Loay hoay chuẩn bị đổi giờ làm việc học hành

31/01/2012 16:34 GMT+7

(TNO) Ngày mai (1.2.2012) TP.Hà Nội sẽ bắt đầu thực hiện đổi giờ học, giờ làm nhưng nhiều trường học vẫn loay hoay thực hiện chủ trương trên.

Ông Nguyễn Thiết Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Q.Đống Đa) cho biết, đến chiều nay trường vẫn chưa đưa ra được sự sắp xếp nào để phù hợp với quy định đổi giờ làm của TP.Hà Nội.

“Vì trường có đến 40% giáo viên trẻ đang có con nhỏ, chưa kể số giao viên nhà ở xa, cho nên không thể đẩy giờ dạy của những người nhà ở xa lên tiết 1, 2 để họ được về sớm vì như vậy thì những giáo viên có con nhỏ sẽ không thể đón con lúc 17 giờ. Hiện nay, số giáo viên có con nhỏ đang lo lắng, nếu họ không được về trước 17 giờ để kịp đón con thì từ 17 giờ đến 19 giờ con họ sẽ ở đâu? Còn những giáo viên nhà ở xa thì đang hoang mang không biết từ ngày mai sẽ về nhà lúc mấy giờ, soạn giáo án, chuẩn bị giờ dạy cho hôm sau vào lúc nào? Giáo viên trong trường đang phải tìm cách làm sao để hài hòa giữa việc trường và việc nhà”, ông Sơn nói.

 
Nhiều người băn khoăn khi đổi giờ làm, giờ học liệu có làm giảm ùn tắc giao thông - Ảnh: Lê Quân

Ông Sơn cũng cho biết, trường đã phổ biến rộng rãi đến giáo viên và học sinh biết quy định về thay đổi giờ học mới của TP.Hà Nội. Song song đó là việc cho lắp thêm nhiều thiết bị chiếu sáng ở sân trường, phòng học để phục vụ việc dạy và học đến 19 giờ.

“Số tiền điện phát sinh từ việc chiếu sáng này không biết sẽ lấy nguồn từ đâu để chi trả?”, ông Sơn băn khoăn.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Q.Hoàn Kiếm) cho biết, kể từ lúc biết được quy định đổi giờ học của UBND TP.Hà Nội, nhà trường đã thông báo rộng rãi cho giáo viên và học sinh trường, xây dựng phương án thay đổi giờ dạy, ưu tiên những giáo viên nhà xa, có con nhỏ dạy tiết 1, 2 để về sớm, giờ học thể chất cũng được bố trí học sớm hơn, trang bị thêm ánh sáng ở sân trường, phòng học…

Tuy nhiên, theo ông Bình, nhà trường cũng nhận được ý kiến không đồng tình của nhiều em học sinh, nhất là học sinh khối 12. Đa số các em cho rằng, việc đi sớm về muộn trong thời tiết giá rét và phải ở trường đến 12 tiếng/ngày sẽ vắt kiệt sức học sinh, không thể tự học thêm ở nhà được.

Chưa kể đến nhu cầu giải trí, chơi thể thao của các em vì “về nhà sau 19 giờ thì làm sao chơi được môn thể thao nào nữa?”, ông Bình đặt câu hỏi.

Em Nguyễn Quỳnh Mai, học sinh khối 12 Trường THPT Việt Đức nêu nguyện vọng: “nếu buộc chúng em tan học lúc 19 giờ thì không có thời gian và sức lực ôn thi tốt nghiệp, đại học vào buổi tối. Chưa kể đến thời gian dành cho giải trí, đi học thêm… Hơn nữa, con gái đi về muộn sẽ rất nguy hiểm”.

Không chỉ những người làm trong ngành giáo dục đang lo lắng về giờ giấc, nhiều phụ huynh cũng đứng ngồi không yên vì quy định đổi giờ học, giờ làm của UBND TP.Hà Nội.

