Mạo hiểm hành hương

29/01/2012 02:48 GMT+7

Leo lên chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử chẳng khác nào tham gia một cuộc leo núi nguy hiểm. Hàng ngàn người chen lấn xô đẩy trên con đường mòn cheo leo bên bờ vực sâu hun hút, khi xuống núi vẫn tim đập chân run.


Du khách chen chúc nhau qua khe đá hẹp - ảnh: Lê Quân

Dù tới mùng 10 tháng giêng mới khai hội Yên Tử nhưng ngay từ mùng một tết, mỗi ngày đã có hàng chục ngàn lượt người ùn ùn kéo về đất tổ thiền phái Trúc Lâm trên đỉnh Yên Tử, TP.Uông Bí, Quảng Ninh.

Con đường từ ngã ba nối QL18 vào Yên Tử dài hơn 13 km quanh co với nhiều khúc cua tay áo. Dù mặt đường được thảm khá phẳng nhưng cả quãng đường chỉ có vài chiếc gương cầu. Nhiều đoạn cua gấp xuống vực suối không có gương cầu khiến lái xe giật mình bởi những chiếc xe máy ngược chiều, người lái không đội mũ bảo hiểm, phóng vun vút chém làn đường một cách thản nhiên.

Đường thì hẹp, chỉ cần một người ngã là sẽ kéo cả chục người lăn xuống những khe đá sâu hun hút...

Chị Trần Thanh Tú (Hà Nội)

Khác với chùa Hương hay đền Hùng, ở Yên Tử không có (hoặc chưa có) cảnh cờ bạc, vui chơi có thưởng tràn lan, xô bồ. Người ăn xin cũng rất ít… Chùa được đầu tư xây dựng khang trang, khuôn viên xanh mướt, không gian thanh tịnh.

Tuy nhiên, con đường lên đỉnh núi càng đi càng khó khăn, hàng trăm bậc đá lên chùa Hoa Yên quá nhỏ, chỉ vừa già nửa bàn chân khiến những bước chân du khách ngập ngừng, rón rén. Hai bên lan can bậc thang là những con rồng đá, tuy rất đẹp nhưng lại không tiện dụng bởi khách hành hương sẽ rất khó bám được vào gờ trên sống lưng rồng vừa to, vừa cao để đi lên.

Chen lấn bên bờ vực

Những bậc đá dù nhỏ vẫn còn là cung đường lý tưởng nếu so với cung đường cả ngàn mét từ chùa Hoa Yên lên chùa Đồng ở đỉnh non thiêng Yên Tử (cao hơn 1.000m so với mực nước biển). Những bậc thang lát gạch đã hết, người ta làm một số bậc bằng bê tông sỏi cát đắp vào tảng đá. Tuy nhiên, số bậc này quá ít ỏi so với hàng ngàn bước chân rầm rập đùn đẩy, luồn lách, người xô kẻ túm tranh nhau vượt lên phía trước. Người đuối sức đứng lại bên đường thở phì phò, nhưng khốn nỗi đường quá hẹp, người dừng lại cản bước người đi, người lên chen với người xuống tạo ra sự ùn tắc, hỗn loạn và nguy hiểm.

Ông Lê Hoàng Bình, 64 tuổi, ở Dương Kinh, TP.Hải Phòng chỉ vào đầu gối bị sứt sát: “Không ai khuyến cáo người già, trẻ em không nên lên đường như thế này, nên chúng tôi cứ tưởng đi chùa là được thưởng ngoạn, hóa ra toàn người chen người trên dốc đá trơn trượt. Tôi đang leo bị một cậu thanh niên nhảy vù qua, tôi trượt chân té xuống sứt cả đầu gối. Theo tôi, cần làm lại con đường lên chùa Đồng bằng bậc thang rộng và thoải, có lan can như đoạn dưới, chứ để thế này quá nguy hiểm”.

Đứng bên cạnh, chị Trần Thanh Tú, 34 tuổi, ở P.Đại Kim, Q.Hoàng Mai, Hà Nội cùng chồng dắt con 3 tuổi leo lên, mặt tái xanh, thở hổn hển: “Em đi chùa cầu an, ai ngờ lên đây mới biết đi thế này quá dễ gặp tai nạn. Ở đây đã có đường lên, đường xuống riêng, nhưng du khách không biết hoặc cố tình chen vào đi cả hai chiều, đường thì hẹp, chỉ cần một người ngã là sẽ kéo cả chục người lăn xuống những khe đá sâu hun hút thế kia. Ai ngờ đến cửa chùa lễ Phật cũng có khúc tắc đường tới 30 phút”.

