Phận dâu ngày Tết

31/01/2012 10:22 GMT+7

Ngày Tết đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nàng dâu vì có quá nhiều gánh nặng trong khi họ vẫn phải đảm đương công việc ngoài xã hội như cánh đàn ông…

Đi làm đầu năm mà chị Thủy Trúc, nhân viên công ty L.A (quận 7 - TPHCM), mặt mày bí xị. Mới vừa hỏi thăm, chị đã than vắn, thở dài: “Năm nào cũng như vầy chắc chết. Mệt đứt hơi mà tiền thưởng Tết của hai vợ chồng cũng đi đứt…”.

Méo mặt vì lì xì, quà Tết

Chị Thủy Trúc làm kế toán cho công ty in, còn chồng chị làm nhân viên kinh doanh công ty xuất nhập khẩu nên tiền thưởng Tết của anh chị cũng kha khá. Vốn tính rộng rãi lại hiếu thảo với cha mẹ nên anh Minh, chồng chị, đã không ngần ngại chia đôi tiền thưởng của mình để biếu cha mẹ hai bên. Chưa hết, anh còn nhắc chị phải chuẩn bị lì xì cho ông bà nội ngoại, con cháu để mọi người vui vẻ. Ngày Tết, trẻ con đến chơi nhà hay đến chúc Tết xóm giềng, anh Minh đều lì xì. “Đến chừng xem lại thì số tiền hơn chục triệu hết sạch. Sau Tết, vợ chồng “cày” kiếm lại chứ biết làm sao”- chị tâm sự.

Còn Thảo Linh, nhân viên kinh doanh công ty P.Q (quận 8 - TPHCM) thì cháy túi vì quà Tết. Vợ chồng Linh vừa cưới nhau được hơn một tháng nên đây là lần đầu tiên cô dâu mới ra mắt họ hàng bên chồng. Để không mất điểm trước mọi người, cả tuần lễ trước Tết, Linh lùng sục các siêu thị, cửa hàng để mua sắm quà cho từng người trong gia đình chồng; cả cô, dì, chú, bác bên chồng. “Ngày về, nhìn hai chiếc thùng to tướng chèn đầy quà trong khi cái túi của mình thì trống rỗng, tôi cũng hơi băn khoăn nhưng đến khi thấy mọi người vui vẻ, tôi cũng vui lây” - Linh kể.

Nhìn đống chén dĩa mà muốn khóc!

Tết đã qua nhưng chị Thảo Phương, nhà ở đường Lý Thái Tổ, quận 10 - TPHCM, vẫn còn đuối. Chị vốn là người TPHCM, từ nhỏ đến lớn chỉ biết đi học. Mọi việc trong nhà đã có người giúp việc làm. Lấy chồng Hà Nội, nhiều người cảnh báo về sự nề nếp, tỉ mỉ của người Hà thành nhưng chị không mấy quan tâm. Đến ngày Tết, chị mới biết thế nào là vất vả. Vừa về đến nhà, chị phải vào bếp nấu nướng, dọn dẹp rồi chưng hoa kiểng. Mẹ chồng chị vốn kỹ tính, mọi thứ đều muốn tự làm chứ không mua thức ăn làm sẵn nên hầu như cả ngày, chị phải chôn chân trong bếp. Chị ngao ngán: “Đến lúc giao thừa, tôi vẫn còn phải dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Bây giờ nghe đến Tết là tôi đã muốn té xỉu”.

Còn Mỹ Hằng ở quận 5 - TPHCM thì lấy chồng miền Tây. Cha mẹ chồng Hằng ở quê, họ hàng bên chồng lại có nếp họp mặt vào ngày mùng 2 Tết nên chị phải về sớm để phụ mẹ chồng muối dưa, làm mứt, gói bánh tét… Ngày mùng 2, chị phải thức từ 3 giờ sáng để làm gà, vịt. Hằng kể: “Đến lúc mọi người đã ngồi vào bàn mà tôi vẫn phải chạy lòng vòng bên ngoài để xem thiếu đủ thế nào… Hãi hùng nhất là lúc ăn xong. Nhìn đống chén dĩa để la liệt ngoài sàn nước nhưng không ai đụng tới, tôi chỉ muốn khóc. Các chị dâu, chị họ thì viện cớ có con nhỏ, nhà có khách, ở xa nên ăn xong là về mất. May mà có hai bà hàng xóm sang phụ dọn dẹp, chứ nếu không, tôi cũng không biết phải làm sao”.

Chị Thùy Vân, nhân viên công ty du học T.L (quận 7 - TPHCM), chia sẻ: “Tôi cũng lấy chồng người Hà Nội nhưng thật may, bố mẹ chồng quan niệm ngày Tết là để gia đình sum họp chứ không ăn uống bao nhiêu nên không bày vẽ, nấu nướng nhiều. Còn tiền lì xì, chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn để biếu ông bà, bố mẹ và các cháu. Tùy vào điều kiện mà biếu nhiều hay ít; còn các cháu, vợ chồng tôi quan niệm lì xì để lấy lộc, không nên tập cho trẻ con so đo về tiền bạc sớm quá nên cũng không lì xì nhiều”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.