Các trường vẫn e dè khi được “cởi trói”

14/02/2012 16:27 GMT+7

(TNO) Tại Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ sáng 14.2, nhiều ý kiến của các trường đã góp ý cho những dự kiến đổi mới của công tác tuyển sinh ĐH, CĐ bắt đầu từ năm nay.

>> Từ năm 2016 không thi theo khối
>> Các trường tự quyết tuyển sinh ĐH-CĐ 2012

Băn khoăn vì thời hạn xét tuyển quá dài

Việc đổi mới khâu xét tuyển là một trong những nội dung được xem là đổi mới nhất trong việc tuyển sinh năm 2012. Theo đó, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ giao cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển. Căn cứ điểm sàn không nhân hệ số, chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển.

Ủng hộ chủ trương giao cho các trường chủ động trong việc xét tuyển nhưng phát biểu tại hội nghị, nhiều trường lại tỏ ra băn khoăn về thời gian xét tuyển quá dài. Ông Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh - cho rằng: Bộ nên quy định thời gian kết thúc việc xét tuyển, ví dụ như tối đa đến tháng 10 là các trường phải hoàn thành việc xét tuyển. Theo ông Quang, nếu kéo dài đến tháng 12, trong khi sinh viên nhập học rồi mà còn vài sinh viên nữa mới đăng ký vào trường thì nhà trường cũng không thể mở thêm lớp.


Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Ngọc Thắng

Đồng tình với băn khoăn này, ông Nguyễn Hồng Anh - Hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn và ông Nguyễn Hữu Tài - Phó hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai) cùng đề nghị Bộ nên quy định một mốc thời gian nhất định chứ không nên kéo quá dài thời hạn xét tuyển.

Ông Đặng Văn Uy - Hiệu trưởng ĐH Hàng Hải (Hải Phòng) cho rằng: việc tuyển sinh hiện nay được tổ chức rầm rộ, chặt chẽ nhưng chất lượng đào tạo vẫn kém. Do vậy đổi mới chất lượng giáo dục phải là đổi mới toàn diện, liên quan tới tất cả quá trình dạy học, thi cử ở bậc phổ thông, đào tạo ở bậc ĐH.

Ông Uy đề xuất: không nên kéo quá dài thời gian xét tuyển mà mỗi năm nên có hai đợt tuyển sinh, mỗi đợt cách nhau từ 4 - 6 tháng. Thi cử nên làm nhẹ nhàng hơn, không nên quá rầm rộ, tốn kém, tập trung cả nước vào một đợt thi như hiện nay.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - bày tỏ sự đồng tình khi Bộ tập trung nhiều đổi mới vào khâu xét tuyển vì theo ông đây là khâu “đuối” nhất trong các khâu của kỳ tuyển sinh. Ông Nghĩa cho rằng, việc kéo dài thời gian xét tuyển đến ngày 31.12 không phải để áp dụng cho tất cả trường.

Trường nào tuyển sinh đủ chỉ tiêu thì khâu xét tuyển sẽ hoàn tất sớm, trường nào chưa xong thì được kéo dài để thêm cơ hội tuyển đủ chỉ tiêu. Nói về sự thay đổi mang tính đột phá này, ông Nghĩa ví von: tình hình thay đổi đến mức nếu năm trước là “phạm tội” thì năm nay trở thành hoàn toàn không phạm tội gì cả.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, về tuyển sinh từ nay cho đến năm 2015, giữ ổn định chỉ thay đổi nhỏ theo hướng đảm bảo quyền lợi tối đa cho người học, người thi, minh bạch với các trường.

Sau năm 2015 như thế nào vẫn tiếp tục lấy ý kiến để đổi mới đồng bộ về giáo dục ĐH, không tách tuyển sinh ra. Các trường sẽ tiếp tục nghiên cứu thảo luận.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị - Ảnh: Ngọc Thắng

Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích thêm, thời gian xét tuyển giao cho các trường tự chủ nhưng không phải trường nào cũng đến 31.12. Theo kinh nghiệm những năm trước thì chỉ có khoảng 30% số trường có nhu cầu kéo dài còn 70% trường đến thời điểm quy định là xong. Vì vậy việc dừng lại lúc nào là do trường nhưng cũng cần có mốc thời gian nhất định để tổng kết việc tuyển sinh.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định: “Bộ đồng ý để các trường xét tuyển nhiều lần nhưng không kéo dài, phải chốt lại vào một ngày vì liên quan đến số liệu phải báo cáo với Chính phủ, Quốc hội. Không nhất thiết để đến 31.12.

