Tội phạm truy nã trốn ở đâu? - Kỳ 3: Hồ sơ giả tràn lan

01/02/2012 03:05 GMT+7

Qua bắt giữ nhiều đối tượng truy nã núp bóng công nhân, cơ quan công an cảnh báo các công ty, xí nghiệp trong việc tiếp nhận hồ sơ, tuyển dụng người lao động vào làm việc.

Qua bắt giữ nhiều đối tượng truy nã núp bóng công nhân, cơ quan công an cảnh báo các công ty, xí nghiệp trong việc tiếp nhận hồ sơ, tuyển dụng người lao động vào làm việc.

Để tìm hiểu quy trình tuyển dụng vào làm việc, chúng tôi quay trở lại Công ty gỗ K.Đ (H.Tân Uyên, Bình Dương), nơi đối tượng Lê Đình Thảo (SN 1985, quê H.An Minh, tỉnh Kiên Giang) bị Công an tỉnh Kiên Giang truy nã về tội hiếp dâm trẻ em, "đội lốt" dưới cái tên Lê Đình Khang.

 
Công an Bình Dương bắt Hoàng Văn Nhất theo lệnh truy nã của Công an tỉnh Lạng Sơn - Ảnh: Tuy Phong

Hồ sơ giả vẫn... lọt

Bộ phận nhân sự của Công ty gỗ K.Đ cho biết trong quá trình tuyển dụng lao động không khó để phát hiện hồ sơ giả của công nhân (kể cả trường hợp đối tượng Thảo), nhưng vì nhu cầu tuyển lao động quá lớn nên đành phải "nhắm mắt" chấp nhận, kể cả việc biết họ sử dụng hồ sơ giả xin việc. "Mặt khác, đa số công nhân ở các tỉnh xa khác đến đây xin việc nhưng thủ tục làm một bộ hồ sơ tốn rất nhiều thời gian, chi phí... nên nhiều người đã sử dụng hồ sơ giả hoặc hồ sơ của người khác để đi làm", một nhân viên bộ phận nhân sự Công ty gỗ K.Đ tiết lộ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về việc tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT, bảo vệ tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, từ ngày 16.1 đến ngày 18.1, lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm trên toàn quốc đã truy bắt và vận động ra đầu thú hơn 1.000 đối tượng truy nã; tăng hơn 63% so với trước khi mở đợt cao điểm.

Còn tại một doanh nghiệp nước ngoài đóng tại KCN Tam Phước (Đồng Nai), nơi Đoàn Thị Hồng Anh Đào (SN 1985, quê Thanh Hóa) bị bắt theo lệnh truy nã sau 8 năm trốn lệnh truy nã "biến" thành Đoàn Thị Mai, cũng có lý giải tương tự. "Do nhu cầu tuyển dụng công nhân giày da rất cao nên chúng tôi cũng không xem kỹ về sơ yếu lý lịch. Hơn nữa, việc làm giả hồ sơ hiện nay tràn lan và rất tinh vi nên cũng khó phát hiện", lãnh đạo phòng nhân sự công ty này cho biết.

Chỉ cần ghé vào những trung tâm giới thiệu việc làm dọc tuyến đường Bùi Văn Hòa, P.Long Bình, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) không khó để kiếm một bộ hồ sơ giả (mang họ tên người khác) với đầy đủ con dấu xác thực ở địa phương. Gần đây, Công an TP.Biên Hòa triệt phá rất nhiều đường dây làm giấy giả, con dấu giả của cơ quan nhà nước, trong đó có rất nhiều hồ sơ xin việc cho công nhân.

