Cuộc chiến đất đai ở Trung Quốc: Nông dân bị ép “lên lầu”

11/02/2012 14:57 GMT+7

(TNO) Hơn 20 tỉnh, thành của Trung Quốc hiện đang bị ép thực hiện chính sách “giải tán thôn làng” để lấy đất xây dựng, đẩy người nông dân vào cảnh không kế sinh nhai.

Từ ngày 2.11.2010, Tân Hoa xã đã phản ánh tình trạng này. Theo đó, bài báo ghi rõ, hơn 20 tỉnh, thành ở nước này đang thực hiện chính sách “giải tán thôn làng”, biến thành đất xây dựng, khiến rất nhiều ruộng đất vốn đang sản xuất “biến mất” và nhiều hộ nông dân bị mất nhà cửa và đất canh tác, bị ép phải “lên lầu” sống trong những căn hộ chung cư chật chội.

Sở dĩ chính quyền các địa phương trên chủ trương “phù phép” biến đất ruộng thành đất xây dựng là vì sẽ nhân tiện thực hiện được hai việc. Một là, lợi dụng những sơ hở trong chính sách để thu lợi cá nhân như không minh bạch về giá đền bù đất cho dân hay hưởng huê hồng từ phía công ty bất động sản. Hai là, muốn hội đủ tiêu chuẩn để xin nâng cấp địa phương và liên kết tăng cường sử dụng đất xây dựng đô thị và nông thôn.

Phóng viên báo Bắc Kinh cũng điều tra ra rằng đây là chính sách chung được nhiều địa phương tận dụng và “hóa giải” trở thành con đường mới để sinh sôi tài lộc.

Báo Bắc Kinh thừa nhận, thậm chí vì hám lợi với lợi nhuận khổng lồ từ bất động sản, không ít địa phương đã bất chấp nguyện vọng của người dân, cưỡng ép phải giao đất giao nhà, dấy nên bao bất bình cho người dân ở các tỉnh, thành nước này.

Sau khi đất canh tác được "phù phép" thành loại đất khác, sẽ bị quyền lực và tư bản “hợp mưu” cướp đi. Người nông dân bị ép phải vào những khu “nông thôn mới” và từ đó phải sống “cuộc sống mới”.

Hủy diệt các thôn làng tự nhiên

Trên không ít các báo khác như Thanh Niên Nhật báo của Trung Quốc cũng phê phán rằng đây là sự cướp đoạt đối với nông thôn, cưỡng bức nông dân "lên lầu" và hủy diệt các thôn làng tự nhiên trên diện rộng.

Điều này không chỉ đi ngược lại với tinh thần pháp trị, mà còn gây tác động to lớn đối với xã hội nông thôn.

Tân Hoa xã cũng xác nhận từ tháng 10.2010, ở các vùng nông thôn của tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc, An Huy… đã xuất hiện ngày càng nhiều các khu nhà chung cư cao tầng.

Đổng Gia thôn vốn được tỉnh Hà Bắc công nhận là "thôn sinh thái văn minh vào năm 2006" thì nay đã hoang phế, các nhà dân mới xây đều bị san bằng bởi xe ủi cưỡng chế, con đường xi măng mới láng của thôn cũng bị băm nát.

Trong khi đó, vùng Chư Thành (thuộc tỉnh Sơn Đông) đã bãi bỏ chế độ hành chính cấp thôn, và 1249 thôn trước đây của Chư Thành giờ sáp nhập lại thành 208 khu vực.

 
Người nông dân thôn Hà Loan, TP.Phi Châu (tỉnh Giang Tô) biểu tình vì những người bị chết do xô xát với chính quyền ngày 7.1.2010 - Ảnh: people.com.cn

Đã có 700.000 nông dân phải từ biệt thôn làng để chuyển tới sinh sống ở các vùng dân cư mới. Những nơi rơi vào tình trạng xóa bỏ nông thôn, lập khu dân cư mới như Chư Thành xuất hiện ngày càng nhiều trong hơn 20 tỉnh, thành ở nước này.

Tuy nhiên, hình thức phát triển này khiến không ít người dân phải lo sợ. Tại hội thảo quốc tế có tên “Nhất thể hóa thành thị và nông thôn: xu thế và thách thức” tổ chức hồi tháng 8.2010 tại TP.Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, ông Trần Tích Văn - Phó trưởng nhóm nông thôn trung ương, đã phải than rằng: Cuộc vận động xóa bỏ nông thôn trong thời bình với quy mô lớn như vậy là một tiền lệ chưa từng có từ cổ chí kim. Ông Văn cũng chỉ trích đằng sau sự việc này là dùng nông thôn để phục vụ cho thành thị, khiến nông thôn bị tan nát và chia năm xẻ bảy.

“Nếu không kịp thời khống chế, ắt sẽ gây ra chuyện lớn,” ông Văn kết luận.