Đa số những phụ huynh được hỏi đều cho rằng sức khỏe và lực học của con họ sẽ ra sao khi thay đổi nhịp sống, đồng hồ sinh học. Đó là còn chưa kể đến nếp sinh hoạt của cả gia đình sẽ phải thay đổi: ăn cơm tối muộn hơn, thức dậy chuẩn bị bữa sáng sớm hơn cho con đi học…

 
Nhiều người có chung nhận định, cơ quan chức năng cần chú trọng nâng cao ý thức người tham gia giao thông mới là “chìa khóa” giúp giải quyết ùn tắc giao thông - Ảnh: Lê Quân

Người dân TP.Hà Nội đang có rất nhiều ý kiến trái chiều về quy định thay đổi giờ học, giờ làm thực hiện từ ngày mai.

Ông Bình cho rằng, để giảm ùn tắc giao thông thì phương án đổi giờ chỉ là một biện pháp còn cái chính vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. “Muốn giải quyết tốt vấn đề ùn tắc thì cần phối hợp nhiều biện pháp, nhưng khi áp dụng nên cẩn trọng để tránh ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong xã hội”.

Theo ông Đỗ Bá Khôi - một giáo viên đã nghỉ hưu của Trường THPT Hà Nội - Amsterdam thì việc cải thiện ý thức tham gia giao thông của người dân là quan trọng nhất.

“Nếu có thể được, thì chỉ nên thay đổi theo kiểu sáng đến sớm, chiều về sớm chứ không nên quy định sáng đi sớm, chiều về muộn”, ông Khôi nêu ý kiến.

Trao đổi với PV Thanh Niên Online, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT cho biết, việc điều chỉnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến đời sống người dân, nhưng đây là phương án đã được thành phố cân nhắc kỹ lưỡng, được HĐND thông qua, Thủ tướng Chính phủ nhất trí.

Không chỉ người dân mà các lực lượng chức năng cũng phải điều chỉnh giờ làm việc. Thời gian hoạt động phục vụ giờ cao điểm của hệ thống xe buýt cũng sẽ kéo dài hơn 60 phút so với hiện nay để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Cụ thể, giờ cao điểm sáng sẽ bắt đầu từ 6 giờ đến 9 giờ, cao điểm chiều từ 16 giờ 30 đến 19 giờ 30.

Ngoài ra, theo ông Hùng, trên những tuyến có nhiều trường đại học, lượng phương tiện cá nhân cao như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Xuân Thủy… sẽ tăng tần suất xe buýt trong giờ cao điểm từ 10 phút/lượt hiện nay xuống 7 - 8 phút/lượt nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách.

 
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Lực lượng của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã sẵn sàng làm nhiệm vụ trong ngày đầu thực hiện đổi giờ - Ảnh: Minh Sang  

Không chỉ vậy, Sở GTVT cũng điều chỉnh giờ chạy và tăng chuyến của 6 tuyến xe buýt nhanh từ 86 chuyến/ngày hiện nay lên 123 chuyến/ngày.

Ông Hùng cho biết thêm, Sở GTVT đang nghiên cứu, tổ chức thêm 6 tuyến xe buýt nhanh khác gồm: tuyến Long Biên - Bến xe Yên Nghĩa, Trần Khánh Dư - Bến xe Yên Nghĩa, Cầu Giấy - Bến xe Phùng, Bến xe Gia Lâm - Viện 103, Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Gia Lâm và Nam Thăng Long - Mai Động, với tổng số 97 chuyến/ngày nhằm đáp ứng hiệu quả việc đổi giờ.

Sở GTVT cũng đề nghị các trường triển khai thực hiện đúng quy định đổi giờ, với những vấn đề phát sinh, kiến nghị Sở GTVT điều tiết hoạt động hợp lý để đáp ứng.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.Hà Nội cho biết: hiện tại các lực lượng của phòng đều được bố trí, phân công làm nhiệm vụ, phối hợp cùng lực lượng thanh tra giao thông tại tất cả các chốt. Và thời gian cao điểm sẽ được kéo dài gần như hết cả một ngày, chứ không hoàn toàn đơn thuần như từ 6 - 9 giờ và từ 16 - 18 giờ 30 phút.

Đại tá Ngọc cho biết thêm, tất cả các lực lượng thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đều phải chú ý và thực hiện nghiêm túc về sự thay đổi khung giờ trên. (Mai Hà - Minh Sang) 

Lê Quân

>> Phụ huynh học sinh ngại đổi giờ làm, giờ học
>> Chống ùn tắc giao thông: Lệch giờ học, giờ làm vẫn không hiệu quả
>> Lệch giờ học, có giảm kẹt xe?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.