Viễn cảnh thống nhất liên Triều

26/01/2012 00:31 GMT+7

Sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời, vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên trở nên thời sự với những động thái của cả hai miền.

Báo Telegraph dẫn kết quả khảo sát mới nhất do Đại học Quốc gia Seoul của Hàn Quốc cho hay 53,7% người được hỏi cho rằng cần thống nhất liên Triều. Vấn đề này đang được khuấy động trở lại từ khi lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il đột ngột qua đời cuối năm ngoái. “Sự ra đi của ông Kim khiến nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ, sực tỉnh rằng nước mình còn một người “anh em” ở phía bắc”, chuyên gia Chang Yong-seok tại Đại học Quốc gia Seoul nhận định.

Lợi và hại

Gần 3 tuần sau khi ông Kim qua đời, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố sẽ thành lập một quỹ để chuẩn bị cho sự thống nhất nhưng không nói rõ nguồn tiền đến từ đâu. Reuters dẫn ước tính của các chuyên gia cho thấy nếu bán đảo Triều Tiên lại “liền một dải”, Hàn Quốc có thể tổn thất tức thời hàng ngàn tỉ USD, tùy theo mức độ hòa hợp nhanh hay chậm. Theo dự báo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc trong năm đầu sau khi thống nhất, chi phí phúc lợi cơ bản cho người miền Bắc là 48 tỉ USD. Ngoài ra, khoảng cách bất bình đẳng thu nhập có thể sẽ tăng khi người chủ Hàn Quốc thuê công nhân giá rẻ từ CHDCND Triều Tiên, dẫn đến công nhân miền Nam bị trả lương thấp hoặc mất việc. Đó là chưa kể tình hình hỗn loạn an ninh và xã hội có thể vượt tầm kiểm soát.

 
Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun (trái) và lãnh đạo Kim Jong-il tại Bình Nhưỡng năm 2007  - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, về lâu dài, việc thống nhất có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả hai miền. Nguồn tài nguyên phong phú trị giá khoảng 6.000 tỉ USD của CHDCND Triều Tiên có thể góp phần đẩy mạnh nền kinh tế Hàn Quốc. Tờ Financial Times dẫn phân tích của tập đoàn tài chính Goldman Sachs cho rằng tiềm năng của bán đảo Triều Tiên nhất thể sẽ thổi luồng sinh khí mới vào một Hàn Quốc đang già nua và đưa nền kinh tế liên Triều trở thành đối thủ của Nhật Bản trước năm 2050.

Ngoài ra, thống nhất sẽ giúp cả hai miền giảm mạnh chi tiêu quốc phòng. Theo Reuters, chi tiêu quốc phòng của CHDCND Triều Tiên chiếm khoảng 30% GDP, trong khi con số này của Hàn Quốc là khoảng 2,7%. Đối với CHDCND Triều Tiên, bất kỳ thống nhất theo kiểu nào cũng có thể giúp hàng triệu người thoát nghèo và tăng thu nhập ít nhất 10 lần, theo giới quan sát. Vì thế, Telegraph dẫn lời Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Yu Woo-ik nhấn mạnh rằng lợi ích lâu dài sẽ vượt xa chi phí và công sức bỏ ra. “Thống nhất không phải vấn đề lựa chọn mà là việc phải làm. Trốn tránh vì ngại tốn tiền là một hành động hèn nhát”, ông Yu nhấn mạnh.

Động thái của Bình Nhưỡng

Hồi đầu tháng, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 6.1 đăng bài xã luận kêu gọi đẩy nhanh thống nhất liên Triều, khẳng định đây là nguyện vọng của đảng Lao động Triều Tiên và chính phủ nước này. “Đây là nhiệm vụ lớn nhất mà lãnh đạo Kim Jong-il để lại cho thế hệ sau”, bài xã luận viết và kêu gọi tất cả người dân ở hai miền nỗ lực hàn gắn bán đảo với lập trường độc lập, hòa bình, đại đoàn kết dân tộc. KCNA cũng nhắc lại rằng năm 2012 đánh dấu 5 năm ngày ông Kim Jong-il và Tổng thống Hàn Quốc khi đó Roh Moo-hyun ký thỏa thuận kêu gọi đàm phán về việc lập hiệp ước hòa bình vĩnh viễn giữa 2 miền.

Đến nay, vẫn chưa rõ các chính sách sắp tới của ban lãnh đạo mới ở Bình Nhưỡng do đại tướng Kim Jong-un đứng đầu sẽ đi theo hướng nào. Tuy nhiên, một số nguồn tin tiết lộ tướng Kim có đầu óc cởi mở và có thể sẽ có một số động thái cải cách. “Sự kiện lãnh đạo Kim Jong-il qua đời có thể khiến miền Bắc hướng tới một số thay đổi có giới hạn. Nếu lãnh đạo mới Kim Jong-un quan tâm cải cách hơn thì có thể dẫn tới thay đổi trên bán đảo”, giáo sư khoa học chính trị Yoo Ho-yeol tại Đại học Hàn Quốc nhận định.

Mô hình nào cho bán đảo triều tiên?

Lâu nay, giới chức Hàn Quốc đã nghiên cứu mô hình thống nhất của Đức vì Tây Đức và Đông Đức trước khi tái hợp rất giống hai miền Triều Tiên. Hồi tháng 11.2011, một phái đoàn Đức đã đến Seoul để chia sẻ kinh nghiệm, trong đó có thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng cuối cùng của CHDC Đức là các ông Lothar de Maizière và Rainer Eppelmann, theo tờ Der Spiegel.

Tuy nhiên, Hàn Quốc không muốn tái hợp đột ngột như ở Đức vì chi phí thu hẹp khoảng cách sẽ đội lên rất nhiều. Khi thống nhất vào năm 1990, thu nhập bình quân đầu người ở Tây Đức gấp 4 lần của Đông Đức. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người ở Hàn Quốc còn cao gấp 20 lần so với người miền Bắc trong năm 2010, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc.

Do đó, Reuters dẫn lời một số chuyên gia cho rằng lựa chọn ít tốn kém nhất là theo mô hình Trung Quốc/Hồng Kông, cho phép 2 nền kinh tế và phần nào đó là hai hệ thống chính trị tồn tại song song, với sự di cư giới hạn. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cũng tỏ ra nghiêng về ý tưởng này. Theo đó, Hàn Quốc sẽ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ở CHDCND Triều Tiên và kêu gọi miền Bắc cải cách kinh tế. Tuy nhiên, việc chấp nhận những khoản đầu tư từ miền Nam có thể hạ thấp vai trò lãnh đạo của miền Bắc. Đây là điều lãnh đạo mới Kim Jong-un sẽ không chấp nhận. Theo AP, Bình Nhưỡng muốn một liên bang 2 nhà nước, trong đó mỗi bên có hướng đi riêng nhưng không xung đột nhau.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.