Trào lưu xóa bỏ nông thôn

Trong vài năm trở lại đây, việc xóa bỏ thôn xóm, lập các khu dân cư mới đã trở thành một trào lưu rất thịnh hành ở Trung Quốc dưới rất nhiều dạng khẩu hiệu, tên gọi và lớp bọc khác nhau như: xây dựng nông thôn mới, cải tạo nông thôn cũ, phối hợp với thành phố…

Từ tháng 4.2006, 5 tỉnh thành là Sơn Đông, Thiên Tân, Giang Tô, Hồ Bắc và Tứ Xuyên đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường Trung Quốc xếp vào diện thí điểm đầu tiên cho chính sách liên kết để thay đổi đất xây dựng đô thị và nông thôn.

Trong văn kiện của Bộ Tài nguyên và Môi trường Trung Quốc, cụm từ “liên kết để thay đổi” nhằm chỉ những khu vực có cả diện tích cũ và mới hợp thành từ việc củng cố và cải tạo đất xây dựng nông thôn làm canh tác (tức là bỏ những đất cũ) và sử dụng làm đất xây dựng thành thị (tức là xây dựng cái mới); và trên cơ sở bảo đảm sự cân bằng diện tích giữa các loại đất trên, cuối cùng thực hiện tăng cường diện tích canh tác có hiệu quả… nhằm đạt mục tiêu tận dụng triệt để sự phân bổ đất sử dụng cho canh tác và thành thị được hợp lý hơn…”.

Nói một cách khác, chính Bộ này đã chủ trương lấy đất xây dựng nông thôn kết hợp với đất xây dựng thị trấn, cải tạo đất nông thôn nhằm tăng diện tích canh tác và thành thị cũng được tăng diện tích xây dựng tương ứng.

Chính sách này được chính quyền địa phương nông thôn hết sức quán triệt với mục đích rõ ràng: cho nông dân lên lầu, tiết kiệm đất ở, để đổi lấy chỉ tiêu sử dụng đất xây dựng thành phố.

Năm 2009, tỉnh Hà Bắc đề ra chính sách toàn tỉnh triển khai chính sách “vùng cư dân mới” nông thôn. Chính sách này về bản chất cũng giống hệt chính sách “thôn đổi thành xã” của tỉnh Sơn Đông, đều là tăng cường liên kết thay đổi đất với mục đích tăng cường chỉ tiêu đất xây dựng.

Sở Đất đai tỉnh Hà Bắc còn tiết lộ, đến năm 2012, chính sách “vùng cư dân mới” sẽ giúp tỉnh này tăng thêm hơn 500.000 ha đất xây dựng.

Tuy nhiên, để thực hiện bằng được chính sách trên, chính quyền các địa phương cũng phải đau đầu đi “kiếm đất” và coi đây là mục tiêu hàng đầu cần làm của chính quyền các địa phương. Chẳng hạn tỉnh Hà Bắc năm 2009 đặt ra chỉ tiêu phải tăng thêm 210.000 ha đất nhưng con số mà nhà nước cho chỉ là 170.000 ha. Vậy làm thế nào để bù được 40.000 ha đất còn thiếu đã trở thành mục tiêu hàng đầu.

Chính sách “liên kết thay đổi” vừa được tung ra đã trở thành chiếc chìa khóa vàng giúp các địa phương khắc phục được khó khăn về chỗ đất còn thiếu. Nếu làm đúng thì việc liên kết thay đổi đất này phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường của nước này phê chuẩn và sau khi phê duyệt chỉ tiêu tương ứng mới được triển khai và tiêu chí ban đầu là “mượn đất” và sẽ trả lại đất canh tác sau 3 năm.

Tuy nhiên, các địa phương thường lờ tịt điểm này khi áp dụng chính sách.

Từ tháng 3.2009, 13 tỉnh thành như Hà Bắc, Liễu Ninh… đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường Trung Quốc phê duyệt chỉ tiêu tăng thêm hơn 150.000 ha đất và con số chỉ tiêu này vẫn được tiếp tục đề ra trong các năm tiếp theo. Trong đó, tỉnh Hà Bắc đã xin nhận chỉ tiêu 12.000 ha đất, trở thành người anh hùng đáng nể trong việc giải quyết thiếu hụt về đất đai.

Giám đốc Sở Đất đai TP.Phì Thành (tỉnh Sơn Tây) cho biết, địa phương ông cần từ 3.000-4.000 ha đất hằng năm nhưng chỉ tiêu dùng đất chỉ có từ 300-400 ha.

“Nếu không phải là nơi thí điểm áp dụng chính sách trên, chúng tôi sẽ thực sự rất khó khăn”, ông này cho biết. Vì tình trạng thiếu hụt đất nghiêm trọng như vậy, chính quyền địa phương nhiều nơi đã mạnh tay trong việc “cần có đất bằng mọi giá”, từ đó gây nên không ít mâu thuẫn gắt gao với người dân.

Ngọc Bi

>> Báo Singapore đăng bài phản đối tuyên bố của Trung Quốc trên biển Đông
>> Hợp tác ASEAN - Trung Quốc
>> Trung Quốc cần kiềm chế ở biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.