Chỗ chị Tú nói bị tắc là ở những khe đá hẹp cao ngang vai người lớn, chỉ vừa cho một người lọt qua. Trong khi đó, cả dòng người đi lên, đi xuống đấu đầu nhau nên không bên nào đi được. Nhiều người bán hàng cho biết, đến khi chính hội, có thời điểm tắc đường đến 2-3 tiếng, dòng người chỉ còn biết đứng dưới trời mưa lạnh để chờ, ai may mắn đứng ở cuối hàng mới có thể quay về.


Dù trời rét, du khách vẫn toát mồ hôi khi lao qua mỏm đá, chạm tay chùa Đồng - ảnh: Lê Quân

Nhưng “cuộc đua” leo núi mạo hiểm còn gay cấn đến cả khi về đích. Sau gần 1 giờ toát mồ hôi chen lấn, du khách mới  đến được chùa Đồng trên đỉnh non thiêng. Giữa mây mù, gió thổi hun hút lạnh thấu xương là cả dòng người lao tới sờ tay, thắp nhang, quẹt tiền vào cột chùa, vào khánh, vào chuông để mong được may mắn. Nhưng không như chùa dưới đồng bằng có sân rộng lát gạch, bậc thềm lát đá, xung quanh chùa Đồng là những mỏm, những tảng đá to như một gian nhà, chỉ một cú trượt chân cũng sẽ khiến nạn nhân đập đầu và đá, nhẹ thì gãy chân, nặng thì chấn thương sọ não.

Không gian chật hẹp ấy là điểm đến của cả vạn người, thêm vào đó, ban tổ chức lại không bố trí đường vòng 1 chiều chạy quanh chùa nên con nhang đệ tử, người vãn cảnh hay người cầu danh lợi cũng lao tới từ tứ phía, thậm chí còn luồn qua các khe đá để chui lên sờ cho được tay vào cột, vào kèo bằng đồng nâu bóng. Ba bốn anh thợ ảnh đứng trên các tảng đá hua hua ống kính, gào lên mời khách, gọi khách trả ảnh hay đuổi người đứng trước để chụp ảnh cho khách đứng sau. “Chuyện tai nạn té ngã ở đây chẳng có gì là lạ. Có năm có tới 3-4 vụ du khách té ngã, bị gãy chân hay chảy máu đầu ở đường lên cũng như khu vực đến chùa Đồng này”, một thợ ảnh cho biết.

 
Trong tiết trời giá lạnh, ngay từ mùng 1 tết đã có hàng nghìn người hành hương đến Yên Tử dù đến mùng 10 mới khai hội - Ảnh Lê Quân

 
Đường lên chùa Đồng đoạn từ An Kỳ Sinh luôn tắc dài do quá đông người - Ảnh Hải Đăng

 
Con đường dài cả cây số chênh vênh, trơn trượt, có quá ít bậc đá so với hàng ngàn bước chân chen lấn - Ảnh Lê Quân

 
Vách đá hẹp là “nút cổ chai” gây ùn tắc... - Ảnh Hải Đăng

 
Chen lấn ngay trước cửa thiền. Không hề có người của ban quản lý khu di tích phân luồng, hướng dẫn du khách - Ảnh Lê Quân

 
Chen nhau xát tiền vào chuông để cầu may - Ảnh Hải Đăng

 
Không chạm được tay vào chuông, có người thiếu ý thức dùng cả gậy để chọc - Ảnh Lê Quân

 
Mặc dù ban quản lý đã đặt khay tiếp nhận tiền lễ của du khách nhưng nhiều người vẫn vứt tiền la liệt dưới chân tháp chuông ở chùa Đồng - Ảnh Hải Đăng

 
Trên đường xuống núi thiêng, nhiều người mệt thừ vì cuộc chen lấn - Ảnh Lê Quân

 
Nằm vạ vật bên đường chờ hồi sức rồi xuống núi - Ảnh Hải Đăng

Lê Quân - Hải Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.