Nói và làm

03/02/2012 03:22 GMT+7

Hầu hết mọi người đều cho rằng, nói thì dễ, làm mới khó. Nhưng trong quá trình tác nghiệp xung quanh vụ Kinh hoàng công nghệ xăng dỏm do PV Báo Thanh Niên điều tra, chúng tôi nhận ra rằng, nói - cũng không hề đơn giản.

Không đơn giản là bởi có tang chứng, vật chứng đầy đủ nhưng không ít người có trách nhiệm, có thẩm quyền lại lảng tránh, lại cảm thấy "khó nói", thậm chí kiên quyết từ chối trả lời về những vấn đề liên quan vụ việc này. Không đơn giản là bởi cơ chế "người phát ngôn" đã được ban hành nhưng liên tục trong gần 1 tháng kể từ khi vụ rút ruột, pha chế xăng dầu được phanh phui một cách hết sức rõ ràng, trong khi dư luận sốt ruột chờ đợi kết quả điều tra, xử lý thì hầu hết các thông tin liên quan đến vụ việc này lại rơi vào "bí mật". Thế mới biết, "nói" mà chúng ta vẫn thường nghĩ là dễ, lại quá khó khăn với nhiều người, nhiều cơ quan, ban ngành.

Thực ra, chúng ta đều hiểu, khó chẳng qua vì "nói" thì phải đụng chạm đến chỗ này, chỗ kia. Mà như vậy sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ, quyền lợi, vị trí của bản thân mình. Quan trọng hơn, "nói" thì phải "làm", đặc biệt là những việc liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, sức khỏe của người dân. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong Nghị quyết thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nhằm củng cố niềm tin của người dân với Đảng. Nên không dễ để nói suông. Đó là lý do, nhiều người chọn giải pháp im lặng.

Nói và làm, chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Ở bất cứ thời đại nào, từ cổ chí kim, chỉ có "nói được làm được" mới đủ sức thuyết phục, đủ sức tạo niềm tin cho người dân. Thế nên, khi Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà khẳng định, vụ Kinh hoàng công nghệ xăng dầu dỏm là đủ cơ sở để khởi tố vụ án, là không thể chìm xuồng, nhiều người đã thở phào nhẹ nhõm. Không phải vì những phân tích, lý lẽ chặt chẽ; cũng không phải vì cơ sở pháp lý đầy đủ ông đưa ra, mà vì trước đó không lâu chính ông đã kiên quyết yêu cầu rút giấy phép cây xăng gian lận chất lượng trên địa bàn TP.HCM. Cũng chính ông yêu cầu mức xử phạt cao nhất đối với những vi phạm của các đơn vị này. Nói đi đôi với làm, điều đó tạo lòng tin cho người dân.

Có thể nhiều người nghĩ rằng, im lặng hay cố tình kéo dài sẽ khiến mọi việc lắng xuống. Nhưng hàng triệu người đã và đang sử dụng xe máy, xe hơi trong nơm nớp lo sợ; hiện tượng cháy nổ bất thường vẫn liên tục xảy ra gây thiệt hại về tài sản, đe dọa tính mạng con người; nguy cơ rủi ro từ sản xuất, vận chuyển và sinh hoạt hằng ngày đang đe dọa cuộc sống của tất cả mọi người trong đó người thân, gia đình và chính bản thân chúng ta... không cho phép những người có trách nhiệm được im lặng. Vấn đề củng cố được niềm tin của người dân hay không đang phụ thuộc vào chính việc "nói và làm" của tất cả các cấp, ngành có liên quan, có thẩm quyền trong vụ việc này.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.