Dựng biểu tượng rồng Việt

05/02/2012 03:57 GMT+7

Trong buổi tọa đàm về biểu tượng rồng Việt do Trung tâm truyền thông di sản văn hóa Việt tổ chức, các nhà nghiên cứu, chuyên gia đã cùng thảo luận có nên dựng biểu tượng rồng trong thời kỳ hiện đại, và nếu có, biểu tượng cần như thế nào.

Trong buổi tọa đàm về biểu tượng rồng Việt do Trung tâm truyền thông di sản văn hóa Việt tổ chức, các nhà nghiên cứu, chuyên gia đã cùng thảo luận có nên dựng biểu tượng rồng trong thời kỳ hiện đại, và nếu có, biểu tượng cần như thế nào.

Đặc trưng rồng Việt

Qua các triều đại, thời kỳ, hình tượng rồng được sáng tạo, mang hình dáng khác nhau. Một câu hỏi được đặt ra: có nên xây dựng biểu tượng rồng Việt cho thời đại mới?

 
Rồng thời Lý - Ảnh: T.L

Hình ảnh con rồng xuất hiện ở nhiều quốc gia phương Đông. Tuy nhiên, hình tượng rồng được người Việt sáng tạo, tưởng tượng mang dáng dấp đặc trưng riêng, gắn liền với việc thể hiện sự tốt lành, uy quyền. Thời Hùng Vương, rồng được tưởng tượng giống với hình ảnh con cá sấu. Từ thế kỷ 1-10, rồng có thân bò sát, mềm mại, lượn sóng, có khi có thân thú như hổ, sói… Rồng thời Lý mình trơn, thân uốn cong nhiều vòng, uyển chuyển, nhỏ dần về phía đuôi. Thời Trần, rồng có hình dáng uy nghi, đường bệ, xuất hiện cặp sừng và đôi tay. Tới thời Lê, thân rồng lượn hai khúc lớn, chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn thể hiện cho quyền uy.

Đa số nhà nghiên cứu, chuyên gia trong buổi tọa đàm đã tán đồng với việc xây dựng biểu tượng rồng mới. Theo thượng tọa Thích Kiến Nguyệt (trụ trì thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên), biểu tượng rồng cần mạnh, khỏe, mang tính văn hóa dân tộc của thời đại, dựa trên những hình tượng sẵn có. Đồng quan điểm, PGS-TS Đặng Văn Bài bày tỏ: Biểu tượng rồng cần sáng tạo, nhưng vẫn tiếp nối, dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của tiền nhân, cho thấy những nguyện vọng của con người ngày nay. Theo họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, dựng biểu tượng thế nào cũng không được quên đặc điểm của rồng Việt là gắn bó với hai yếu tố: nước và dân.

Phục hưng hình tượng rồng

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng hình tượng rồng thường xuất hiện trong các công trình văn hóa xưa, ít được hình tượng hóa trong ngày nay. Theo ông, cần phục hưng hình tượng rồng. Ông đề xuất: “Nên chăng chúng ta thay tượng sư tử đang tràn lan hiện nay bằng tượng rồng”. Hiện tượng tượng sư tử “lạ” xuất hiện khắp mọi nơi đã được cảnh báo. “Gần đây nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, thương mại, tượng sư tử mang phong cách Trung Hoa xuất hiện quá nhiều. Đây là hiện tượng đáng phải suy nghĩ”, ông Dương Trung Quốc nói. PGS-TS Đặng Văn Bài cho biết từng lên tiếng trên báo chí về việc đặt tượng sư tử tại chùa Một Cột, nhưng ông ngạc nhiên không hiểu vì sao đến giờ những con sư tử “lạ” vẫn đứng yên tại đó. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế bức xúc cảnh báo hiện nay tại nghĩa trang Mai Dịch có đầy tượng sư tử mang phong cách Trung Hoa.

 
Đầu rồng khai quật được tại Hoàng thành Thăng Long

Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: “Phải chăng những người đặt tượng sư tử để cầu lợi ích gì chăng? Với xu thế hội nhập hiện nay, du nhập cái mới vào là điều khó tránh. Lỗi của chúng ta là không tự sáng tạo, thỏa mãn nhu cầu của đời sống. Tôi không có ý bài bác văn hóa nước ngoài, nhưng tại sao chúng ta không trở lại với di sản mà ông cha đã sáng tạo ra?”.  

Rồng trên đỉnh Tam Đảo

Trung tâm truyền thông di sản Việt sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu, công chúng về biểu tượng rồng Việt mới: có nên dựng và dựng như thế nào?

Hiện tại, đang có ý tưởng đặt tượng rồng trên đỉnh Tam Đảo, nằm trong khuôn viên tịnh viện Vân Sơn (Vĩnh Phúc). Biểu tượng rồng mới (nếu được xây dựng) sẽ được đặt đầu tiên tại đây. PGS-TS Đặng Văn Bài cho rằng cần xác định tượng rồng đặt trong khuôn viên tịnh viện với mục đích trang trí, cần tổng hòa với tổng thể kiến trúc, không nên quá lớn, hoành tráng.

Ông lấy ví dụ, tại chùa Dạm, cột đá chạm rồng không lớn nhưng lại không hề làm mất tính thiêng liêng, hài hòa với cảnh vật, thể hiện sự khôn ngoan trong cách ứng xử của cha ông. Ông nhấn mạnh: Điều cốt yếu không phải là sự phô trương mà chính là tôn vinh Phật giáo, di sản văn hóa dân tộc.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.