Dừng thành lập khu công nghiệp mới

18/02/2012 03:38 GMT+7

Quá ít dự án lớn, xứng tầm có hàm lượng công nghệ cao; môi trường đầu tư thiếu thông thoáng, chất lượng lao động thấp, thủ tục đầu tư còn rườm rà... là những rào cản khiến “3 khu” (khu kinh tế, khu chế xuất và khu công nghiệp) phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng.

 
Thu hút nhiều hơn các dự án công nghệ cao là mục tiêu các địa phương đang hướng đến trong phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế - ảnh: Ngọc Thắng

Đó là nhận định của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khi chủ trì Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT), do Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức hôm qua (17.2) ở Hà Nội. Trước đó, Phó thủ tướng đánh giá cao nỗ lực các bộ ngành, địa phương khi trong 20 năm qua đã thành lập được 283 KCN, thu hút 86 tỉ USD nguồn vốn trong nước và nước ngoài, qua đó đóng góp vào 23% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách 5,9 tỉ USD và giải quyết việc làm cho khoảng 1,76 triệu lao động. Tuy nhiên, nếu nhìn vào giá trị của 1 ha đất, các khu này chỉ mang lại bình quân 3,5 triệu USD/năm, theo Phó thủ tướng vẫn còn quá thấp. Đó là chưa kể, hàng loạt các vấn đề khác như người lao động, công nhân còn đang sống tạm bợ tại các nhà dân ngoài KCN, chỉ có 140.000 lao động được đáp ứng nhu cầu nhà ở…

Lắng nghe “hơi thở” của DN

Kinh nghiệm cho thấy, địa phương nào thu hút được nhiều dự án lớn, thành công, đều do cải cách thủ tục hành chính tốt nhất

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải

Có quá nhiều nguyên nhân khiến “3 khu” chưa phát triển xứng với tiềm năng, nhưng quan trọng nhất do khâu thủ tục hành chính. “Kinh nghiệm cho thấy, địa phương nào thu hút được nhiều dự án lớn, thành công, đều do cải cách thủ tục hành chính tốt nhất”, Phó thủ tướng nói.

Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty phát triển KCN (Sonadezi) Đồng Nai Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng các nhà đầu tư (NĐT) hiện nay ngại vào “3 khu” do chính sách về thuế, đất, điện nước… không còn ưu đãi như giai đoạn trước. Các nước khác có chính sách ưu đãi hơn nên dòng vốn FDI và các dự án lớn đang có xu hướng dịch chuyển sang những quốc gia này. Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý rằng hiện chính sách của nhà nước vẫn có ưu đãi, nhưng do Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ưu đãi theo mô hình cũ không còn nhiều, nhưng so với các nước thì vẫn không ít hơn. “Tôi không võ đoán, nhưng nhìn lại để thấy rằng, quan trọng vẫn là thủ tục hành chính. Chúng ta phải đi sát với NĐT, cùng họ triển khai dự án, gỡ khó từng việc cụ thể mới có thể cùng nhau thành công”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

 Để làm được điều đó, không có gì khác là lãnh đạo địa phương phải trăn trở lăn lộn với từng dự án, phối hợp với bộ, ngành gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) trong từng dự án cụ thể. Dẫn ví dụ dự án “khủng” của Samsung tại Bắc Ninh, Phó thủ tướng cho biết khi tập đoàn này xin đầu tư, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương phải ngồi cùng Bắc Ninh để gỡ từng nút thắt về thuế, hải quan, lao động… mới đáp ứng được vòng quay sản xuất - kinh doanh nhanh của NĐT; mới lấy được các dự án lớn có hàm lượng công nghệ mang lại giá trị cao 40 triệu USD/ha/năm, thậm chí 100 triệu USD/ha/năm chứ không phải 3,5 triệu USD/ha/năm.

Hay như Nhà máy lắp ráp ô tô Trường Hải tại Quảng Nam, giai đoạn 1 lắp ráp 25.000 động cơ và giai đoạn 2 là 50.000 động cơ. Với quy mô lớn như vậy, một mình Quảng Nam không giải quyết được, cần thiết thì mời cả Thủ tướng, Phó thủ tướng tháo gỡ, làm sao để đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của NĐT. “Các bộ, ngành phối hợp địa phương, chứ không phải dự án của DN, địa phương cho đất, ưu đãi hạ tầng là xong. Phải nghe từng hơi thở, giúp và chia sẻ với DN”, Phó thủ tướng nói.

Ông cũng chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải nhanh chóng làm đầu mối, nghiên cứu thành lập một ban chỉ đạo cấp bộ hoặc Chính phủ, 6 tháng họp 1 lần, xử lý từng việc đang vướng mắc ở những dự án lớn. Cần nghiên cứu sửa Nghị định 29, 124, rà soát lại các chính sách ưu đãi trong điều kiện khủng hoảng, nền kinh tế trong và ngoài nước khó khăn. Theo Phó thủ tướng, sắp tới Chính phủ ban hành một chỉ thị để chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, KKT, KCX.

Giải quyết nhà ở cho công nhân

Liên quan đến công tác quy hoạch các KCN, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết mục tiêu trước mắt các địa phương phải rà soát lại các quy hoạch cũ, tạm dừng phát triển các khu mới nếu chưa lấp đầy với tỷ lệ 65%, tránh tình trạng cứ vẽ ra nhiều KCN nhưng đất bỏ trống, không hiệu quả. Đặc biệt, ông nhắc lại chỉ tiêu giữ 3,8 triệu ha đất lúa, yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm túc. Tới đây, Chính phủ sẽ ra một nghị định để quản lý riêng, trong đó 3,2 triệu ha đất trồng lúa được quản lý liên ngành. Về 100 KCN đã có quyết định, đang trong quá trình xây dựng, giải phóng mặt bằng phải tiếp tục đầu tư, không được để dở dang, làm sao đến 2015 lấp đầy được 70%, năm 2020 phải hoàn chỉnh toàn bộ kết cấu hạ tầng.

Đối với vấn đề công nhân, lao động sống tạm bợ, thiếu thốn tại các KCN, Phó thủ tướng cho biết mục tiêu đến 2015 phải cơ bản giải quyết hết tình trạng thiếu nhà ở và hạ tầng xã hội thiết yếu. Hiện nay, nhà ở công nhân mới có 27 dự án, tổng vốn 3.000 tỉ đồng, mới giải quyết được cho 140.000 công nhân. Số còn lại vẫn phải sống tại nhà dân xung quanh các KCN.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.