Sàn kịch chờ sao mới

07/02/2012 08:20 GMT+7

Để thế hệ diễn viên trẻ tỏa sáng trên các sân khấu kịch, ngoài tài năng cá nhân và nỗ lực hết mình của mỗi người, cần có nhiều yếu tố khác.

Để thế hệ diễn viên trẻ tỏa sáng trên các sân khấu kịch, ngoài tài năng cá nhân và nỗ lực hết mình của mỗi người, cần có nhiều yếu tố khác.

Sân khấu TPHCM đã từng có một lớp diễn viên được xem là “thế hệ vàng” của kịch nói, những tên tuổi mà hôm nay vẫn là trụ cột của 10 sàn diễn đang sáng đèn hằng đêm: Thành Lộc, Việt Anh, Thành Hội, Hồng Vân, Hữu Châu, Thanh Thủy, Ái Như, Khánh Hoàng, Minh Nhí… Từ đó đến nay, công chúng vẫn chờ đợi có những lớp diễn viên thế hệ vàng thứ hai, thứ ba xuất hiện nhưng xem ra vẫn còn xa.

Nhiều tài năng đang độ chín

Trên đà phát triển của sân khấu kịch xã hội hóa, một lớp diễn viên trẻ đã xuất hiện và đang tạo dựng được sự yêu thích từ phía công chúng. Những gương mặt mà tài năng đang độ chín, có những chuyển biến tích cực trong nhận thức nghề nghiệp để khẳng định mình qua nhiều vai diễn hay. Tên của họ ở các phòng vé vẫn thu hút được khán giả.

 
Lê Khánh nổi bật trong vở diễn Lẩu trăn

Họ đang là niềm kỳ vọng của các sân khấu kịch hiện tại và tương lai, có thể kể đến Lê Khánh, Lương Thế Thành (sân khấu IDECAF), Thu Trang, Hoàng Phi (Nhà hát Thế giới trẻ), Vũ Văn Long, Trường Giang (Nụ cười mới), Kim Huyền, Thanh Vân, Thanh Duy (Kịch Phú Nhuận), Quý Bình, Lê Phương, Thanh Hải (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM), Gia Bảo (sân khấu kịch số 7 Trần Cao Vân), Quang Thảo, Trí Quang (sân khấu Hoàng Thái Thanh)…

Ở mỗi vai diễn mới, họ đều tạo được sự chú ý qua cách thể hiện đa dạng, nhiều màu sắc. Đến sân khấu IDECAF xem vở Lẩu trăn (đạo diễn Hữu Châu), đang diễn 3 suất mỗi ngày, mới thấy vai trò Lê Khánh thật sự nổi bật. Khánh làm chủ mọi tình huống kịch. Cô vừa bước ra sân khấu là được khán giả đón nhận bằng những tràng pháo tay giòn giã, rồi khán giả được dịp cười nghiêng ngả và muốn rơi nước mắt theo vai diễn của cô.

Chưa thành sao kế cận

 Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc nhận xét: “Những diễn viên trẻ triển vọng hiện nay xét về mặt quảng bá thì họ có nhiều cơ hội hơn các đàn anh, đàn chị khi mà tần suất xuất hiện của họ dày đặc trên phim ảnh, game show, báo điện tử… Tuy nhiên, họ vẫn chưa được xem là “đội ngũ sao kế cận” của sân khấu kịch. Vấn đề là các sân khấu có mạnh dạn đầu tư một cách có chiến lược kiểu như CLB sân khấu thể nghiệm 5B ngày trước đã làm”.

Cùng với Lê Khánh, Lương Thế Thành đã từng làm say đắm lòng người khi cả hai tung hứng với nhau trong vở Ca sĩ ngôi sao (đạo diễn Vũ Minh), vở diễn đã mang lại cho Lê Khánh Giải Mai Vàng 2011 Nữ diễn viên sân khấu được yêu thích nhất, hoặc chìm ngập trong cảm xúc dạt dào qua nhiều cung bậc tình cảm trong vở Một cuộc đời bị đánh cắp (đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc).