Về thời gian thi vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, có nhiều người ủng hộ nhưng nếu kéo dài thi lực lượng ra đề thi căng thẳng trong khi việc đi thi không lo ách tắc giao thông vì thực ra cán bộ coi thi và thí sinh đi thi rất sớm nên hầu như không tắc đường. Việc thêm một kỳ thi nữa trong năm sẽ được sẽ được tính toán sau năm 2015”.

Tự xác định chỉ tiêu: vi phạm tăng đột biến

Trả lời cho thực trạng doanh nghiệp tuyển sinh để thu tiền, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Việc đào tạo theo nhu cầu xã hội là chủ trương rất lớn, chúng ta đang làm và tiếp tục làm nhưng phải chặn đứng lại những lệch lạc. Mấy năm vừa rồi xảy ra chuyện doanh nghiệp ký hợp đồng tuyển học sinh dưới điểm trúng tuyển để lấy của các cháu 50 - 70 triệu đồng.

Đây không phải là đào tạo theo nhu cầu xã hội mà là lợi dụng để trục lợi, do đó cần phải ngăn chặn. Đào tạo theo nhu cầu là các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng phối hợp xây dựng chương trình, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, nghiên cứu khoa học, còn nhà trường cam kết đào tạo tốt. Doanh nghiệp chỉ tham gia vào tuyển sinh để lấy tiền của người học là không được”.

Từ năm 2012, Bộ GD-ĐT đã chính thức giao cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm trên cơ sở các tiêu chí quy định.

Theo đó, các trường căn cứ tiêu chí về tỷ lệ sinh viên (chỉ tính học sinh, sinh viên đào tạo theo hình thức chính quy) trên số giảng viên cơ hữu quy đổi và tỷ lệ diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo của cơ sở đào tạo tính trên mỗi sinh viên để xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2012.

Tuy nhiên, theo báo cáo mà Bộ GD-ĐT công bố tại Hội nghị sáng 14.2, thì cho đến thời điểm này, Bộ đã nhận được đăng ký chỉ tiêu của 133/176 trường ĐH và 152/212 trường CĐ. Kết quả cho thấy, có 55 trường ĐH và 39 trường CĐ đăng ký chỉ tiêu vượt quá năng lực thực tế của trường.

Bày tỏ lo ngại trước thông tin này, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng: năm trước, sau khi hậu kiểm, có 5 trường vi phạm về tuyển sinh vượt chỉ tiêu và phải chịu phạt hành chính. Nhưng năm nay thì con số này sẽ tăng gấp nhiều lần. Như vậy là các trường tỏ thái độ chấp nhận nộp phạt hành chính để tuyển sinh được nhiều, tăng thêm nguồn thu học phí. Chính vì vậy, nếu áp dụng ngay lập tức tiêu chí về điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất thì không thực hiện được mà nên có lộ trình. "Nếu vi phạm nhiều như năm nay thì việc xử phạt hành chính liệu có đủ sức răn đe không?", ông Nghĩa đặt vấn đề.

Phát biểu của đại diện Trường CĐ Công thương TP.HCM về vấn đề này khiến nhiều đại biểu tham dự hội nghị ngạc nhiên: Rất muốn nâng cao chất lượng nhưng nếu không tuyển sinh được thì không có lương trả cho cán bộ, giáo viên. Chính vì vậy Bộ không nên căn cứ quá nặng nề về tỷ lệ giảng viên/sinh viên hay diện tích sàn của các trường trong quá trình duyệt chỉ tiêu (?!).

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: chúng tôi đang bàn để cân nhắc không gây sức ép tăng số lượng, chỉ tăng trên cơ sở đảm bảo chất lượng.

"Trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng nóng, việc một vài địa phương tuyên bố không tuyển sinh sinh viên trường ngoài công lập, sinh viên không chính quy khiến chúng ta phải nghiêm túc đón nhận cảnh báo này để xem xét về chất lượng. Chỉ tiêu sẽ phải điều chỉnh giảm, không thể khác được. Thầy giáo là yếu tố quyết định, phòng học, phòng thí nghiệm và thư viện cũng là yếu tố quan trọng. Không thể chấp nhận mỗi bộ môn chỉ có một người (giảng viên)", Bộ trưởng cho biết.


