Sân chim giữa lòng thành phố

17/02/2012 14:40 GMT+7

Có thể nói đây là sân chim độc nhất vô nhị ở Việt Nam khi tọa lạc giữa một hòn đảo ngay trong lòng TP.Thanh Hoá.

Đáng ngạc nhiên là nằm ngay giữa một thành phố mà sân chim này không mấy người biết đến. Đó là một hồ nước nằm trong khu du lịch sinh thái hồ Quai Vạc, trong một khu dân cư đông đúc và sát ngay Trường đại học Hồng Đức và khu đô thị Đông Phát. Giữa hồ nước này, có rất nhiều cò về trú ngụ trên những lùm tre.

Người “cai quản” khu du lịch sinh thái tên là Nguyễn Trọng Hiền, 44 tuổi, nhìn bề ngoài khá giống lực sĩ Phạm Văn Mách, từ chiều cao, dáng đi và những đường gân, thớ thịt!

Anh Hiền kể: “Mặc dù nằm trong TP.Thanh Hoá, nhưng năm 1996, khi tôi nhận khai hoang, phục hoá địa điểm này để làm khu sinh thái, ai cũng bảo không thành công. Trước tôi, đã có hai hộ nhận thầu, nhưng đều thất bại. Ngày xưa làm gì có hồ như bây giờ, tôi phải be bờ tát nước, nạo vét ao chuôm, cải tạo môi sinh, tốn bao nhiêu công của mới được thế này!".

Theo các bô lão sống quanh khu vực, trước kia, ở đây có nhiều chim cò trú ngụ. Nhưng sau khi người Pháp làm sân bay Lai Thành, rồi qua hai cuộc chiến tranh, chim chóc bay đi hết.

“Khi tôi cải tạo xong, cơ sở đi vào sản xuất kinh doanh, ngày ngày nhìn ra giữa hồ tôi thấy có một số loài chim về đỗ trên những bụi tre. Tôi chợt nghĩ đến chuyện của các cụ, bèn nghĩ cách “dụ” chim về sống”. Anh Hiền cho biết.

Diện tích toàn bộ hồ nước trên 3,5 ha, có một ha là gò đất với nhiều bụi tre mọc. Anh Hiền giữ lại “hòn đảo” giữa hồ để chim về trú ngụ.

“Lực sĩ” này cho biết, tất cả những người làm phải giữ gìn an ninh trật tự cho… đàn chim, nhất là không cho bất cứ ai vào săn bắn.

Ngày qua ngày, năm qua năm, chim về ngày càng nhiều. Từ chỗ chỉ vài chục con kể từ ngày đầu bắt tay khai khẩn, đến thời điểm này đã có cả vạn con chim gồm vạc, diệc, sáo sậu, cu gáy, vịt trời, chích choè… nhiều nhất là cò.

Một nhân viên bảo vệ trong khu du lịch cho biết, như đã thành quy luật, khoảng 17 giờ mỗi ngày, những đàn cò đi kiếm ăn ở các vùng lân cận lại bay về chao lượn trên mặt hồ rồi nhẹ nhàng đỗ xuống những lùm tre.

Gặp chúng tôi đang chụp ảnh đàn cò, một du khách đến từ Hà Nội cao hứng nói như đọc thơ: “Ngồi trong những căn nhà sàn trên mặt hồ thưởng thức ẩm thực xứ Thanh, ngắm nhìn từng đàn chim bay về đẹp như tranh vẽ mà lòng thanh thản lạ thường”.

Nhìn những đàn cò hàng nghìn con chớp đôi cánh trắng từ đâu bay về, tôi cảm thấy sự lãng mạn của ông khách nọ không hề vô lý. Tiếc rằng trong một ngày trời mưa mù, chúng tôi không thể chụp được những bức ảnh như ý.

Dẫn chúng tôi đi tìm các góc độ để ghi hình đảo cò, anh Hiền tâm sự: “Sắp tới em tiếp tục đào đắp, cạp thêm đất, trồng thêm tre và nhiều loại cây xanh khác trên đảo để cò vạc cũng như các loại chim khác về nhiều hơn nữa. Tâm nguyện của em là biến khu sinh thái này trở thành nơi thư giãn của người dân TP.Thanh Hóa và du khách thập phương. Mặt hồ này, hòn đảo này, em muốn nó trở thành “ngôi nhà” của nhiều loài chim giữa lòng thành phố”.          

Cao Ngọ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.