Vĩnh biệt một trái tim nặng lòng với Hà Nội

29/01/2012 01:37 GMT+7

Trái tim người thầy giáo, nhà nghiên cứu dành trọn vẹn tình yêu cho mảnh đất Hà Nội - Nguyễn Vinh Phúc - đã ngừng đập vào lúc 3 giờ 15 phút sáng 28.1. Ông hưởng thọ 87 tuổi.

Trái tim người thầy giáo, nhà nghiên cứu dành trọn vẹn tình yêu cho mảnh đất Hà Nội - Nguyễn Vinh Phúc - đã ngừng đập vào lúc 3 giờ 15 phút sáng 28.1. Ông hưởng thọ 87 tuổi.


Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc - ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ông quê gốc ở Hưng Yên. Năm 1955, ông về dạy học tại Hà Nội. Ông từng tâm sự, những kiến thức về Hà Nội trong sách giáo khoa hồi đó còn sơ sài. Muốn có những bài học lý thú, hấp dẫn học trò, ông đã quyết định tự mày mò nghiên cứu về mảnh đất giàu văn hóa, tinh hoa ấy. Một mình lầm lũi, không có ai trợ giúp, người thầy giáo cần mẫn đi đến từng ngôi đền, ngôi chùa, những ngóc ngách, con phố của Hà Nội… Khó khăn không phải ít, nhưng với ông quan trọng là niềm đam mê đặc biệt với con người và cõi đất Hà Nội. Càng tìm hiểu lại càng thấy đẹp và ngưỡng mộ. Với ông, đã làm nghiên cứu phải đúng là nghiên cứu thực sự, chứ không phải là công việc sao chép tài liệu. Ông nghiên cứu sâu, rộng trên nhiều lĩnh vực; đã phát hiện, nghiên cứu hàng trăm địa danh, di tích lịch sử tưởng như đã bị chìm vào quên lãng theo thời gian. Nguyễn Vinh Phúc cũng là người đầu tiên dựng lại lịch sử, tên gọi của trên 500 đường, phố Hà Nội.

Từ những năm 1966, 1967, ông viết nhiều bài báo nghiên cứu Hà Nội. Đến năm 1979, ông tập hợp các nghiên cứu, xuất bản cuốn sách Đường phố Hà Nội. Có lẽ, danh từ “nhà Hà Nội học” gắn liền với ông từ đó. Ông đã tự thực hiện 15 cuốn sách về Hà Nội, tiêu biểu có: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội; Hà Nội qua những năm tháng; Hà Nội con đường, dòng sông, lịch sử, Hà Nội thành phố nghìn năm; Hà Nội và phụ cận; Phố và đường Hà Nội;, Hà Nội - cõi đất con người; Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; Mặt gương Tây Hồ; 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội… Ngoài ra, ông cũng tham gia chủ biên, tham gia trong nhiều cuốn sách, bộ sách lớn, giá trị về Hà Nội.

Ông ra đi để lại cho hậu thế những công trình nghiên cứu là khối di sản to lớn, và những trăn trở như lời nhắc nhở về những phôi pha ít nhiều trong nếp sống thanh tú, thanh lịch của người Hà Nội, cách ăn, cách mặc hay những ngôi nhà đã có nhiều biến tướng, chắp vá…

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, con gái ông Nguyễn Vinh Phúc, cho biết lễ viếng diễn ra từ 7-9 giờ sáng tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Hà Nội, vào thứ năm ngày 2.2.2012. 

Ngọc An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.