Lao kháng đa thuốc vẫn còn cách chữa

01/02/2012 09:09 GMT+7

Tại TP.HCM dù bệnh lao kháng đa thuốc đã được điều trị miễn phí nhưng vẫn có bệnh nhân chưa biết về chương trình này. Có người phải sống vật vờ trong bệnh tật vì không có tiền điều trị.
 
Giữa tháng 1-2012, bạn đọc báo cho PV biết có một bệnh nhân bị bệnh lao phổi rất nặng đang điều trị tại Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM phải xin về nhà chờ chết do không có tiền điều trị. Bệnh nhân là anh Trần Ngọc Hậu (26 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM).

“Nhìn con, nước mắt ràn rụa”

Thông tin này đến trong những ngày cận tết nhưng chúng tôi đã cố gắng liên hệ ngay với bác sĩ Nguyễn Huy Dũng - giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch - nhờ ông xem xét hoàn cảnh và tình trạng bệnh của bệnh nhân. Bác sĩ Huy Dũng đã xác minh thông tin chúng tôi báo và hôm sau cho chuyển ngay anh Hậu lên khoa lao kháng thuốc BV Phạm Ngọc Thạch để điều trị bệnh hoàn toàn miễn phí cho anh.

 
Anh Ngọc Hậu được bác sĩ Phan Thượng Đạt khám, kiểm tra phổi - Ảnh: L.TH.H.

Chiều 18-1, chúng tôi đến khoa lao kháng thuốc tìm gặp anh Hậu. Người anh Hậu gầy đét, da xanh xao vàng vọt, ánh mắt lờ đờ mệt mỏi. Dù được hỗ trợ thở oxy nhưng lồng ngực của anh Hậu vẫn lộ rõ nhịp nhô lên, lõm xuống với từng hơi thở rất nặng nhọc, chậm chạp.

ThS.BS Phan Thượng Đạt, trưởng khoa lao kháng thuốc, cho biết tình trạng sức khỏe của anh Hậu rất xấu, tổn thương trên phổi rất nặng. Diễn biến bệnh kéo dài khá lâu nên vi trùng lao hủy hoại nhiều nhu mô phổi. Hiện anh Hậu được điều trị tích cực bằng phác đồ lao kháng đa thuốc theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.

Nguyên nhân dẫn đến lao kháng đa thuốc

Tại VN, bệnh nhân lao kháng đa thuốc mới chiếm tỉ lệ 2,7%. Với bệnh nhân lao cũ, từng điều trị và tái phát bệnh thì tỉ lệ này là 19%.

Có ba nguyên nhân dẫn đến lao kháng đa thuốc là bệnh nhân, thầy thuốc và đột biến vi trùng lao.

Về phía bệnh nhân, thường do không tuân thủ điều trị của bác sĩ, uống thuốc không đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Về phía thầy thuốc, có những bệnh nhân vì quá tin tưởng vào một bác sĩ nào đó (dù bác sĩ đó không chuyên khoa lao) nhưng vẫn yêu cầu bác sĩ điều trị lao cho mình và bác sĩ đó có thể cho thuốc lao không đúng (cho hàm lượng thấp hơn bình thường nên không diệt được vi trùng lao). Hoặc có khi bác sĩ cho liều lượng thuốc đúng nhưng quên dặn bệnh nhân cách uống thuốc đúng..., làm hàm lượng thuốc được hấp thu vào máu giảm thấp khiến vi trùng lao lờn thuốc.

Về phía vi trùng lao, trong tự nhiên vi trùng có thể đột biến gen để kháng lại với thuốc kháng lao, đây là những đột biến trong tự nhiên làm vi trùng không bị chết trong môi trường có thuốc kháng lao.

Khi chúng tôi vào thăm, bà Nguyễn Thị Cúc (mẹ anh Hậu) đã rưng rưng nước mắt. Bà Cúc cho biết Hậu là con út trong gia đình. Vì chồng mất sớm nên các con của bà phải kiếm sống từ rất sớm. Mới 13 tuổi, Hậu đi làm ở một cơ sở gỗ, sau đó làm thợ thổi sơn PU cho một cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất.

