Biện pháp ngăn chặn thẻ ATM giả

17/02/2012 03:04 GMT+7

Báo Thanh Niên ngày 16.2 có bản tin về việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa bắt quả tang 2 người đàn ông nước ngoài dùng thẻ ATM giả để rút tiền tại TP.HCM. Rất nhiều bạn đọc quan tâm đến thông tin này.

Báo Thanh Niên ngày 16.2 có bản tin về việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa bắt quả tang 2 người đàn ông nước ngoài dùng thẻ ATM giả để rút tiền tại TP.HCM. Rất nhiều bạn đọc quan tâm đến thông tin này.

 
Nên dùng tay che bàn phím khi thao tác rút tiền - Ảnh: Hải Nam

Không khó để làm giả

Ông Nguyễn Quang Toản, Giám đốc Trung tâm thẻ ngân hàng Nam Việt (Navibank), cho biết: “Hiện nay, thẻ ATM hầu hết đều là thẻ từ. Thẻ từ làm bằng nhựa, trên có gắn một dải từ tính lưu trữ thông tin của chủ thẻ và ngân hàng cấp thẻ. Tội phạm dùng thẻ ATM giả để rút tiền xuất hiện từ rất lâu, đặc biệt phổ biến ở các nước có sử dụng thẻ từ bởi làm giả thẻ từ không khó. Vấn đề là làm sao lấy được thông tin số thẻ, ngân hàng phát hành, thông tin chủ thẻ, mật khẩu (mã pin) của chủ thẻ”.

Cách làm phổ biến của nhóm tội phạm này là dùng camera để ăn cắp mật khẩu và dùng thiết bị điện tử đặt vào khe đọc thẻ từ của máy ATM để lấy cắp thông tin chủ thẻ. Sau khi có các thông tin, tội phạm tiến hành sao chép những thông tin đó lên những phôi thẻ trắng. Sau đó, dùng thẻ này và mật khẩu đã biết được của khách hàng để truy cập.

Khi tiến hành giao dịch, nếu thông tin khách hàng, mật khẩu truy cập tương thích, máy ATM sẽ chấp nhận và tội phạm dễ dàng rút tiền.  

Bảo vệ ra sao?

Hiện nay, để đối phó với việc làm giả ATM, về phía ngân hàng, bên cạnh việc lắp đặt camera theo dõi, lắp thiết bị chống ăn cắp thông tin (anti-skimming), các ngân hàng còn tăng cường kiểm tra các buồng ATM mỗi ngày để kịp thời phát hiện tội phạm lắp đặt camera hay vi mạch điện tử ăn cắp thông tin, mật khẩu của khách.

Cũng theo ông Toản, về phía chủ thẻ ATM thì hơn ai hết nên đề cao cảnh giác, luôn có ý thức bảo vệ tài khoản. Trước khi rút tiền tại máy ATM, nên quan sát xem trên máy có những dấu hiệu bất thường nào như vệt băng dính, vết keo dán… hay không. Quan sát xem có camera nào hướng chéo về phía bàn phím không (camera của ngân hàng đặt tại các buồng ATM đều đặt trên cao, trực diện với người rút tiền hoặc để ẩn).

 Nếu thấy có dấu hiệu bất thường thì không nên giao dịch tại buồng ATM đó. Nên giữ lại biên lai giao dịch cho đến khi so sánh đối chiếu với biên lai sao kê, không nên bỏ biên lai giao dịch lại buồng ATM như nhiều người vẫn làm. Khi nhập mật khẩu, nên lấy tay hoặc dùng giấy che bàn phím nhằm tránh tình trạng bị lấy cắp mật khẩu. Ngoài ra, nên sử dụng dịch vụ SMS banking của ngân hàng để nhận được tin nhắn tức thời tới điện thoại di động khi có biến động từ tài khoản của mình.

Qua đó, chủ thẻ sẽ sớm phát hiện bất thường và báo ngân hàng khóa thẻ ngay để bảo vệ tài sản. Nên thay đổi mật khẩu thường xuyên, ít nhất là 3 tháng một lần. Lưu ý là không nên dùng mật khẩu bằng dãy số dễ suy đoán như ngày sinh, số chứng minh nhân dân.

Ngoài các biện pháp trên, để đối phó với tình trạng đánh cắp thông tin khách hàng, hiện một số ngân hàng lớn tại Việt Nam đã phát hành thẻ ATM có gắn chip để chống lại việc sao chép thông tin từ thẻ. Khách hàng cũng nên đổi sang loại thẻ này vì nó có khả năng bảo mật cao hơn, một cán bộ quản lý thẻ của một ngân hàng cho biết.

Thanh Đông - Hải Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.