Thu Trang và Hoàng Phi ở Nhà hát Thế giới trẻ hiện nay cũng được xem là cặp diễn viên “nổi đình, nổi đám” khi cả hai gần như “thao túng” toàn bộ các vai hài của sàn diễn này. Nếu vở nào thiếu họ, sàn diễn này ít nhiều có khó khăn trong việc bán vé.

Trường Giang và Vũ Văn Long ở Sân khấu Kịch Nụ cười mới cũng thế. Cả hai đủ sức để thay thế các vai diễn của cố diễn viên Hữu Lộc hoặc làm bạn diễn ăn ý bên cạnh Hoài Linh, Chí Tài. Nếu Trường Giang chuyên trị vai già thì Vũ Văn Long vào các vai tính cách lẳng, độc và gần như không có đối thủ trên sân khấu này.

Kim Huyền, Thanh Vân và Thanh Duy là ba diễn viên của Sân khấu Kịch Phú Nhuận mà mỗi khi phân vai cho vở mới, bà bầu Hồng Vân đều phải lưu ý tới họ. Vì theo NSƯT Hồng Vân, “họ có sức hút riêng, nhanh chóng tạo được cảm tình với người xem” và ở tư cách diễn viên, họ có đủ lực để đi vào những vai diễn khó, tâm lý phức tạp...

Kỳ vọng, nhưng...

Để làm nên “thế hệ vàng”, các nghệ sĩ Thành Lộc, Việt Anh, Thành Hội, Hồng Vân, Hữu Châu, Thanh Thủy, Ái Như cũng đã từng trải qua một thời tự thân vận động, nỗ lực hết mình khi được giao những vai diễn mới và bằng tài năng, sự lao động nghiêm túc của mình, biết nắm bắt cơ hội ở từng hoàn cảnh, từng sàn diễn để tỏa sáng trong lòng công chúng yêu kịch. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là họ may mắn khi xuất hiện trong điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Đó là sự xuất hiện kịp thời của CLB Sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần, nay là Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM - nơi đã tập hợp, rèn luyện, chắp cánh cho nhiều tài năng vụt sáng. Ở đó tập trung nhiều kịch bản hay của các nhà biên kịch nổi tiếng, mà giá trị của nó vẫn tiếp tục tỏa sáng trên các sàn diễn hiện nay với hình thức dàn dựng lại. Ở đó còn tập trung những đạo diễn yêu nghề tâm huyết với mỗi đứa con tinh thần của mình mà không phải quá lo lắng hay bị chi phối về khả năng doanh thu và nơi đó quy tụ những diễn viên chỉ biết sống chết với nghề.

Kỳ vọng về lứa diễn viên trẻ có thể thành sao trong tương lai gần xem ra vẫn còn nhiều điều kiện. Xét về mặt tài năng, họ đã tạo ra những dấu ấn cá nhân và lợi thế của họ chính là sức trẻ nhưng lực diễn còn ít nhiều hạn chế. Cụ thể, khi nghệ sĩ Thanh Thủy rời sân khấu IDECAF, Lê Khánh được đôn lên đóng vai thần phi Nguyễn Thị Anh trong vở Bí mật vườn Lệ Chi và thực tế nội lực diễn những đoạn cao trào của Lê Khánh chưa đủ sức thay thế, đó chưa kể đài từ của cô vẫn còn hạn chế. Hoặc Quang Thảo khi thế vai của NSƯT Thành Lộc trong Hãy khóc đi em, được tái dựng trên sân khấu Hoàng Thái Thanh, diễn chưa đủ chiều sâu để đạt tới độ phân thân của một người đàn ông sống hai mặt như nhân vật thì làm sao thuyết phục người xem.

Xét về các vai diễn mới, hầu hết những diễn viên trẻ có tài năng đã phần nào có dấu ấn riêng trong những vở công diễn dịp đầu năm 2012. Họ đều chứng tỏ sự cố gắng để không trùng lắp cách diễn, không phải là bản sao của người đi trước, đó là điều đáng ghi nhận. Nhưng xét về khía cạnh thành công vượt bậc, họ chỉ đóng khung trong khuôn mẫu các tính cách được “đo ni đóng giày”, còn để biết sức bền đường xa thì họ đang cần được các sân khấu kịch đầu tư thêm.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.