Theo bà Cúc, anh Hậu phát bệnh lao lúc mới 18 tuổi. Điều trị khỏi bệnh mấy lần nhưng nhà nghèo nên bà Cúc phải cho con làm lại công việc thổi sơn PU nên bệnh lao cũ tái phát. Tuy nhiên, do không biết BV Phạm Ngọc Thạch có chương trình điều trị lao kháng đa thuốc, một năm qua nhờ tiền giúp đỡ của chủ nhà trọ - nơi bà Cúc thuê nhà - anh Hậu được điều trị tại một phòng mạch tư. Đang điều trị thuốc của phòng mạch này thì anh Hậu bị ho ra máu, ngã quỵ.

“Không có tiền đưa con đến BV, nước mắt tôi cứ chảy ràn rụa nhìn con nằm thở hước mấy lần, mắt trợn trắng mà không đi được” - bà Cúc vừa kể vừa liên tục lau nước mắt chảy dài trên má.

Điều trị miễn phí

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc bệnh nhân lao kháng đa thuốc tại TP.HCM đã được điều trị miễn phí nhưng vẫn còn người bệnh chưa biết đến chương trình này, bác sĩ Phan Thượng Đạt nói từ năm 2009 BV Phạm Ngọc Thạch đã triển khai thực hiện dự án điều trị cho bệnh nhân lao kháng đa thuốc.

Sau hơn ba năm thực hiện, khoa lao kháng thuốc BV đã thu dung và quản lý điều trị 572 bệnh nhân lao kháng đa thuốc. Đối tượng được nhận vào điều trị miễn phí của chương trình là bệnh nhân có hộ khẩu thường trú hoặc diện KT3 tại TP.HCM.

Theo bác sĩ Thượng Đạt, quy trình thu nhận bệnh nhân lao kháng đa thuốc ở TP.HCM như sau: bệnh nhân đang được điều trị tại các tổ chống lao quận huyện (nơi bệnh nhân cư ngụ), nếu bị thất bại với phác đồ 1 hoặc phác đồ 2 của chương trình điều trị lao bình thường thì tổ chống lao quận, huyện có trách nhiệm lấy mẫu đàm của bệnh nhân gửi lên BV Phạm Ngọc Thạch để làm kháng sinh đồ nhanh (Hain test).

Nếu kết quả kháng sinh đồ nhanh dương tính (kháng với các thuốc Rifampicin và Isoniazide), bệnh nhân này sẽ được tổ chống lao giới thiệu về khoa lao kháng thuốc của BV Phạm Ngọc Thạch.

Tại đây, bệnh nhân sẽ được lập hồ sơ theo dõi, quản lý điều trị bệnh, làm các xét nghiệm về chức năng gan, thận, tuyến giáp, đo thính lực, thị lực... Sau đó bệnh nhân sẽ điều trị nội trú ít nhất nửa tháng để xem có dung nạp thuốc không, có bị phản ứng phụ gì không (do uống thuốc điều trị lao có nhiều tác dụng phụ lên các cơ quan nội tạng gan, thận, da liễu, thần kinh...).

Nếu dung nạp thuốc tốt, bệnh nhân sẽ được chuyển về tổ chống lao điều trị tiếp thời gian còn lại (phác đồ điều trị lao kháng đa thuốc kéo dài 19-24 tháng tùy từng bệnh nhân). Nếu bệnh nhân có phản ứng phụ, các bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc để hạn chế phản ứng phụ này cho bệnh nhân ổn định rồi mới chuyển về tổ chống lao điều trị tiếp theo liều lượng thuốc khoa lao kháng thuốc đã tính toán cho bệnh nhân.

Khi bệnh nhân về quận huyện điều trị tiếp, hằng tháng tổ chống lao vẫn phải gửi người bệnh lên khoa lao kháng thuốc để tái khám và cho bệnh nhân làm các xét nghiệm thường quy xem có phản ứng phụ của thuốc hay không. Nếu có rối loạn bất thường thì tiếp tục điều chỉnh cho ổn định rồi mới đưa về tổ chống lao.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.