấp 50%”.

 Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.