Từ năm 2016 không thi theo khối

14/02/2012 10:40 GMT+7

(TNO) Sáng nay 14.2, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH - CĐ. Tại đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã tổng kết những vấn đề đổi mới quản lý giáo dục năm 2011 và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2012.

Thứ trưởng cho biết, dự kiến lộ trình đổi mới tuyển sinh như sau: từ nay đến 2015 tiếp tục giữ ổn định công tác tuyển sinh theo giải pháp 3 chung. Tuy nhiên sẽ tiếp tục có điều chỉnh, bổ sung khối thi, tổ hợp khối xét tuyển, tạo sự linh hoạt cho các trường và nhiều cơ hội thuận lợi cho thí sinh.


Ảnh: Ngọc Thắng

Từ năm 2016 - 2019, các trường sẽ tổ chức thi tuyển sinh một đợt nhiều môn, trong đó có 2 môn công cụ bắt buộc (toán, ngữ văn) và các môn tự chọn; các trường quy định tổ hợp các môn thi để xét tuyển theo từng ngành đào tạo, không thi theo khối.

Từ năm 2020 trở đi, khi luật giáo dục đã đi vào cuộc sống, sự phân tầng ĐH đã được thực hiện và công tác kiểm định đi vào nền nếp, việc thi tuyển sinh chỉ còn diễn ra ở các ĐH tốp đầu, các trường ĐH theo định hướng nghiên cứu. Tất cả các trường còn lại sẽ xét tuyển dựa trên kết quả học tập phổ thông.

Gần 100 trường ĐH, CĐ chưa xác định đúng chỉ tiêu tuyển sinh

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, cho đến nay, Bộ đã nhận được đăng ký chỉ tiêu của 133/176 trường ĐH, 152/ 212 trường CĐ. Kết quả tổng hợp thấy có 55 trường ĐH và 39 trường CĐ đăng ký vượt qua năng lực thực tế của trường vì vậy sau hội nghị này các trường cần khẩn trương rà soát lại chỉ tiêu tuyển sinh 2012 đã đăng ký.

Đối với những trường hợp đặc biệt, cơ sở đào tạo cần nêu những biện pháp khắc phục và đề xuất các phương án đảm bảo chất lượng trong năm 2012 và các năm tiếp theo. Bộ GD-ĐT sẽ xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể.

Kỳ thi tuyển sinh năm 2012 vẫn giữ ổn định theo giải pháp 3 chung như năm trước, nhưng có 6 dự kiến đổi mới.

Thứ nhất, tuyển thẳng đối với học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Trong đó, tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia đạt giải nhất, nhì, ba vào ĐH và giải khuyến khích vào CĐ các ngành đúng hoặc ngành gần theo môn học sinh đạt giải; học sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng hoặc không đăng ký vào học đúng nhóm ngành theo môn đạt giải, nếu dự thi ĐH, CĐ thì được ưu tiên theo hướng dự đủ số môn quy định, kết quả thi đạt điểm sàn ĐH trở lên, không có môn nào điểm 0 thì được xét tuyển vào ĐH; dự thi đủ số môn quy định, kết quả từ điểm sàn cao đẳng đến dưới điểm sàn ĐH không có môn nào điểm 0, thì được tuyển thẳng CĐ.

Thứ hai, bổ sung khối thi A1 (toán, lý, tiếng Anh) trong kỳ thi tuyển sinh 2012 ngoài các khối thi truyền thống A, B, C, D...

Để bảo đảm sự ổn định của các trường tuyển sinh theo khối thi truyền thống và không ảnh hưởng đến việc học tập, định hướng ôn tập của học sinh trong 3 năm học THPT, Bộ yêu cầu các trường vẫn tuyển sinh theo các khối thi của từng ngành đào tạo như những năm trước và có thể bổ sung thêm khối A1 nếu thấy cần thiết và phù hợp với từng ngành đào tạo.

Thứ ba, điều chỉnh lịch thi: kỳ thi vẫn tổ chức theo phương thức 3 chung vào các ngày thứ 7, CN, 3 tuần đầu tháng 7.

Cụ thể như sau: đợt 1 ngày 7 - 8.7, thi khối A, A1, V; đợt 2 ngày 14 - 15.7, thi các khối B, C D và năng khiếu; đợt 3 ngày 21 - 22.7, thi CĐ tất cả các khối như năm 2011.

Thứ tư, bố sung thêm cụm thi Hải Phòng và cho phép thí sinh dự thi tại cụm Vinh đăng ký học các trường ĐH đóng tại TP.HCM.

Thứ năm, giao cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển. Căn cứ điểm sàn không nhân hệ số, chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển.

Điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn. Không quy định số nguyện vọng, thời gian xét tuyển; không quy định điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn đợt trước.

Sau khi xét tuyển và triệu tập TS trúng tuyển nhập học đối với TS đăng ký dự thi vào trường, nếu còn chỉ tiêu các trường công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các thông tin đại chúng khác về điều kiện xét tuyển.

Hằng năm chậm nhất là 31.12 các trường phải báo cáo về Bộ kết quả tuyển sinh, kết quả thực hiện chỉ tiêu của năm. Sau thời điểm báo cáo, nếu các trường vẫn chưa tuyển hết chỉ tiêu đã xác định, nhất là các trường đào tạo theo học chế tín chỉ có thể tiếp tục tuyển sinh .

Thứ sáu là Bộ không in cuốn Những điều cần biết như những năm trước, các thông tin tuyển sinh các trường công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện truyền thông.


Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, có một số nội dung chưa được Bộ GD-ĐT đề cập.

Thứ nhất là việc mất cân đối trong tuyển sinh. Qua tuyển sinh những năm qua có hơn 40% thí sinh thi vào ngành kế toán, tài chính ngân hàng. Như vậy có cần điều chỉnh không, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh có tiếp tục làm mất cân đối không...

Thứ hai, chưa thấy báo cáo về đổi mới quản lý tài chính. Yêu cầu về tăng học phí thì tăng chất lượng như thế nào. Quốc hội chấp nhận tăng học phí thì chất lượng giáo dục tăng đến đâu? Việc kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, các báo cáo chưa đề cập.

Đặc biệt, việc thực hiện công khai của các trường đến đâu, có tác dụng gì, kết quả ra sao chưa thấy báo cáo. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng giáo viên đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đến năm 2014 phải chấm dứt tình trạng ĐH dạy ĐH có làm được không?

Trong buổi sáng, các trường ĐH đã thảo luận những vấn đề mà Bộ GD-ĐT và Phó Thủ tướng đã đề cập.

Đa số ý kiến đã nhất trí với nội dung đổi mới về kỳ thi tuyển sinh năm nay và lộ trình đổi mới đến năm 2020.

Riêng việc Bộ không in cuốn Những điều cần biết thì còn chưa nhận được sự đồng thuận của các trường do lo lắng thí sinh ở vùng sâu vùng xa sẽ gặp khó khăn.

Vũ Thơ

>> Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012: Thay đổi mã ngành, dễ mắc sai sót
>> Cân nhắc lựa chọn trường vừa sức
>> Tuyển sinh ĐH-CĐ: Đến 2015 vẫn theo “3 chung”
>> Thông tin mới nhất về tuyển sinh đại học
>> Bộ GD-ĐT không in tài liệu ''Những điều cần biết về tuyển sinh'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.