Dễ như mua rau

Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Nguyễn Văn Nem, Trưởng phòng PC52 Công an Bình Dương, cho biết: “Chỉ tính riêng trong 8 tháng cuối năm 2011, PC52 Bình Dương đã bắt được 127 đối tượng có lệnh truy nã, trong đó 23 đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Đa số các đối tượng trốn lệnh truy nã đều sử dụng hồ sơ, họ và tên giả để đi làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp...". Cũng theo thượng tá Nem, các đối tượng trốn lệnh truy nã sử dụng giấy tờ giả để đi làm, đăng ký tạm trú, tạm vắng khá đầy đủ nên rất khó khăn trong việc truy bắt. Nhiều đối tượng đã lẩn trốn hàng chục năm, hình dáng bề ngoài đã thay đổi khá nhiều nên rất khó khăn trong công tác nhận dạng.

"Qua công tác đấu tranh của công an cho thấy việc làm một bộ hồ sơ giả với đầy đủ: giấy khám sức khỏe, sơ yếu lý lịch, bản sao CMND, bản sao hộ khẩu, giấy chứng nhận tạm trú... là không khó khăn. Giá mỗi bộ hồ sơ như vậy từ 80.000 đến 100.000 đồng và dễ dàng mua được ở các dịch vụ ở gần các khu công nghiệp. Vì vậy, trong quá trình tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, tránh tạo kẽ hở để tội phạm truy nã lợi dụng lẩn trốn", thượng tá Nem cảnh báo.

Tại Đồng Nai có 32 khu công nghiệp với hàng ngàn công ty, xí nghiệp đang hoạt động, nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Do đó, Đồng Nai cũng được nhiều đối tượng trong diện truy nã chọn làm nơi trú ngụ bằng cách thay tên đổi họ, mua hồ sơ giả để vào làm công nhân.

Theo trung tá Hồ Đình Liệu, Đội trưởng Đội tổng hợp Phòng PC52 Công an tỉnh Đồng Nai, từ khi đi vào hoạt động (tháng 7.2010) đến nay PC52 đã bắt được 111 đối tượng truy nã (trong số khoảng 700 đối tượng mà phòng tiếp nhận); vận động được 76 đối tượng truy nã ra đầu thú. "Qua rà soát cho thấy rất nhiều đối tượng trốn lệnh truy nã thay tên đổi họ, mua hồ sơ, bằng cấp chứng chỉ giả để nộp vào các công ty xin làm công nhân. Một kẽ hở hiện nay là tại các công ty hầu như không có nghiệp vụ để phát hiện hồ sơ giả. Một phần do công tác tuyển dụng dễ dãi nên đối tượng bị truy nã dễ dàng trà trộn để lẩn trốn. Chưa hết, nhiều nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp thường ngại thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng nên cũng góp phần tạo điều kiện cho đối tượng bị truy nã ẩn náu".

Theo Phòng PC52, tại Đồng Nai từng có nhiều xóm có biệt danh là xóm "Nghệ An", "Nam Định", khu "Hải Phòng", ngã tư "Phú Thọ"... là nơi tụ tập nhiều người từ các tỉnh về quần tụ, chung sống theo tập quán địa phương. Từ những nơi này, PC52 đã truy bắt nhiều đối tượng trốn truy nã, ẩn náu để làm công nhân.

Thay tên đổi họ cưới vợ hai

Tối 24.11.2011, PC52 Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ Hoàng Văn Nhất (SN 1974, quê xã Thiện Tâm, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) theo lệnh truy nã của Công an tỉnh Lạng Sơn. Theo lời khai của Nhất, khoảng tháng 10.2011, Nhất cùng hơn 10 đối tượng khác tổ chức đánh bạc (xóc đĩa) với mỗi ván lên đến hàng chục triệu đồng. Khi Công an Lạng Sơn đột kích bắt giữ đồng bọn, thì Nhất trốn thoát rồi vào Bình Dương ẩn nấp, xin vào làm công nhân một công ty xây dựng. Tại đây, nhờ thay tên đổi họ mà Nhất còn cưới được cô vợ trẻ dù ở quê Nhất đã có vợ và 3 con. Sau khi nhận thông tin từ Công an Lạng Sơn, PC52 rà soát, khoanh vùng đối tượng và nhanh chóng bắt được Nhất khi đối tượng này vừa về nhà trọ thăm vợ hai. (T.P)

Tuy Phong - Kim Cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.