Vụ chìm tàu Costa Concordia: Mắc phải lời nguyền?

04/02/2012 10:05 GMT+7

Chìm ngày thứ sáu, 13-1, bật hát ca khúc chủ đề phim Titanic lúc đụng phải đá ngầm, phải chăng định mệnh đã an bài số phận con tàu ?

Đã có một loạt sự kiện khó tưởng tượng xảy ra liên quan đến con tàu du lịch khổng lồ Ý Costa Concordia đụng phải đá ngầm lật nghiêng và chìm một bên gần đảo Giglio, vùng Tuscany, Trung Tây nước Ý. Những người tin chuyện dị đoan cho rằng chiếc Costa Concordia ngay từ đầu đã phát đi những tín hiệu gợi đến lời nguyền của thế lực huyền bí nào đó.

Những điềm gở

Vụ chìm tàu Costa Concordia là một thảm họa nằm trong một chuỗi sự kiện kỳ quặc. Sự kiện đầu tiên xảy ra tại buổi lễ hạ thủy con tàu du lịch lớn nhất nước Ý.

Hôm ấy là ngày 7-7-2006. Theo truyền thống của nghề đi biển, mỗi con tàu mới đóng khi hạ thủy được chúc phúc bằng cách quăng một chai rượu sâm-panh vào vỏ tàu. Nếu chai rượu bể, vận may sẽ đồng hành với con tàu. Chai rượu không bể là một điềm gở.

 
Celine Dion bất hủ với ca khúc My Heart Will Go On - Ảnh: Wordpress

Xem lại cuộn băng video quay cảnh hạ thủy chiếc Costa Concordia của công ty truyền thông Úc Fairfax Media Limited, người xem thấy khá rõ trong 10 giây chai rượu được quăng đi đập mạnh vào vỏ tàu nhưng không bể. Các thủy thủ chứng kiến sự cố đồng thanh bật tiếng kêu tiếc rẻ và đầy lo âu.

 Nhiều người tin dị đoan cho rằng không sớm thì muộn số phận con tàu sẽ kết thúc bi thảm. Chưa đầy 6 năm sau, nó đã gặp nạn hai lần, lần đầu năm 2008 và lần này hết sức nghiêm trọng  vào ngày thứ sáu, 13-1, ngày đáng sợ nhất của đông đảo người phương Tây.

Điềm gở thứ hai do hai anh em Yannic và Kevin Sgaga, du khách Thụy Sĩ, kể lại trên tờ La Tribune de Genève. Hai anh em ngồi ăn tối trong một nhà hàng trên tàu lúc 21giờ 40 phút thì nghe trên loa tiếng hát nức nở của ca sĩ Celine Dion trong ca khúc My Heart Will Go On nổi tiếng năm 1997. Đó là ca khúc chủ đề của bộ phim Titanic quay lại cảnh chìm tàu năm 1912 với hai ngôi sao điện ảnh Leonardo DiCaprio và Kate Winslet.

Họ đang mải mê thưởng thức giọng hát tuyệt vời của ca sĩ người Canada thì sàn tàu bỗng rung lên. Chiếc Costa Concordia lớn gần gấp ba chiếc Titanic vừa chạm phải đá ngầm của đảo Giglio. Sau khi hai anh em thoát nạn trong cảnh sơ tán hỗn loạn chưa từng thấy, Yannic chia sẻ trong nỗi bàng hoàng: “Hình ảnh phim Titanic chưa bao giờ sống động như thế trong tâm trí chúng tôi”.

Ai đã phát bài hát mang tính định mệnh đó đúng vào lúc Costa Concordia đụng phải đá ngầm và bắt đầu chìm khiến 17 người chết tìm thấy xác, 16 người mất tích và 64 người bị thương? Cho đến bây giờ vẫn chưa xác định được người này.  Số thương vong không bằng thảm họa Titanic (1.517 người thiệt mạng)  nhưng cảnh tượng khủng khiếp của 100 năm trước đã được tái hiện.

Trong số 3.229 hành khách (trên tàu có tổng cộng 4.252 người, số còn lại là nhân viên và thủy thủ), số phận của chị Valentina Capuano, 30 tuổi, được coi là lạ lùng nhất. Chị là cháu gái của một nữ hành khách từng có mặt trên tàu Titanic năm xưa. Lần đó, bà cô và ông cậu của chị may mắn thoát chết và bây giờ đến lượt chị đi du ngoạn cùng với chồng chưa cưới và  em trai cũng suýt chết.

Được đền tiền nhưng không được kiện

Chiếc du thuyền khổng lồ Costa Concordia trị giá 570 triệu USD đang bị sóng biển hủy hoại, theo tin mới nhất của Đài Tiếng nói Nước Nga,  có thể bị “khai tử” luôn bởi tiền trục vớt và sửa chữa cao hơn tiền đóng mới. Đây cũng là một thảm họa tài chính cho Carnival Corp, công ty mẹ của Costa Corsiere, ở Mỹ được xem là nhà khai thác tàu du lịch lớn nhất thế giới.

 
Hành khách tàu Costa Concordia được sơ tán lên bờ - Ảnh: AP

Theo tính toán ban đầu của Carnival Corp, tai họa do Costa Concordia gây ra làm công ty thiệt hại từ 155 đến 175 triệu USD. Costa Corsiere đại diện cho Carnival Corp đang thương lượng tiền bồi thường tổn hại về vật chất và tinh thần với hành khách đi trên tàu Costa Concordia để tránh phải hầu tòa rất phiền phức.

Đêm 30-1, công ty đã đưa ra gói tiền đền bù cào bằng là 11.000 euro/khách với điều kiện không được kiện cáo công ty. Khách hàng chỉ có hai tuần để quyết định nhận hay từ chối. Đây là kết quả đàm phán giữa đại diện Costa Corsiere và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Ý đại diện cho 3.229 khách hành thuộc 61 quốc tịch.

Tuy nhiên, công ty đã vấp phải phản ứng dữ dội từ khách hàng. Tại Pháp, luật sư Bertrand Courtois, đại diện cho 350 hành khách Pháp, cho rằng Công ty Costa Corsiere đã dồn các nạn nhân vào chân tường. Thân chủ của ông ngoài chuyện mất mát hành lý và bị tổn thương nặng về tinh thần, không kể những người bị thiệt mạng, đã tốn rất nhiều tiền để thu hồi xe hơi, giấy tờ…

Theo ông Courtois, khi Queen Mary 2, tàu chở khách vượt Đại Tây Dương lớn nhất thế giới của Anh,  gặp sự cố, tòa án đã phán quyết chủ tàu phải bồi thường 50.000 euro/khách chỉ tính riêng tổn thất về mặt tinh thần. Số tiền 11.000 euro là quá ít, chứng tỏ công ty không đánh giá đúng thảm họa do tàu Costa Concordia gây ra.

Tại Ý, nhiều luật sư cho biết công ty phải bồi thường trung bình 25.000 euro/khách. Trong khi đó, khách hàng người Mỹ đòi đến 125.000 USD. Hiện nay, đã có hai đơn kiện tập thể ở Miami và Chicago. Trong số này có 6 hành khách Mỹ đòi Công ty Costa Corsiere và Carnival Corp bồi thường tổng cộng 460 triệu USD!

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.