Scotland thách thức mẫu quốc

30/01/2012 04:19 GMT+7

Vấn đề tồn tại trong nhiều năm qua về sự độc lập hoàn toàn của Scotland có thể để lại những hệ quả khó lường đối với Vương quốc Anh. 

 
Chính quyền Scotland đang muốn tách khỏi Vương quốc Anh - Ảnh: Reuters

Scotland trở thành một bộ phận của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (gọi tắt là Vương quốc Anh) vào năm 1707. Sự độc lập về luật pháp, giáo dục và giáo hội góp phần khiến nước này gìn giữ văn hóa và nét đặc trưng dân tộc riêng. Dù vậy, Scotland không còn là một quốc gia có chủ quyền và không được gia nhập trực tiếp vào LHQ hay EU. Tuy nhiên, sau hơn 300 năm, chưa bao giờ vấn đề độc lập lại thời sự và gần thực tế như hiện nay. Từ một ý tưởng bị coi là không khả thi, nó đã trở thành nguy cơ ngày càng hiển hiện đối với nền quân chủ trên đảo quốc lẫn quyền lực của Thủ tướng Anh David Cameron. 

Thách thức London

Ngày 11.1, người đứng đầu chính quyền Scotland Alex Salmond tuyên bố muốn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014 về việc tách khỏi Vương quốc Anh. Lợi ích kinh tế là một trong những lý do quan trọng để vị lãnh đạo này “chiêu dụ” người dân. Scotland có nguồn dầu mỏ và khí đốt dồi dào, dự kiến đem lại khoản thu thuế lên đến 13 tỉ bảng (20,2 tỉ USD) trong năm tài chính này. Ông Salmond cho rằng Scotland hiện chưa nhận được quyền lợi tương xứng với sự đóng góp của nguồn dầu mỏ và khí đốt cho cả liên hiệp. Vì thế, nếu có thể độc lập khai thác các nguồn lợi trên thì phúc lợi tại Scotland sẽ được nâng lên nữa.

Mặt khác, ông Salmond cũng cố gắng xoa dịu London khi chỉ ra những lợi ích của Anh trong EU khi Scotland độc lập. AFP dẫn lời ông nói: “Chúng ta sẽ có ảnh hưởng lớn hơn, nhiều phiếu hơn khi hoạt động như 2 quốc gia”. Ông Salmond cũng cam kết tiếp tục chia sẻ quan hệ chặt chẽ với các láng giềng.

Phản ứng lại, Thủ tướng Cameron vẫn khẳng định cuộc trưng cầu dân ý chỉ được phép diễn ra khi có sự chuẩn thuận từ London. Chỉ cần Scotland tiến hành được trưng cầu theo ý mình cũng đủ làm rạn nứt nền tảng vị thế của Thủ tướng Anh. Thật ra, chính ông Cameron hồi đầu tháng tỏ ra ủng hộ Scotland tiến hành trưng cầu, theo Reuters. Khi đó, vị thủ tướng này vẫn tin rằng đây là chuyện viển vông vì có rất nhiều trở ngại lớn về pháp lý, chính trị... Ông tuyên bố như vậy chẳng qua chỉ muốn tranh thủ cử tri Scotland. Tuy nhiên, gần đây Thủ tướng Anh nhận ra rằng nguy cơ “tự bắn vào chân” bỗng ngày càng lớn.  

Kịch bản và hệ lụy

Scotland độc lập sẽ khiến Anh phải tái phối trí lực lượng quốc phòng, theo BBC. Tại Scotland có căn cứ hải quân Clyde là nơi đặt nhiều tàu ngầm mang đầu đạn nguyên tử và đóng vai trò chiến lược đối với vành đai phòng thủ của London. Giáo sư William Walker tại Đại học St Andrews nhận định “rất, rất khó” để di chuyển toàn bộ cơ sở trên khỏi Scotland. Ngoài ra, Anh đang xúc tiến kế hoạch chuyển 20.000 binh sĩ đang đóng tại Đức về đồn trú tại Scotland trong 8 năm tới. Vì thế, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond cảnh báo mọi biến động có thể khiến cấu trúc quân sự nước này đổ vỡ. 

Bên cạnh đó, Bloomberg dẫn kết quả thăm dò mới đây cho biết 46% số người được hỏi muốn cuộc trưng cầu dân ý có thêm chọn lựa là Scotland vẫn thuộc Vương quốc Anh nhưng có thêm quyền tự chủ. Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều người không muốn “đứng một mình”. Thực tế, độc lập cũng đồng nghĩa với việc Scotland sẽ đối mặt không ít thách thức. Nước này khó đủ sức tạo dựng ảnh hưởng, đảm bảo vị thế khi “ra riêng” và năng lực quốc phòng cũng là một vấn đề. Vì thế, nhiều nhà phân tích cho rằng kịch bản khả dĩ nhất là Scotland được tăng cường độc lập, nhưng London vẫn đảm nhiệm ngoại giao và quốc phòng.

Dù kết quả thế nào, sự kiện này cũng giúp Scotland sẽ có được quyền tự trị sâu rộng hơn, đủ làm thay đổi hoàn toàn quan hệ với Anh trong tương lai. Ngoài ra, nó có thể tạo tiền lệ cho Bắc Ireland và xứ Wales. Nhất là Bắc Ireland, nơi còn nhiều bất ổn vì hoạt động của các nhóm đấu tranh ly khai và ảnh hưởng từ CH Ireland. Quan hệ Anh - CH Ireland - Bắc Ireland đã chứng kiến những cuộc xung đột và khủng bố đẫm máu liên quan đến vấn đề độc lập và ly khai. Tờ The Guardian dẫn lời Peter Robinson, người đứng đầu chính quyền Bắc Ireland, kêu gọi Scotland đừng rời khỏi liên hiệp. Trong khi đó, Thủ hiến xứ Wales Carwyn Jones đã đề nghị tái cấu trúc lại quốc hội để tránh trường hợp London chiếm đa số quyết định sau khi không còn đại diện của Scotland. Xa hơn, ông đã bàn đến tương lai của Vương quốc Anh có cấu trúc như một liên bang.

Vương quốc Anh gồm 4 thành viên là Anh, Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales. Tất cả đều có đại diện trong quốc hội với nguyên thủ hiện nay là Nữ hoàng Elizabeth II và người đứng đầu chính phủ là Thủ tướng David Cameron. Tuy nhiên, Scotland và xứ Wales cũng có nghị viện riêng, đều ra đời vào năm 1999, để quyết định chính sách y tế, giáo dục và luật pháp. Bắc Ireland cũng có nghị viện riêng nhưng do nhiều lý do nên vẫn chưa phát huy vai trò thực sự.

Đến nay, Nữ hoàng Elizabeth II vẫn đang là nguyên thủ của 16 quốc gia có chủ quyền gồm: Vương quốc Anh, Úc, Canada, New Zealand, Antigua-Barbuda, Bahamas, Barbados, Belize, Grenada, Jamaica, Papua New Guinea, Saint Kitts-Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent-Grenadines, Solomon và Tuvalu. Tuy nhiên, điều này chỉ mang tính hình thức nên nhiều nước không có ý định ly khai hoàn toàn làm gì. Năm 1999, Úc từng tổ chức trưng cầu dân ý để có nguyên thủ riêng nhưng kết quả là vẫn giữ nguyên hiện trạng.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.