Tại hội nghị, nhiều trường đã góp ý cho những dự kiến đổi mới của công tác tuyển sinh ĐH, CĐ bắt đầu từ năm nay - Ảnh: Ngọc Thắng

Các trường năng khiếu bị... bỏ quên?

Một số lãnh đạo khối trường đào tạo các bộ môn năng khiếu phát biểu tại Hội nghị đã chỉ ra những nội dung đổi mới về giáo dục bậc ĐH chưa tính đến sự bất cập đối với khối các trường năng khiếu.

Bà Văn Thị Mai Hương - Giám đốc Nhạc viện TP.HCM bày tỏ mong muốn những đổi mới mà Bộ đề xuất cần tính đến đặc thù của khối trường năng khiếu. Ví dụ, việc bỏ đào tạo hệ trung cấp trong các trường ĐH là hoàn toàn không phù hợp với trường nghệ thuật.

Bà Hương cho biết: hệ trung cấp của Nhạc viện học tới 9 năm, nếu bỏ trung cấp thì cũng đồng nghĩa với việc Nhạc viện hầu như không thể tuyển và đào tạo được bậc ĐH vì đây là hệ đào tạo nguồn cho ĐH. "Còn quy định về việc xác định chỉ tiêu đối với trường năng khiếu như vậy cũng không hợp lý vì nhu cầu xã hội hóa trong các trường năng khiếu là rất cần thiết", bà Hương nói.

Ông Trần Khánh Hiệp - Hiệu trưởng ĐH Sân khấu điện ảnh cũng cho rằng: đặc thù của trường văn hóa nghệ thuật có rất nhiều khác biệt. Mong rằng năm nay trong quy chế có khối thi S, S1 sẽ bỏ môn văn. Khi thi môn Văn, nếu cảm thấy có cơ hội thì các em thi chứ không bắt buộc. Để làm được thì Bộ phải bố trí lệch để thí sinh thi khối C vẫn có thể đến dự thi.

Về việc tuyển sinh đối với trường đặc thù, Bộ trưởng cho biết, khối văn hóa nghệ thuật, quốc phòng an ninh sẽ có ngoại lệ liên quan đến môn thi tuyển sinh và đào tạo trung cấp. Việc thi môn nào do trường đề xuất, Bộ sẵn sàng lắng nghe và áp dụng trong năm nay miễn là tuyển sinh đúng, đủ và đảm bảo chất lượng.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, có 16 ý kiến tại hội nghị đã cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ. Bộ sẽ tiếp thu những ý kiến đề xuất để cân nhắc và có quyết định cuối cùng bằng văn bản chính thức gửi tới các cơ sở giáo dục.

Không in cuốn Những điều cần biết

Dự kiến năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ không in cuốn Những điều cần biết như những năm trước, các thông tin tuyển sinh các trường công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, đa số các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều đề nghị Bộ nên tiếp tục in tài liệu này vì đây là nhu cầu thiết thực của thí sinh, đặc biệt là những thí sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; không phải ở đâu các em cũng có điều kiện tra cứu thông tin trên internet.

Giải đáp băn khăn của các trường về việc không in cuốn Những điều cần biết, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nói: thí sinh ở vùng sâu vùng xa không sợ gặp khó khăn. Bộ GD-ĐT đã làm việc với Viettel (tập đoàn viễn thông quân đội - PV), đơn vị này cam kết ở những trường cấp 3 nào không có internet thì Viettel sẽ cung cấp đầy đủ, nên không sợ thí sinh gặp khó khăn. Phần mềm truy cập thông tin của Cục công nghệ thông tin đã đưa lên mạng của Bộ GD-ĐT giúp việc tìm hiểu thông tin rất thuận tiện nhanh chóng.

Thứ trưởng Ga khẳng định: "Việc không phát hành cuốn Những điều cần biết là phù hợp".

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết thêm, Bộ không in Những điều cần biết nhưng trên tinh thần là Bộ sẽ khuyến khích các nơi cân nhắc in theo nhu cầu của xã hội nhưng tất cả các số liệu đều không được dán “nhãn” của Bộ GD-ĐT.

Tuệ Nguyễn - Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.