Nóng bỏng bầu cử tổng thống Pháp

17/02/2012 03:21 GMT+7

Cuộc đua giành ghế chủ nhân Điện Élysée cho nhiệm kỳ 2012-2017 tuy mới bắt đầu nhưng đã rất sôi nổi và quyết liệt. 

Trong buổi phỏng vấn truyền hình trực tiếp trên Đài TF1 tối 15.2, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chính thức tuyên bố tham gia tranh cử cho nhiệm kỳ 2. Còn khoảng 2 tháng là đến vòng bầu cử thứ nhất nhưng tình hình vẫn đang rất bất lợi với ông Sarkozy. Theo kết quả thăm dò đăng trên tờ Les Echos, ứng viên François Hollande của đảng Xã hội tiếp tục dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ tại vòng 1 là 29,5%. Ông Sarkozy xếp thứ hai với 25,5%.

 
Ông Sarkozy (phải) đang thất thế trước ông Hollande - Ảnh: Reuters

Đảng Xã hội vững tiến

Khủng hoảng kinh tế cùng với những cải cách không được lòng dân, như thay đổi độ tuổi hưu trí và nhiều vụ bê bối liên quan đến các cộng sự thân tín, khiến tỷ lệ ủng hộ ông Sarkozy “rơi tự do”. Ở vị trí đối lập, đương nhiên ông Hollande được dịp thể hiện quan điểm và thu hút sự chú ý của cử tri.

Tiếp đó, phải thừa nhận đảng Xã hội đã rất biết dùng lợi thế nói trên làm đòn bẩy, từ đó xây dựng một chương trình tranh cử bài bản và có sức thuyết phục. Theo đánh giá của các nhà báo Pháp, ứng viên đảng Xã hội đã chứng tỏ hình ảnh rất khác với những lời nhận xét trước đây. Nhiều người từng cho rằng ông không quyết đoán, mờ nhạt và chỉ giỏi đợi thời cơ. Tuy nhiên, tại các buổi mít tinh, ông đã thuyết phục hàng ngàn cử tri với nhiều luận cứ vững chắc, những lời phê bình sắc sảo. Ngoài ra, ông Hollande còn khẳng định được lập trường của một chính trị gia cánh tả khi bàn về các vấn đề bình đẳng, luật pháp, tách biệt tôn giáo và chính trị…

Vào ngày 26.1, ông Hollande từng bước thu phục niềm tin của cử tri toàn quốc khi công bố cương lĩnh tranh cử và tranh luận trực tiếp với Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé thuộc đảng cầm quyền UMP trên Đài France 2. Bị chê là “thiếu kinh nghiệm làm quan lớn” vì chỉ mới kinh qua 2 vị trí đáng kể là lãnh đạo đảng Xã hội và điều hành Hội đồng tỉnh Corrèze, ông Hollande đã tỏ ra rất bản lĩnh. Ông “ăn miếng trả miếng” ngang cơ trước đối thủ Juppé, vốn nhẵn mặt chính trường nhờ từng giữ chức vụ thủ tướng và nắm nhiều bộ quan trọng.

Một điểm nhấn quan trọng làm tăng uy tín cho ứng viên đảng Xã hội là cương lĩnh tranh cử với mục tiêu chủ đạo khôi phục kinh tế Pháp qua nhiều biện pháp như thay đổi một số chính sách thuế; tăng tính cạnh tranh cho các công ty của Pháp để đẩy mạnh xuất khẩu; tăng thêm 150.000 việc làm. Về mặt xã hội, ông Hollande cho biết sẽ xem xét lại chính sách hưu trí ngay từ hè 2012, cải cách y tế như giảm giá dược phẩm và thay đổi viện phí, tăng thêm 60.000 việc làm cho ngành giáo dục… 

UMP xác định chiến lược

Trước tình hình không mấy khả quan, Tổng thống Nicolas Sarkozy quyết định hoãn binh và đợi “nước tới chân” mới chính thức tuyên bố tranh cử. Để làm dịu sự bất bình của dân chúng trong thời điểm kinh tế đang u ám, Tổng thống Pháp tập trung “xây dựng thương hiệu” về mặt đối ngoại. Ông tích cực gửi quân tham gia không kích Libya và hăng hái đưa ra giải pháp nhằm kiểm soát khủng hoảng tại Syria.

Trong tuần qua, theo Le Monde, tại cuộc họp với lãnh đạo chủ chốt của đảng UMP, ông Sarkozy đưa ra định hướng cho chiến dịch vận động: Tập trung thể hiện các giá trị của cánh hữu nhằm đưa cuộc đua trở về truyền thống tả - hữu như trước đây. Năm 2007, với tỷ lệ ủng hộ tăng cao của ứng viên theo đường lối trung dung François Bayrou, truyền thống này đã bị ảnh hưởng đôi chút. Năm nay, sự ủng hộ dành cho ông Bayrou đã giảm đáng kể, chỉ trên dưới 10%. Ngoài ra, Tổng thống Pháp còn khẳng định hình ảnh “nhà cải cách” khi tuyên bố cùng lúc 3 kế hoạch quan trọng trong buổi phỏng vấn truyền hình trực tiếp vừa qua: lập thuế giao dịch tài chính, tăng thuế VAT (còn được gọi là “VAT xã hội”) và tăng thuế xây dựng. Trong số này, kế hoạch VAT xã hội đang bị phần lớn dân Pháp phản đối gay gắt.

Trả lời phỏng vấn tờ Figaro Magazine, ông Sarkozy cho biết nếu tái đắc cử, ông sẽ đề nghị một số cải cách quan trọng khác. Trong đó, ông sẽ cho trưng cầu dân ý về cải cách trợ cấp dành cho người thất nghiệp với các chương trình đào tạo bắt buộc để chuyển hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, tuyên bố này bị cho là chỉ nhằm thu hút cử tri vì bản thân ông không mấy mặn mà với giải pháp này.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.