Quân đội "đạo diễn" vụ bạo loạn sân cỏ tại Ai Cập?

02/02/2012 17:20 GMT+7

(TNO) Hội Huynh đệ Hồi giáo Ai Cập, khối giành được nhiều phiếu nhất trong các cuộc bầu cử quốc hội gần đây, nói cái chết của 74 người trong thảm họa bạo lực sân cỏ kinh hoàng nhất Ai Cập hôm 1.2 được đạo diễn bởi một bàn tay “vô hình”.

>> Thảm họa bóng đá kinh hoàng ở Ai Cập

Các chính trị gia và quan chức thể thao đã công khai lên án sự thiếu an ninh tại trận đấu ở Port Said giữa đội bóng địa phương al-Masry và CLB thành công nhất Ai Cập Al Ahli, quy trách nhiệm cho các lãnh đạo quốc gia vì cho phép, hoặc thậm chí gây ra thảm kịch, theo Reuters.

Họ lên án cảnh sát vì không thực hiện kiểm tra tại các cổng vào nhằm ngăn chặn CĐV mang theo dao, gậy và các vũ khí khác vào sân.

“Chuyện này xác nhận về một kế hoạch vô hình đứng đằng sau vụ thảm sát phi lý này. Nhà chức trách đã quá cẩu thả”, nhóm này nói trong một thông báo trên website.

“Chúng tôi sợ rằng một số quan chức đang trừng phạt người dân vì cuộc cách mạng và vì tước đi khả năng hành động như bạo chúa và hạn chế những đặc quyền của họ”, thông báo nói thêm.


Pháo sáng được đốt trong trận đấu tai họa - Ảnh: AFP

Ai Cập vốn đặt dưới sự cai trị của một hội đồng quân sự từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ trong cuộc nổi dậy cách đây một năm. Quốc hội mới được bầu ra sẽ triệu tập một phiên họp khẩn cấp để thảo luận về vụ bạo loạn.

Đảng Công lý và Tự do của hội Huynh đệ Hồi giáo đã giành được gần một nửa số ghế tại quốc hội trong cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi ông Mubarak bị lật đổ.

Những thành viên hàng đầu của quốc hội đã cáo buộc chính quyền quân sự cố ý cho phép bạo lực leo thang nhằm biện hộ việc mở rộng quyền lực và làm xói mòn cuộc cách mạng. Các nhà làm luật đã yêu cầu các lãnh đạo cao cấp từ chức và đe dọa bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ do quân đội bổ nhiệm.

“Lý do của thảm kịch này là sự cẩu thả cố ý và việc vắng bóng quân đội hoặc cảnh sát”, ông Essam el Erian, một nghị sĩ cấp cao của đảng Công lý và Tự do phát biểu với tờ New York Times.

“Chuyện này sẽ không trôi qua mà không có trừng phạt, một ngàn sự trừng phạt”, ông này cảnh cáo.

Theo tờ New York Times, cảnh sát trong sân vận động không thể hoặc không muốn kiểm soát bạo lực. Băng ghi hình cho thấy cảnh các cảnh sát đứng yên khi cuộc hỗn chiến bùng phát.

Mohammed Abu Trika, cầu thủ ngôi sao của đội Al Ahly, nói cảnh sát không làm gì cả. “Mọi người ở đây đang chết, và không ai làm bất cứ thứ gì. Nó giống như chiến tranh”, Trika nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình vệ tinh Al Ahly.

Trong khi đó, quân đội đã gửi các trực thăng và xe quân sự đến Port Said để chở cầu thủ, CĐV của đội Al Ahly cùng những người bị thương trở về Cairo. Binh lính và xe tăng được triển khai xung quanh thành phố để giữ an ninh.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi qua điện thoại với kênh Al Ahly, Thống chế Mohamed Hussein Tantawi, người đứng đầu chính quyền quân sự, thề rằng quân đội sẽ truy lùng những kẻ có trách nhiệm và các nạn nhân sẽ được bồi thường.

“Chúng tôi sẽ vượt qua giai đoạn này. Ai Cập sẽ ổn định. Chúng tôi có lộ trình chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân cử. Nếu ai đó âm mưu gây bất ổn Ai Cập, họ sẽ không thành công. Mọi người sẽ nhận những gì xứng đáng”, ông Tantawi tuyên bố.

Những thảm họa sân cỏ kinh hoàng nhất

Con số 74 người thiệt mạng vì bạo loạn trong bóng đá hôm 1.2 ở Ai Cập nối tiếp một danh sách dài những thảm kịch kinh hoàng trong lịch sử sân cỏ.

Thảm họa tại sân Heysel ở Brussels (Bỉ), Hillsborough ở Sheffield (Anh) và Furiani ở Corsica (Pháp) là một trong những vụ bạo loạn được nhớ đến nhiều nhất song số người chết cao nhất thuộc về thảm kịch tại Lima (Peru) vào năm 1964.

Peru: Ngày 23.5.1964: 320 người đã chết và hơn 1.000 người bị thương trong vụ giẫm đạp tại trận đấu giữa Peru và Argentina ở sân vận động quốc gia Lima. Các cổ động viên không thể thoát khỏi đám đông xô lấn và bị giẫm chết hoặc chết ngạt.

Ghana: Ngày 10.5.2001: 126 người đã thiệt mạng tại Acra vào cuối trận đấu giữa đội Hearts of Oaks và Kumasi khi cổ động viên của Kumasi đã ném đồ đạc và ghế vỡ vì tức giận với thất bại của đội nhà. Cảnh sát đã ném lựu đạn cay, làm bùng phát một vụ giẫm đạp.

Anh: Ngày 15.4.1989: 96 cổ động viên của Liverpool đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp trên khán đài ở sân vận động Hillsborough ở Sheffield trong trận bán kết cúp FA giữa Liverpool và Nottingham Forest.

Ngày 11.5.1985: 56 người đã chết trong vụ hỏa hoạn bùng lên tại các khán đài gỗ trong trận đấu giữa Bradford và Lincoln City.

Ai Cập: Ngày 17.2.1974: 48 người chết và 47 người bị thương khi 80.000 người chen lấn vào một sân vận động có sức chứa 40.000 người.

Nam Phi: Ngày 11.4.2001: 43 người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tại sân Ellis Park ở Johannesburg trong trận đấu giữa hai đội Orlando Pirates và Kaizer Chiefs.

Ngày 13.1.1991: 40 người thiệt mạng trong vụ hỗn chiến ở trận đấu giữa Orlando Pirates và Kaizer Chiefs.

Bỉ: Ngày 29.5.1985: 39 người đã thiệt mạng tại sân Heysel ở Brussels khi các cổ động viên của Juventus cố gắng chạy trốn khỏi các cổ động viên Liverpool hung hăng.

Pháp: Ngày 5.5.1992: 18 người thiệt mạng và hơn 2.300 người bị thương khi một khán đài sập ở sân Furiani thuộc Corsica.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.